“Lò luyện thi” ĐH chất lượng cao cấp… làng

Không học tủ, không dạy theo bộ đề, thầy giáo cũng không nổi tiếng nhưng lớp luyện thi ĐH ở làng Nhật Tân (Kim Bảng, Hà Nam) luôn nườm nượp học sinh đến xin học.

Điều đáng nói là hàng năm có gần 90% số học sinh ôn luyện từ cái “lò” này đã đỗ vào các trường ĐH, CĐ và THCN...

 

“Lò luyện thi” của ông già tuổi “thất thập”

 

“Hỏi lớp luyện thi ĐH của ông cụ Xuân hả? Cứ đi thẳng đến gần ngôi đền giữa làng thấy có nhiều xe đạp của học sinh dựng là nó đấy. Nhưng giờ đến xin học thì cụ không nhận nữa đâu. Lớp đông quá rồi!”, người đàn ông nhiệt tình chỉ đường cho chúng tôi khi vừa nghe hỏi về lớp luyện thi của ông Xuân.

 

“Lò luyện thi” ĐH mà người đàn ông chỉ dẫn là căn phòng cấp bốn khoảng chừng 50m2. Nó vốn là trụ sở của HTX nông nghiệp cũ. Căn phòng tuy cũ kỹ nhưng được trang bị khá đầy đủ từ quạt điện, bảng đen đến bàn ghế.

 

Trong lớp học hơn 50 học sinh đến từ các nơi đang cùng thầy giáo miệt mài ôn luyện cho những ngày thi cận kề. Cuối lớp học, một ông già đang ngồi theo dõi bọn trẻ học bài. Ông là Lê Ngọc Xuân - người đã có công lập ra cái “lò luyện thi” đặc biệt này.

 

Câu chuyện về lớp luyện thi ĐH này bắt đầu từ năm 2001, lúc ấy ông Xuân làm ở Hội khuyến học của xã. “Ở Nhật Tân hàng năm có gần 100 học sinh dự thi vào các trường ĐH, CĐ, THCN, thế nhưng số em đỗ thì ít, số còn lại phải khăn gói lên Hà Nội để tiếp tục ôn luyện ở các trung tâm. Nhìn các cháu phải đi ôn, vừa xa, vừa tốn bao nhiêu tiền của, tôi cũng xót ruột. Tính trung bình mỗi đứa cũng mất từ 5 - 6 triệu đồng, thế mà số đỗ đạt cũng chẳng được là bao. Ấy là chưa kể bao chuyện xẩy ra làm cho nhiều gia đình có con em đi ôn thi phải lo lắng”, ông phân tích.

 

Vốn là giáo viên dạy bổ túc, ông nghĩ sao không mời thầy về mở lớp luyện thi cho các cháu trượt ĐH ngay tại làng mình, cho đỡ tốn kém mà có khi kết quả lại tốt hơn? Đem ý nghĩ này bàn với ông Lê Minh Đạt - Chủ tịch Hội khuyến học xã - và được ông Đạt đồng tình. Thế là hai ông dẫn nhau lên UBND xã xin được mở “lò luyện thi” và được lãnh đạo xã đồng ý.

 

Đầu tháng 12/2001, lớp luyện thi được mở ra với bao khó khăn. Địa điểm thì phải di chuyển liên tục. Lúc thì học nhờ ở nhà kho của HTX, lúc thì ở CLB của thôn, cuối cùng là trụ sở HTX. Bàn ghế thì dùng lại đồ cũ của các trường trong xã. Bảng và sáu chiếc quạt điện xã cho mượn. Rồi các ông còn phải đối mặt với những nghi ngại về hiệu quả của nó.

 

 

“Lò luyện thi” ĐH chất lượng cao cấp… làng - 1
 

Ngày nào ông Xuân cũng

túc trực ở "lò luyện".

