“Lỗ hổng” trong sử dụng thiết bị dạy học Ngoại ngữ
(Dân trí) - Giáo viên lắp được trang thiết bị thì sắp… hết tiết học, nhiều trường có thiết bị dạy học Ngoại ngữ nhưng “đắp chiếu” trong kho không sử dụng đến.
Cùng với năng lực GV, thiết bị dạy học (TTDH) là một trong những yếu tố quan trọng đối với việc thực hiện đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Thế nhưng việc mua sắm và sử dụng TBDH dạy học Ngoại ngữ đến nay vẫn đang có nhiều vấn đề bất cập đến khó ngờ. Điều này được đề cập tại Hội thảo “Tư vấn mua sắm và tập huấn sử dụng thiết bị dạy học Ngoại ngữ” do Ban đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, Bộ GD-ĐT tổ chức tại TPHCM ngày 23/8.
Ông Phạm Ngọc Phương, Phó cục trưởng Cục cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT) cho biết, khi đi khảo sát một số nơi đã gặp tình huống giáo viên (GV) lắp xong được TBDH đã hết 30 phút, chỉ còn 15 phút để dạy học, nhiều TBDH nằm “đắp chiếu” trong kho như trường hợp tại một trường THPT ở Hà Tiên (Kiên Giang), hiệu trưởng mua TBDH về rồi khóa trong phòng, không cho sử dụng vì... sợ hỏng. Nhiều GV phàn nàn hiệu trưởng mua nhiều loại trang thiết bị họ không dùng được.
Phòng học Ngoại ngữ tại trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TPHCM).
Theo ông Phương, nguyên nhân là do người mua ít quan tâm đến ý kiến, tâm tư của người sử dụng. “Mục tiêu có, hàng hóa có, tiền có nên chúng ta cần xác định mình mua cái gì, mua làm sao, mua thế nào để sử dụng được. Đừng để sau năm 2020 trình độ Ngoại ngữ của con em lại… như chúng ta hồi trước”, ông Phương nhấn mạnh.
Ông Phương hóm hỉnh nói rằng, hai điều kiện Đề án Ngoại ngữ 2020 đặt ra là GV và phòng học cần bổ sung thêm điều kiện ý thức của lãnh đạo. Hiện nay, Bộ giao quyền tự chủ cho địa phương trong việc mua sắm TBDH dạy học Ngoại ngữ nên vai trò của giám đốc Sở GD-ĐT cực kỳ quan trọng.
Nói về tình trạng TBDH dạy học Ngoại ngữ “đắp chiếu”, một đại biểu trong Ban đề án phân tích: “Có tình trạng như vậy là do chúng ta chưa rà soát năng lực của GV, điều kiện thực tế trước khi mua trang thiết bị”.
Tính đến hết năm 2011, Hà Nội có 245/1.556 (16%) trường được đầu tư trang thiết bị phòng dạy học môn Ngoại ngữ. Kế hoạch năm 2012 sẽ đầu tư thêm 431 phòng ngoại ngữ, nâng tổng số trường có phòng học Ngoại ngữ lên 676.
Tuy vậy, ông Nguyễn Như Hòa, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD-ĐT Hà Nội bày tỏ, một trong những khó khăn hiện nay là một số cán bộ chuyên trách quản lý, sử dụng TBDH chưa qua đào tạo cơ bản nên còn yếu về chuyên môn, dẫn đến hiệu quả sử dụng TBDH bị hạn chế.
PGS.TS Trần Văn Ân (Trường ĐH Vinh) cho rằng, các nguồn vốn dự án đầu tư TBDH dạy học Ngoại ngữ thường phân bổ chậm ảnh hưởng đến thực hiện dự án tài chính. Ngoài ra, có tình trạng từ ngày đề xuất mua sắm đến khi thực hiện thời gian dài nên nhiều model thiết bị đã lạc hậu, giá cả lại biến động ảnh hưởng đến việc mua sắm.
Sở GD-ĐT cần quan tâm đến ý kiến của người sử dụng khi mua sắm TBDH.
Nhiều đại biểu ý kiến về việc trang thiết bị nằm kho có thể do bị hư hỏng, tạm thời chưa được sửa chữa do kinh phí sữa chữa còn hạn chế.
Bà Trần Thị Tuyết (Trường THPT Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội) đánh giá công năng sử dụng TBDH tại nhiều trường THPT còn thấp do GV chưa được tập huấn kỹ càng. Ngoài ra học sinh chưa có ý thức giữ gìn nên ảnh hưởng đến chất lượng giờ học và độ bền của TBDH. TBDH phải đem sữa chữa nên nguồn bổ sung chậm.
Ông Phạm Ngọc Phương góp ý, bên cạnh việc lãnh đạo phải chú ý đến đối tượng sử dụng khi mua TBDH thì cần đầu tư bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho GV và học sinh trong việc khai thác và sử dụng TBDH khi tổ chức giờ học trên lớp.
Sau thời khai giảng năm học mới 2012 - 2013, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành kiểm tra việc mua sắm và sử dụng TBDH Ngoại ngữ tại các địa phương.
Hoài Nam