“Lò luyện”... 90% đỗ ĐH, CĐ
(Dân trí) - Trong căn nhà ngói 2 gian lụp xụp nằm ở thôn Lưu Xá, xã Nhật Tân (Kim Bảng, Hà Nam), “ông già luyện thi” Lê Ngọc Xuân đã mở “lò luyện”, giúp hàng trăm con em trong vùng thực hiện được ước mơ đỗ đại học trong 5 năm qua.
“Ông già luyện thi”
Phải chờ đến quá trưa, chúng tôi mới thấy một ông già với dáng người mảnh khảnh, vầng trán cao quá nửa đầu với mái tóc đã bạc trắng, cọc cạch đạp xe đến “lò”. Đây chính là nhân vật nổi danh mà nhiều người dân huyện Kim Bảng vẫn thường nhắc đến.
Rót chén nước mời khách, ông Lê Ngọc Xuân, bắt đầu câu chuyện: “Hằng năm, xã có khoảng hơn 100 cháu tốt nghiệp cấp 3 thi vào các trường ĐH, CĐ. Các cháu khăn gói đi ôn thi mãi tận Hà Nội, vừa vất vả tốn kém mà tỷ lệ đỗ lại không nhiều. Thấy vậy, tôi bàn với Chủ tịch xã cho mở lớp luyện thi đại học ngay tại xã, và rất mừng là được xã nhiệt tình ủng hộ”.
Trường đã mở nhưng việc lựa chọn giáo viên cho lớp không hề đơn giản bởi mức trả 50.000 đồng/buổi không phải là mức giá “cuốn hút” đối với những giáo viên giỏi. Không chịu đầu hàng khó khăn, ông Xuân đạp xe đi “gõ cửa” tứ phương. Cuối cùng cũng mời được 4 giáo viên trường THPT.B Kim Bảng dạy cho các em. Thế nhưng, lớp đầu tiên chiêu sinh được 25 em thì chỉ còn lại 13 em theo học, nhiều lúc còn có 4-5 trò!
“Các thầy có hỏi tôi: “Học sinh ít thế này ông lấy đâu ra tiền trả cho chúng cháu?”. Các thầy đề xuất chỉ nhận 20.000 đồng/buổi. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm và trả lời: Cứ yên tâm dạy, nếu không có đủ học sinh, tôi sẽ bỏ tiền túi ra trả cho các thầy. Có lẽ sự quyết tâm ấy cũng đã làm cho các thầy và lứa học trò lứa đầu tiên vững tâm học tập và trở thành nền tảng vững chắc tạo nên sự thành công của những lớp học sau này”- ông Xuân kể.
Thầy Dũng, giáo viên Vật lý và Hoá học cho biết: “Thành công của lớp học này ngoài sự ủng hộ của xã phải kể đến công tác quản lý và tổ chức lớp của bác Xuân. Để khích lệ tinh thần lớp học, buổi nào bác cũng vào lớp để vừa làm công tác tổ chức, vừa động viên, đôn đốc thầy và trò, do vậy các em tham gia lớp học đều rất chăm chỉ và hăng say, không ngại khó, không dấu dốt. Với tinh thần hiếu học như vậy thì những người thầy như chúng tôi không thể không nhiệt tình chỉ bảo”.
Và cũng từ đó, ông Lê Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã được mọi người gọi bằng cái tên trìu mến là “Ông già luyện thi”. Thực tế ở xã Nhật Tân, người ta không chỉ biết đến ông với vai trò là người khởi xướng, duy trì và phát triển lớp học mà còn biết đến như một tấm gương sáng trong phong trào hiếu học. Ông Xuân có tới 4 người con đỗ đại học và hiện đều đã thành đạt, một người có học hàm Tiến sỹ.
“Lò luyện” 90% đỗ Đại học, CĐ
Với thành tích nổi bật trong công tác xã hội, năm 2004, ông Lê Ngọc Xuân được đi dự "Đại hội biểu dương Gia đình hiếu học Toàn quốc".
Ngoài ra, ông Xuân còn được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam tặng nhiều bằng khen và phần thưởng cao quý khác. |
Chủ tịch xã Nguyễn Quang Đông cho biết: Nhờ sự quyết tâm của bác Xuân mà từ khi “lò” luyện thi này mở, xã đã dành hẳn ngôi nhà ba gian của Trung tâm học tập cộng đồng làm phòng học. Gọi là “lò” nhưng chỉ có duy nhất một lớp học. Điều đáng lưu ý là không có em nào phải ôn lại năm sau, “bét” nhất cũng đỗ vào trung cấp.
Năm học đầu tiên (2002-2003), có 13 em thì có 10 em đỗ; năm sau chiêu sinh được 25 em thì 21 em đỗ; năm học 2005 có 55/62 em đỗ, năm 2006 có 104/115 em đỗ. Tính ra, trong 4 năm, “lò” luyện thi của bác đã tập trung ôn cho 215 em thì có đến 189 em đỗ ĐH, CĐ đạt xấp xỉ 90%. Quả thật, đây là con số đáng kinh ngạc đối với bất cứ một lò luyện thi nào ở các thị xã hay thành phố lớn huống chi đối với miền quê nhỏ bé này.
Ban đầu thì lớp học chủ yếu là con em trong xã. Đến khoá thứ 2 thì có thêm cả con em ở các xã lân cận và huyện bạn. Và tiếng lành đồn xa, mấy năm vừa qua có rất nhiều em là người ở các tỉnh khác như: Hà Tây, Hoà Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, thậm chí có em tận TPHCM cũng lần về theo học.
Anh Nguyễn Văn Trường, xã Nhật Tân, người có 2 cháu ôn thi tại lớp, tâm sự: “Lúc đầu, cháu đi Hà Nội ôn, riêng tiền học phí đã mất 6,5 triệu mà chỉ đạt có 16 điểm. Năm sau, cháu về đây, ôn 8 tháng chỉ mất hơn triệu bạc mà thi đạt 22,5 điểm anh ạ!”.
Theo ông Quang Đông thì: “Điều thu hút các em học sinh chính là chất lượng dạy học. Nhiều em thi đạt điểm cao như: Lê Thị Loan, thi ĐH Y Hà Nội đạt 27 điểm; em Trần Thế Triệu thi ĐH Xây dựng đạt 27 điểm…”.
Kỳ luyện thi vừa qua, có 140 em theo học, mặc dù chưa có kết quả nhưng sau khi thi về, các em rất tự tin và phấn khởi về bài làm của mình. Hiện nay, cơ sở vật chất thiếu thốn cộng thêm với số lượng học sinh tăng đang là vấn đề mà ông Xuân ngày đêm lo lắng.
Mặc dù đã đến cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng sáng nào ông Xuân cũng đạp chiếc xe đạp cà tàng đến với lớp học, chiều lại đi kiểm tra các em học sinh ở trọ tại các gia đình trong xã. Tối đến, trở về căn nhà nhỏ chật hẹp, ông Xuân lại nhận được những cuộc điện thoại và những lá thư thăm hỏi, bày tỏ tấm lòng biết ơn chân thành từ những học trò đã từng luyện thi ở cơ sở của mình.
Ông xúc động: “Sự thành đạt của nhiều con em trong vùng là món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng cho tôi. Mỗi khi nhận được thư, tin nhắn của các cháu gửi về, tôi lại thấy tâm hồn mình được sưởi ấm!”
Thanh Hội