 

 

Khóa đầu tiên có hơn 20 em ôn thi khối A và khối B, nhưng học được một thời gian cũng “rơi rớt” gần quá nửa. Đứa thì đi bộ đội, đứa thì nghĩ “thầy nhà không thiêng”, lại rủ nhau xuống Hà Nội để ôn ở các lò luyện thi khác, còn lại có 13 em học sinh. Nhiều buổi lớp chỉ có 5 em, thầy giáo và học trò đều nản, nhưng ông Xuân khuyên cứ kiên trì, đừng bỏ cuộc vội.

 

Bất kể học trò nhiều hay ít, mỗi buổi ông chỉ thu 5.000đ/mỗi đứa để trả công cho giáo viên. Chính vì thế cuối năm kết thúc khoá học đầu tiên, hai ông đã phải bỏ tiền túi ra bù lỗ gần một triệu đồng để trả tiền công cho các thầy. Dù không ai báo cáo nhưng về sau lãnh đạo xã biết chuyện đã mời lên để quyết toán cho hai ông.

 

“Năm đầu lỗ nặng, nhưng bù lại 11/13 học sinh của lớp đỗ đạt. Có 5 em đỗ ĐH, 5 em đỗ CĐ, còn 2 em đỗ trung cấp, chúng tôi vui lắm” - Ông hào hứng kể lại.

 

“Làng” luyện thi ĐH chất lượng cao

 

Từng là một nhà giáo, nhưng việc “tuyển chọn” giáo viên cũng làm cho ông Xuân phải đau đầu. Bởi theo ông lớp chỉ “chiêu sinh” những em đã từng thi trượt ĐH, nên phải làm sao mời được những giáo viên dạy giỏi, nhiệt tình và có phương pháp ôn luyện tốt để giúp các em.

 

Khổ nỗi thường các giáo viên dạy giỏi, có tiếng thì rất khó mời vì họ rất bận, thù lao trả cho họ cũng rất cao. Ban đầu ông mời các giáo viên đã nghỉ hưu, nhưng được một thời gian vì nhiều lý do khách quan nên các thầy không thể theo lớp được.

 

Sau đó ông chuyển sang mời những thầy giáo vừa mới ra trường tốt nghiệp ĐH loại ưu về làng dạy cho các em. Cuối cùng thì ông Xuân cũng tìm được những thầy giáo có tâm huyết. Bốn thầy giáo trẻ đều chưa qua tuổi 30: Thầy Lương dạy Toán; thầy Trường dạy Hoá; thầy Duy dạy toán Hình; thầy Dũng dạy Lý. Đa số đều là giáo viên cấp 3 của huyện Duy Tiên, riêng thầy Dũng dạy Lý là người Hà Nam nhưng hiện là giáo viên trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội.

 

Hàng tuần vào sáng thứ 5, thứ 7 thầy lại vượt hơn 60km về đây dạy ôn cho các em ở lớp luyện thi của ông cụ Xuân. “Cái lợi của lớp luyện thi ở chỗ không quá đông học sinh như ở các trung tâm luyện thi nên các em có thể trao đổi với thầy những điều mình chưa hiểu. ở đây chúng tôi luyện thi theo cách trò cần gì thầy dạy nấy, ôn luyện những gì đã được học”, thầy Dũng nói.

 

 

“Lò luyện thi” ĐH chất lượng cao cấp… làng - 2
 

Rất đông HS trong và ngoài tỉnh

tìm đến lớp luyện thi của ông Xuân.

 

 

 

Giờ thì lịch học của lớp đã ổn định và ông Xuân cũng đỡ vất vả hơn nhiều. Chứ cứ như ngày xưa thì quá khổ. Điện thoại thì không có, những hôm thầy giáo đến muộn hoặc có việc đột xuất không thông báo kịp, thế là các ông lại lọc cọc đạp xe đi tìm thầy.

