“Lò” luyện thi đặc biệt

Trong lớp, 5 chiếc quạt máy chạy hết công suất dường như không làm giảm đi được không khí “nóng” giữa thầy và trò. Điều này ít có trong những lò luyện thi ở Hà Nội. Nhưng lại là chuyện thường tình ở lò luyện thi đại học của làng Nhật Tân, Kim Bảng, Hà Nam.

Chúng tôi đến khi cả lớp đang sôi nổi tham gia giờ học Lý của thầy Dũng. Cả thầy và trò đều là những người rất trẻ, chỉ có một ông lão ngồi cuối lớp với đôi “mục kỉnh” nặng trịch dò dò khắp các bàn để “kiểm soát” bọn trẻ học tập.

 

“Ông lão” Lê Ngọc Xuân năm nay bước sang tuổi 68, là một “thầy cai” đặc biệt của lò luyện này. Lớp học chỉ  nghỉ ngày thứ hai, còn lại, ngày nào ông cũng đến lớp quét dọn, đun nước, mở cửa, điểm danh học trò. Xong rồi, ông lại ngồi “tia”, đứa nào học không nghiêm túc sẽ bị nhắc nhở ngay.

 

Ông Xuân cho biết, lớp học này được thành lập từ thực tế của địa phương. Mỗi năm, Nhật Tân có gần 100 học sinh dự thi vào các trường Đại học, cao đẳng, thế nhưng cánh cổng trường ĐH chỉ mở cho khoảng 1/2 sĩ tử. Còn lại, học sinh của làng lại phải khăn gói quả mướp ôn luyện ở các trung tâm ở Hà Nội, tìm kiếm một cơ hội được trở thành sinh viên. Tốn bao nhiêu tiền của, nhưng số sĩ tử đỗ đạt chỉ như lá mùa thu.

 

“Tình cờ đọc bài báo “Mộ Trạch không giàu”, thấy làng người ta có 800 nhân khẩu mà có đến 200 cử nhân, tiến sĩ tôi… ức lắm. Nhật Tân cũng là một thôn có truyền thống hiếu học, không thể để thua các vùng khác được. Từ đó chúng tôi nghĩ đến việc mở lớp ôn thi ĐH cho các em học sinh lớp 13 ngay tại làng”, cụ Xuân tâm sự.

 

Nói là làm, hai cụ Lê Ngọc Xuân và Lê Mạnh Đạt trình ý tưởng mở lớp ôn thi lên Đảng uỷ, UBND xã, được xã và người dân ủng hộ rất nhiệt tình. Tháng 11.2002, lớp luyện thi Đại học được thành lập. Đi vào hoạt động, mỗi năm, “lò” này đã sản sinh ra được hàng chục tân sinh viên. Nhưng ít ai biết được thành quả này lại có được từ những hành trình vất vả của hai cụ già đã đến tuổi “thất thập cổ lai hy”.

 

Lớp được mở, người làng tung hô hai cụ… vạn tuế. Thế nhưng, nhiều người vẫn chưa thực sự tin tưởng vào hiệu quả lớp học. Khoá học đầu, năm học 2002 – 2003 chiêu sinh được 25 em học sinh. Đến cuối năm, đứa thì phải đi bộ đội, đứa chưa tin, chúng tìm đến các lò luyện dưới Hà Nội. Còn 13 học sinh, cụ xác định vẫn phải tiếp tục “chiến đấu”, lớp học vẫn đều đặn mở cửa mỗi ngày.

 

Nhớ lại ngày đầu “tầm thầy”, cụ Xuân vẫn không hiểu mình lấy đâu ra sức khoẻ, ý chí mà đi nhiều thế. Nơi này từ chối lại đến nơi kia, cứ thế, hai cụ đạp xe hàng tháng trời tìm thầy cho học sinh. Gặp lại ông bạn Nguyễn Lân là giáo viên dạy môn Lý ở trường cấp III Kim Bảng, Cụ Xuân rất tâm đắc câu nói ông Lân khuyên hai cụ: “Không phải tôi không có tâm, cái chính tôi đã nghỉ hưu rồi, đã lạc hậu rồi. Muốn học thực sự có chất lượng phải đi tìm các thầy giáo trẻ, thầy giáo giỏi”.

 

Từ đó hai cụ hướng “mục tiêu” tới các thầy cô giáo trẻ quanh vùng. Cuối cùng hai cụ cũng tìm được những người có tâm huyết với khuyến học địa phương. Bốn thầy giáo trẻ đều chưa qua tuổi 30: thầy Lương dạy Toán; thầy Trường dạy Hoá; thầy Duy dạy toán Hình; thầy Dũng dạy Lý. Lịch học của lớp kín cả tuần, chỉ nghỉ ngày thứ hai.

 

Lớp học trước đây chưa có địa điểm cố định, phải “di động” liên tục. Lúc thì ở nhà kho của HTX, lúc ở CLB thôn, đến giờ mới có một bến đậu là trụ sở HTX Nhật Tân.

Căn phòng rộng chừng 40m2 được trang bị khá đầy đủ, từ quạt điện, bảng đen đến bàn nghế. Mọi thứ đều giản dị. Cái bảng đen được trường tiểu học tặng, bàn ghế dùng lại của các trường trong xã, quạt điện xã cho mượn. Còn lại cốc chén, cái chổi quét lớp… đều được thực hiện theo phương châm mỗi gia đình “sung công” một tí. “Doanh thu” của lớp học trả công thầy dạy một phần, còn lại đều đưa vào Quỹ khuyến học xã dành trao học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó. “

 

Chỉ chiêu mộ những thí sinh đã trượt đại học mà vẫn quyết tâm “lai kinh ứng thí”, nhưng tỉ lệ đỗ đại học của lò luyện này luôn vượt quá 80%. Khoá học đầu bị rơi rụng chỉ còn 13 người nhưng có tới 7 em đỗ đại học, 4 em đỗ cao đẳng. Cụ Xuân kể, năm 2002 “khai sinh” lớp, cuối năm bị “lỗ” mất 960 ngàn. Nhưng bù lại, 11/13 học sinh của lớp đỗ đạt, cụ vui lắm.

 

Năm học 2003 – 2004 có 25 học sinh đi thi có tới 21 em đỗ vào các trường ĐH, cao đẳng có danh, có tiếng. Đặc biệt, có những em đỗ hai trường, như Vũ Văn Mị đỗ liền hai trường ĐH Thuỷ Sản và ĐH Xây dựng với 28 điểm; Vũ Thị Xuân trúng tuyển vào ĐH Dược và Cao đẳng Sư phạm Hà Nam... Đến lúc này người dân mới thực sự “phục”, tin tưởng vào lò luyện đặc biệt này.

 

Học sinh bây giờ không chỉ là con em trong làng, mà nhiều xã, tỉnh lân cận nghe tiếng về lò luyện “mát tay” cũng tìm đến xin học. Hiện lớp có 8 học sinh từ tỉnh Hà Tây và Hoà Bình đến học

 

 

Ngọc Hồng