Lo sinh viên "nuốt lời", Sở Y tế nhận bằng thay

Nhiều sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Y dược TP.HCM hệ đào tạo theo địa chỉ sử dụng phản ánh họ không được nhận bằng khi kết thúc khóa học.

Nhiều sinh viên được Sở Y tế Đồng Nai cử đi học tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, theo lịch ngày 30/11/2014 họ tốt nghiệp, đến ngày 30/12/2014 được nhận bằng tốt nghiệp, nhưng khi đến trường không được trường cấp bằng do địa phương có công văn xin nhận bằng thay.

  

Lo sinh viên nuốt lời, Sở Y tế nhận bằng thay

Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, có 2 Sở Y tế Đồng Nai và Sở Y tế Bình Phước đề nghị thay sinh viên nhận bằng nên nhà trường chưa trao phát

Một sinh viên cho biết, năm 2008 em được Sở Y tế Đồng Nai cử đi học tại Trường ĐH Y dược TP.HCM. Sau khi hoàn thành khóa học thay vì chúng em trực tiếp được nhận bằng, Sở Y tế Đồng Nai lại yêu cầu chúng em phải ký vào giấy ủy quyền để sở đi nhận bằng thay.

Sở phát công văn "nhờ" trường ĐH giữ lại bằng

Trước khi được cử đi học theo diện này các sinh viên đã kí cam kết với Sở Y tế Đồng Nai, tốt nghiệp sẽ trở về phục vụ địa phương trong thời hạn 5 năm, nếu không làm đúng cam kết sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chính vì vậy, ngày 13/11/2014 Sở Y tế Đồng Nai có văn bản gửi đến Trường ĐH Y dược TP.HCM đề nghị, để thuận lợi trong việc phân công công tác đối với việc sinh viên đào tạo theo địa chỉ sử dụng của tỉnh Đồng Nai đang học tại Trường ĐH Y dược TP.HCM các niên khóa 2008-2014 (Y khoa), 2009-2014 (Dược), 2010-2014 (cử nhân Y tế cộng đồng, xét nghiệm, điều dưỡng, gây mê hồi sức, vật lý trị liệu…) trường thông báo thời gian phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên để Sở Y tế tỉnh cử đại diện đến trường trực tiếp nhận hồ sơ và bằng từ sinh viên và nhà trường.

PGS.TS Đặng Văn Tịnh, phó Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP. HCM cho biết, những sinh viên này đi học theo diện được địa phương cấp ngân sách. Khi kết thúc khóa học địa phương muốn sinh viên thực hiện cam kết làm việc cho địa phương trong thời hạn họ đã kí cam kết trước đó nên muốn giữ bằng lại.

Về việc cấp bằng, theo Luật Giáo dục bằng phải được cấp cho người học. Người học được nhận và ký vào sổ bằng. Nếu giữa người học và sở y tế địa phương kí cam kết gì là việc của hai bên liên quan. Tuy nhiên, về phía nhà trường đang nghiên cứu tìm cơ chế phù hợp để không phạm luật, không vi phạm hợp đồng với các địa phương trong đào tạo nguồn lực cho họ nên chưa có quyết định gì.

Ông Tịnh cũng cho biết, trong số các địa phương có hệ này tại Trường ĐH Y dược chỉ có 2 Sở Y tế Đồng Nai và Sở Y tế Bình Phước đề nghị thay sinh viên nhận bằng nên nhà trường chưa trao phát bằng. Một số địa phương khác làm giấy giới thiệu để sinh viên trực tiếp nhận bằng đã được nhà trường cấp bằng.

Sở Y tế Đồng Nai nói gì?

Ông Hà Đức Minh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế Đồng Nai) cho biết, những sinh viên này thuộc hệ đào tạo theo địa chỉ sử dụng theo nhu cầu của địa phương, bằng tiền của địa phương.

  

Lo sinh viên nuốt lời, Sở Y tế nhận bằng thay

Công văn Sở Y tế Đồng Nai gửi Trường ĐH Y dược về việc được trực tiếp đến trường nhận hồ sơ, bằng tốt nghiệp...

Đây là tất cả những sinh viên trước đây đã trượt ĐH hoặc thi thiếu điểm vào ĐH được tỉnh Đồng Nai đề nghị với Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế đồng ý cho các em đi học lớp này. Việc này đã có cam kết ngay từ đầu: Tỉnh bỏ toàn bộ kinh phí đào tạo các em, khi học xong các em phải trở về địa phương công tác trong một thời gian nhất định.

Về công văn gửi trường, ông Minh cho biết, trước đây khi Sở Y tế Đồng Nai kí hợp đồng đào tạo với Trường ĐH Y dược TP.HCM nêu rõ nhà trường quản lý quá trình học tập, khi kết thúc khóa học trường bàn giao cho Sở Y tế tỉnh tất cả về con người, hồ sơ, bằng tốt nghiệp để sở phân công công việc.

Vì vậy việc công văn sở gửi trường chỉ nhằm mục đích nhắc nhở trường thông báo cho sở biết thời gian tốt nghiệp tránh một số khóa tốt nghiệp Sở không biết.

Trong khi đó, đề cập việc sinh viên phản ánh phải kí ủy quyền để sở nhận bằng thay cho các em, ông Minh cho hay các em không phải kí ủy quyền nhận bằng, mà các em kí vào sổ nhận bằng, khi các em kí xong sở sẽ nhận bằng, hồ sơ và con người (sinh viên).

“Hiện nay có rất nhiều sinh viên được địa phương cấp kinh phí đi học, nhưng học xong bỏ bằng, xù tiền của địa phương rồi chạy mất khiến chúng tôi rất lo ngại điều này. Trước lúc chưa đi học, các em có nguyện vọng như vậy nhưng nếu giờ có ý định xù, hoặc bỏ địa phương là không …. Bộ trưởng Bộ Y tế đã có thông báo phải có cam kết để ràng buộc các em, thậm chí phải giữ lại bằng để đảm bảo phục vụ cho địa phương” – lời ông Minh.

Về trường hợp một số sinh viên muốn bồi thường cho tỉnh để đi công tác nơi khác, ông Minh cho biết đây là khóa đầu tiên tỉnh cử đi đào tạo vì vậy tỉnh không có chủ trương giải quyết. Nhưng trong quá trình làm việc nếu cá nhân nào nhu cầu về hoàn cảnh, xây dựng gia đình… tỉnh sẽ xem xét sau.

Lê Huyền (Báo Vietnamnet)