 

Khó khăn là vậy, thế mà hàng năm tỉ lệ đỗ đạt của lò luyện này luôn xấp xỉ 90%. Năm học 2003 được xem là năm “đại thắng” của lò luyện thi cụ Xuân. Lớp học có 25 em đi thi thì 14 em đỗ ĐH, 7 đỗ CĐ, 4 đỗ trung cấp. Đặc biệt, nhiều em đỗ hai, ba trường ĐH với số điểm rất cao.

 

Chẳng hạn như em Vũ Văn Mị đỗ 2 trường ĐH Thủy sản và ĐH Xây dựng với 28 điểm; hay như em Vũ Thị Xuân đỗ ĐH Dược và Cao đẳng Sư phạm Hà Nam... Các em nhà nghèo không có tiền đóng học phí ông cho nợ. Có em đỗ ĐH và đi học rồi mới mang tiền học phí trả cho các ông. 

 

Tin về cái lò luyện thi “mát tay” của ông cụ Xuân được truyền đi khắp nơi. Phụ huynh và học sinh ở các xã, các tỉnh lân cận nghe tiếng cũng tìm đến xin học. “Năm nay học sinh đến xin học đông quá. Có trên 100 em nộp đơn nhưng chúng tôi chỉ dám nhận một nửa trong số đó thôi, vì mình phải tính đến chất lượng học chứ không thể ào ào được” - Ông Xuân cho biết.

 

Hiện lớp có 55 em, trong đó học sinh của xã là 25 em, còn lại là ngoài xã, ngoài huyện. Có 8 em từ tỉnh Hà Tây và Hòa Bình đến ở trọ và ôn thi tại lò luyện thi của làng. Em Nguyễn Văn Việt quê ở Hoà Bình, năm ngoái thi trượt ĐHBK, năm nay khăn gói về tận đây ôn thi.

 

Từng ôn luyện ở các trung tâm luyện thi “chất lượng cao” ở Hà Nội, nhưng theo Việt hiệu quả vẫn không bằng ở lò của cụ Xuân. “Ở các trung tâm luyện thi chỉ mang tính thương mại, lớp thì quá tải, còn thầy thì dạy theo kiểu dạy sô. Ôn luyện theo kiểu ghi chép chứ có bao giờ hỏi lại được thầy đâu. Em hy vọng năm nay ôn ở đây mình sẽ thi đỗ”, Việt nói.

 

Còn em Trịnh Thị Hằng đến từ huyện Phú Xuyên (Hà Tây) cho biết: Hai năm trời đi ôn ở các trung tâm luyện thi Hà Nội nhưng kết quả vẫn trượt. Theo em, ôn ở “lò” của cụ Xuân, vừa ít tốn kém mà có thể thoải mái trao đổi và hỏi thầy giáo của  mình cho đến “vỡ lẽ” thì thôi: “Ở đây thầy giáo không có học hàm vị cao như lời quảng cáo ở các trung tâm khác, nhưng phương pháp ôn luyện rất tốt. Hàng tuần hay hết chương thầy giáo đều ra đề cho làm bài kiểm tra để đánh giá trình độ của học sinh”.

 

Sắp bước sang cái tuổi 70, thế nhưng hàng ngày ông Xuân vẫn một mình đạp chiếc xe tòng tọc đến với lớp học. Mở cửa, quét dọn, đun nước, điểm danh học trò, rồi ngồi trông lớp học cho đến lúc đứa học sinh cuối cùng ra về là công việc hàng ngày của ông. Tối về ông “lủi thủi” sống một mình trong căn nhà nhỏ.

 

Vợ ông mất sớm, sáu người con đều được ông cho ăn học nên người, hiện đã trưởng thành và lập nghiệp xa quê. Gia tài quý giá nhất trong căn nhà nhỏ của ông là những tấm bằng khen, giấy khen về những thành tích trong sự nghiệp giáo dục mà các cấp đã  trao tặng cho ông. “Vui nhất là lúc các cháu có giấy báo đỗ đại học. Chúng đến khoe và cảm ơn tôi...” - ông cười hiền.

 

Theo Nguyễn Tú - Tiền phong