Lỗ hổng trong giáo dục trẻ em

Một em bé 5 tuổi có bố là người Thái Lan, mẹ là người Việt Nam đang sống tại TPHCM. khi được hỏi: “Con là người nước nào?”, bé trả lời: “Con là người Thái Lan”. “Tại sao con là người Thái Lan?”. “Vì con thuộc Pleng Chat” (quốc ca Thái Lan)...

Câu trả lời hồn nhiên của bé gợi lên trong chúng ta bao suy nghĩ. Có phải chúng ta đang có một lỗ hổng trong chương trình giáo dục cho trẻ em tại trường học?

 

Không chỉ học thuộc quốc ca

 

Trẻ em Thái Lan ngay từ bậc mẫu giáo đã được các cô giáo dạy bài quốc ca như một "bài học vỡ lòng". Đi trên đường phố vào buổi sáng sớm hay chiều muộn, những vị khách ngoại quốc lại bất ngờ khi thấy đồng loạt người dân Thái Lan, từ trẻ em cho tới người lớn cùng dừng lại ngả mũ, đầu khẽ cúi xuống khi bài quốc ca từ loa công cộng vang lên cho tới khi kết thúc. Tất cả đều làm như vậy với một thái độ tự nguyện, tự hào và tôn kính. Và bất kể ở đâu khi cần, họ đều có thể hát quốc ca không sai sót một từ, một nốt nhạc.

 

Trong khi đó, nếu làm một cuộc điều tra xã hội học hoặc phỏng vấn trực tiếp ngay ở lứa tuổi thanh niên ở Việt Nam thì khá đông thanh niên chưa thuộc quốc ca mặc dù bài Tiến quân ca rất dễ thuộc, dễ nhớ.

 

Quốc ca chỉ là một vấn đề trong vô số những vấn đề thuộc về thái độ công dân, đạo đức, giao tiếp ứng xử... mà trẻ em các nước được dạy tại trường học. Ở Malaysia, một cậu nhóc 5 tuổi cũng đã được dạy khi vào thang máy phải nhường người lớn tuổi và phụ nữ bước vào hay bước ra trước. Khi từ xe hơi bước xuống, cũng không cần phải ngạc nhiên khi cậu bé lon ton chạy vòng sang bên kia mở cửa xe mời mẹ hay chị bước ra. Tới nơi công cộng, các em bé được dạy không vứt rác bừa bãi, không đứng ngồi thiếu ý tứ, "cám ơn, xin lỗi" nếu người khác giúp mình hay mình làm phiền ai... Nếu trong lớp học của các em có một bạn bị tàn tật, cô giáo sẽ hướng các em tới thái độ chia sẻ và thương yêu.

 

Những cách ứng xử lịch sự nơi công cộng, trong gia đình và bài học về tình yêu thương cứ thế hình thành rồi ăn sâu vào óc trẻ cho tới lúc trẻ lớn lên và trưởng thành, bên cạnh những kiến thức mang tính học thuật từ sách giáo khoa.

 

Cả xã hội phải làm gương cho trẻ

 

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM khá bức xúc: "Đúng là chúng ta có một lỗ hổng trong việc giáo dục trẻ. Chúng ta quên rằng bên cạnh việc dạy kiến thức, cần phải dạy cho trẻ cách sống đẹp, trở thành một công dân tốt. Thật đáng buồn khi nhiều người lớn vẫn chưa làm được thì làm sao có thể bắt các em tốt! Trước hết, bố mẹ, thầy cô phải là những tấm gương".

 

Cũng là em bé có bố là người Thái Lan ở trên, khi đi du lịch với mẹ, đến một bãi biển mà em không tìm đâu ra thùng rác, em bèn để rác vào trong một bao nilon sạch sẽ rồi... mượn giỏ xách của mẹ nhét vào. Đi trên xe, thấy mấy cô ném chai nước suối ra đường, em nói với mẹ: "Lần sau mẹ đừng đi du lịch với mấy cô nữa nha".

 

Những cô cậu học trò nhí trong giờ chơi tình cờ nghe hai cô giáo nói xấu về một người thứ ba giữa lớp học, ra đường lại thường xuyên bắt gặp những người lớn khạc nhổ hay tranh nhau chỗ ngồi ở xe buýt, chứng kiến những anh chị sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để ăn chơi xả láng một đêm nhưng lại thờ ơ trước nỗi đau của đồng bào bị bão lũ... Thử hỏi những đầu óc non nớt ấy làm sao không bị "nhiễm"! Và thế là vài chục năm sau, chúng ta sẽ có những công dân không thuộc quốc ca, bất lịch sự nơi công cộng, vô cảm trước nỗi đau đồng loại...

 

Nên chăng trong môn học Giáo dục công dân cần có nhiều bài giảng về lòng tự hào dân tộc, lòng tự trọng, tình yêu thương, thái độ sống hơn nữa. Và trước hết là những giáo viên, những người lớn chúng ta cần soạn những "giáo án ngoài bục giảng" cho học sinh, lấy từ kiến thức tích lũy được qua những chuyến "đi một ngày đàng, học một sàng khôn", từ chính phong cách sống của mình.

 

Theo Mỹ Quyên

Thanh Niên