Lĩnh vực nào tuyển sinh kém nhất trong năm 2022?

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong năm 2022, lĩnh vực tuyển sinh kém nhất là Nông lâm nghiệp và thủy sản với tỷ lệ chỉ tiêu đạt được là 42,91% (xét tuyển đợt 1).

Xếp ở các vị trí tiếp theo là lĩnh vực Khoa học sự sống (đạt tỷ lệ 54,35% chỉ tiêu), Khoa học tự nhiên (đạt tỷ lệ 58,28% chỉ tiêu) và Dịch vụ xã hội (đạt tỷ lệ 58,91% chỉ tiêu).

Đáng nói, 4 lĩnh vực nói trên đã đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất trong 3 năm liền (từ năm 2020-2022).

Lĩnh vực nào tuyển sinh kém nhất trong năm 2022? - 1
Các lĩnh vực đào tạo tuyển sinh kém nhất trong 3 năm liên tiếp (Ảnh: Bộ GD&ĐT).

Nói về khó khăn trong tuyển sinh của một số ngành và cơ sở đào tạo, Bộ GD&ĐT cho biết, danh sách ngành tuyển kém có sự thay đổi hàng năm, nhưng chủ yếu là những ngành hẹp hoặc ngành mới thí điểm đào tạo với chỉ tiêu thấp và ít nơi đào tạo. Một số ngành truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế đất nước, có quy mô tuyển sinh lớn hơn nhưng cũng luôn đạt chỉ tiêu rất thấp.

Nhiều ngành tuyển quy mô lớn trong toàn hệ thống, đạt chỉ tiêu tương đối cao nhưng lại gặp khó khăn ở một số cơ sở đào tạo. Như vậy, việc dễ tuyển hay khó tuyển không chỉ do đặc điểm ngành đào tạo mà phụ thuộc chủ yếu vào cơ sở đào tạo.

Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế có xu hướng trở nên kém hấp dẫn hơn những năm trước đây. Nhiều cơ sở đào tạo gặp khó khăn trong tuyển sinh, nhất là đối với các chương trình mà đối tác nước ngoài không có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Bộ GD&ĐT đưa ra nhận định chung: hầu hết cơ sở đào tạo tuyển sinh kém là những trường chưa khẳng định được uy tín, thương hiệu hoặc không có lợi thế về địa điểm và lĩnh vực đào tạo. Hầu hết ngành tuyển sinh kém là những ngành hẹp, ngành mới đào tạo thí điểm hoặc một số ngành truyền thống nhưng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Theo Bộ GD&ĐT, có 4 nguyên nhân dẫn tới việc một số cơ sở đào tạo tuyển sinh kém so với chỉ tiêu đề ra, nhất là ở một số lĩnh vực và ngành đào tạo.

Thứ nhất, sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo trong tuyển sinh ngày càng mạnh mẽ hơn. Số lượng và chất lượng tuyển sinh khẳng định thương hiệu, uy tín của mỗi trường, trở thành yếu tố thành công cốt lõi trong chiến lược phát triển của mỗi trường.

Xu hướng "phân cực" khá rõ rệt, các trường mạnh ngày càng mở rộng quy mô và thu hút thí sinh tốt hơn, ngược lại các trường đang tuyển kém thì càng kém đi.

Thứ hai, các yếu tố: tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 tăng khoảng 5% so với năm 2021, số thí sinh tốt nghiệp THPT tương đương như năm trước, cộng thêm một tỷ lệ không nhỏ chọn đi du học ở nước ngoài đã làm gia tăng sức ép cho các cơ sở đào tạo phải cạnh tranh tuyển sinh để đạt chỉ tiêu.

Một số ngành đang tuyển tốt trong những năm trước được các trường tăng mạnh chỉ tiêu, nhất là một số trường đại học tư thục, giành thị phần của các trường khác. Một số cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu quá lớn so với khả năng thu hút thí sinh, dẫn tới kết quả tuyển sinh không như kỳ vọng.

Thứ ba, do bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, nhất là của thị trường lao động, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành của thí sinh có dịch chuyển mạnh trong những năm gần đây.

Cơ sở đào tạo nếu không nhận biết kịp xu hướng này và có điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành và chương trình đào tạo, môi trường và phương pháp đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh sẽ không thu hút được thí sinh vào trường. Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh các ngành mới.

Bên cạnh đó, nhiều ngành đào tạo truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế của đất nước, nhưng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp của Nhà nước để thu hút người học.

Thứ tư, điều kiện kinh tế của nhiều gia đình, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, các vùng có điều kiện khó khăn, đã hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục đại học của một bộ phận học sinh. Trong khi đó, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước giảm dần, hầu hết các cơ sở đào tạo có uy tín phải tăng dần mức học phí để bù đắp chi phí.

Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong tuyển sinh buộc các trường phải nỗ lực đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ người học, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo. Điều này cũng sẽ giúp toàn hệ thống giáo dục đại học loại bỏ những cơ sở đào tạo, ngành đào tạo yếu kém, nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo đại học.