Lịch sử dân tộc qua di sản của các nhà khoa học

Trong suốt 5 năm, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã “tích cóp” được kho tư liệu khổng lồ để gìn giữ và tái hiện lại lịch sử của nền khoa học Việt Nam qua góc nhìn, câu chuyện của những nhà khoa học.

Buổi trò chuyện mà PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam dành cho phóng viên Báo Điện tử Chính phủ bắt đầu bằng câu thơ của nhà thơ Nga Evghenhi.A.Etushenko: “Chẳng có ai tẻ nhạt trên đời. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy. (Ảnh: Tiến Mạnh)
PGS.TS Nguyễn Văn Huy. (Ảnh: Tiến Mạnh)

Thưa Phó Giáo sư, điều gì thôi thúc ông và các đồng sự xây dựng một nơi lưu giữ di sản, tư liệu của các nhà khoa học Việt Nam?

PGS. Nguyễn Văn Huy: Trung tâm Di sản các nhà khoa học là câu chuyện hoàn toàn mới ở Việt Nam. Vì từ trước đến nay, ở nước ta chưa ai nghĩ đến việc lưu giữ, phát huy di sản của các nhà khoa học. Người ta chỉ nói đến di sản văn hóa nói chung chứ không nghĩ đến di sản của các nhà khoa học.

Chúng ta có Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước nhưng vào thời điểm chúng tôi tiếp cận nguồn tư liệu này thì toàn bộ lưu trữ của Nhà nước về di sản của các nhà khoa học chỉ được 60-70 người mà phần lớn là lãnh đạo cấp cao.

Còn nhiều người rất nổi tiếng có đóng góp to lớn cho quá trình xây dựng, phát triển Tổ quốc hầu như không có. Sự khiếm khuyết này đã làm mất đi rất nhiều tư liệu quý.

Theo quan điểm của chúng tôi, di sản các nhà khoa học cũng là lịch sử vì vậy đối tượng của trung tâm không chỉ nghiên cứu những người nổi tiếng mà ai cũng biết, mà là tất cả những nhà khoa học. Và dù ít hay nhiều họ cũng đều có đóng góp cho xã hội.

Lịch sử càng cụ thể bao nhiêu càng hay càng sống động bấy nhiêu. Bên cạnh đó, các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau, là những con người khác nhau thì sẽ có cái nhìn rất rõ, toàn diện về lịch sử từng ngành khoa học. Và đấy là mong mỏi của chúng tôi khi thành lập Trung tâm.

Trung tâm đã hoạt động được 5 năm và đã làm được những gì, thưa Phó Giáo sư?

PGS. Nguyễn Văn Huy: Trong 5 năm vừa rồi Heritist đã triển khai từng bước để tiếp cận với các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau. Lúc đầu là các nhà khoa học, bác sĩ trong ngành Y  như: GS. Tôn Thất Tùng, GS. Tôn Thất Bách, GS. Phạm Ngọc Thạch, GS. Hồ Đắc Di… sau đó mở dần ra các lĩnh vực khác như khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, địa chất, rất nhiều lĩnh vực khác.

Hiện nay, trung tâm đã tiếp cận và nghiên cứu khoảng 400 nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau. Có những nhà khoa học chúng tôi nghiên cứu theo cách tìm hiểu lịch sử cuộc đời của họ. Từ ông, bà, bố, mẹ, quê quán, con cái đến những gì mà họ sản sinh ra, tiếp cận, lưu giữ, ghi chép lại thì đều là đối tượng của chúng tôi. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến sổ tay công tác, bản thảo. Nhiều người rất chịu khó viết sổ tay và chỉ sau 5 năm nữa những cuốn sổ này sẽ trở thành di sản. Trung tâm đã sưu tầm được 11 vạn đầu sách, tư liệu, tài liệu và hiện vật, và có rất nhiều câu chuyện hay trong mỗi tư liệu, hiện vật đó.

Chúng tôi tiếp cận theo nhiều góc độ khác nhau như các chuyên đề về những sinh viên được đào tạo trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tất cả những người ấy sau này đều trở thành giáo sư đầu ngành về Y khoa.

Qua tư liệu của các nhà khoa học đầu tiên của ngành Y Dược Việt Nam, chúng ta sẽ thấy dù họ không cắp sách đi học cả năm, chỉ  học 3 tháng thôi rồi đi chiến trường, biên giới. Dù đang là sinh viên nhưng đã phải đi thực tế, thao tác nghiệp vụ. Và chính nhờ sự cọ xát thực tế rất sớm đó đã giúp họ trở thành những bác sĩ phẫu thuật hàng đầu của Việt Nam như GS. Phạm Ngọc Thạch, GS. Tôn Thất Tùng.

Chúng tôi cũng có những chuyên đề về những sinh viên ngành Y sau hòa bình lập lại (khoá 1954-1960). Họ là những người đầu tiên được đào tạo và cũng trở thành những giáo sư đầu ngành của ngành Y. Mỗi cuốn sách chúng tôi ghi lại những câu chuyện thành công của họ. 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy. (Ảnh: Tiến Mạnh)
PGS.TS Nguyễn Văn Huy tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu, hiện vật từ đại diện gia đình cố Giáo sư Đoàn Trọng Truyến. (Ảnh: VGP)

Một chuyên đề khác mà chúng tôi đã hoàn thành đó là những tư liệu về nhóm cán bộ được TƯ Đảng và Bác Hồ cử đi học lần đầu ở Liên Xô, Trung Quốc (gọi tắt là nhóm 51).

Năm 1951, sau khi giải phóng biên giới, TƯ Đảng đã cử đoàn 21 học sinh bí mật du học, gia đình bạn bè không ai biết. Đi học như đi làm công tác bí mật, không được gửi thư về nhà. Ở đấy họ học rất nhiều lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, kiến trúc, khai mỏ, quân giới,… Trong bối cảnh năm 1951 vừa khai thông biên giới, chiến tranh diễn ra ác liệt, nhưng chúng ta đã cử người đi học tất cả những ngành rất cơ bản.

Giai đoạn 1955-1956 họ tốt nghiệp đại học, vừa lúc Thủ đô được giải phóng, chiến tranh kết thúc thì mới thấy tầm nhìn của  Đảng và Nhà nước đúng đắn như thế nào.

Các ngành kinh tế của chúng ta bắt đầu triển khai, cán bộ của chúng ta lúc đó chủ yếu là nông dân trình độ lớp 3,4, đa phần là lớp 1,2 không có kiến thức, trình độ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Thế nên mới có chuyện ông Trần Ly Sơn vừa tốt nghiệp về Việt Nam thì ở dưới Hải Phòng vừa hình thành Trường Trung cấp Ngân hàng, thế là phải xuống dạy ngay không kịp soạn giáo trình. Ông Trần Ly Sơn lên lớp cầm sách tiếng Nga, vừa dịch vừa dạy trực tiếp. Học sinh ghi chép và có 1 người chuyên tốc ký lại lời ông dịch sau đó in thành giáo trình phục vụ cho việc giảng dạy các khoa sau.

Điều này cho ta thấy rằng tất cả những câu chuyện đó đều đã đi vào lịch sử, nếu chúng ta không lưu lại những tư liệu, câu chuyện này thì chúng ta sẽ mất hết dữ liệu lịch sử. Tất cả lịch sử của chúng ta sẽ chỉ là lịch sử chay. Học sinh chúng ta hiện nay không thích học lịch sử chính vì không có những câu chuyện hay về nhân vật lịch sử.

Những tư liệu, di sản này có giá trị như thế nào đối với thế hệ trẻ, thưa Phó Giáo sư?

PGS. Nguyễn Văn Huy: Thông qua các di sản, tư liệu mà trung tâm thu thập và  bảo tồn, thế hệ trẻ sau này sẽ hiểu các thế hệ tiền bối, những giáo sư, bác sĩ đầu ngành của Y học Việt Nam đã học như thế nào trong bối cảnh khó khăn của chiến tranh để trở thành những người thầy giỏi, những bác sĩ hàng đầu.

Đồng thời, sẽ thấy họ đã làm thế nào để có thể đóng góp cho xã hội. Đấy là những bài học sinh động mà thế hệ trẻ có thể học tập.

Ngoài ra, thông qua những câu chuyện về cuộc đời của các nhà khoa học các em sẽ hiểu biết hơn về những thời kỳ lịch sử đầy biến động của dân tộc, nhờ đó việc dạy sử, dạy đạo đức sẽ không còn khô cứng và vô cảm như bây giờ.

Bên trong một kho bảo quản tư liệu của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. (Ảnh: Tiến Mạnh)
Bên trong một kho bảo quản tư liệu của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. (Ảnh: Tiến Mạnh) 

Xin Phó Giáo sư cho biết Trung tâm sẽ có kế hoạch gì để đưa kho di sản quý này đến với thế hệ trẻ nhiều hơn?

PGS. Nguyễn Văn Huy: Có rất nhiều cách. Nhưng đích mà chúng tôi hướng đến là trung tâm này vừa là bảo tàng trưng bày giới thiệu, vừa là địa chỉ tri thức hoạt động theo mô hình xã hội hoá. Trung tâm vừa là nơi lưu trữ tất cả dữ liệu của các nhà khoa học, kể cả các tài liệu viết tay. Mọi người đến đây sẽ được đọc, nghiên cứu để tìm hiểu và phục vụ cho công tác nghiên cứu, làm việc.

Chúng tôi hy vọng sau 5 năm, 10 năm hay 50 năm nữa sẽ có những người làm luận án tiến sĩ, thạc sĩ về Giáo sư Đoàn Trọng Truyến chẳng hạn, họ sẽ đến đây để nghiên cứu. Điều đó không có gì là xa xôi cả. Ví dụ như trường hợp của tôi, cha tôi là GS Nguyễn Văn Huyên bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Pháp năm 1934. Năm 1955, ông là người Việt Nam duy nhất là thành viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ đặt tại Hà Nội. Hàng chục năm sau có 1 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ về ông ở Paris. Họ phải đến kho lưu trữ ở Paris, rồi sang Việt Nam, đến Viện để lục lại tất cả những gì liên quan đến GS Nguyễn Văn Huyên.

Chắc chắn rằng thời gian để nghiên cứu về các nhà khoa học mà chúng ta đang làm sẽ ngắn hơn chứ không phải chờ đến 60-70 năm. Nếu chúng ta làm tốt thì sẽ thu hút được rất nhiều người trong và ngoài nước đến nghiên cứu và tìm hiểu.

Hiện nay, nhiều giáo sư người Mỹ rất mong được đến đây để tìm hiểu về di sản của các nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt là các giáo sư ở các trường đại học y. Trong giai đoạn đầu chúng tôi cố gắng tập trung nghiên cứu để sưu tầm và củng cố tất cả những gì mình có. Đến giai đoạn sau, khoảng 10 năm nữa thì kho tư liệu mới có thể đưa ra xã hội rộng rãi để phục vụ những người làm nghiên cứu.

Di sản không chỉ là đưa vào bảo tàng để lưu giữ bảo tồn mà phải làm sao để di sản thực sự đến được với cộng đồng và phát huy giá trị trong cuộc sống.

Xin trân trọng cảm ơn ông về những thông tin bổ ích này!

Theo Nguyệt Hà
Chinhphu.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm