“Lẻ bóng” nuôi con thành thủ khoa

(Dân trí) - Mùa tuyển sinh năm nay có rất nhiều thủ khoa mồ côi bố hoặc mẹ. Đằng sau các thủ khoa này là những chiếc bóng đơn lẻ âm thầm nuôi con ăn học. Chính sự khó nhọc, chịu đựng của họ đã trở thành động lực động lực của các em.

Phía sau… các thủ khoa mồ côi

Người bạn đời - chỗ đỡ về vật chất cũng như tinh thần - mất, bố hoặc mẹ của những thủ khoa một mình gánh trách nhiệm với gia đình khó nhọc hơn bất kỳ người nào. Chỉ còn lại một mình, với bao lo toan họ vẫn không để con cái phải dang dở việc học hành.

Nghị lực, sự chịu đựng của cô Nguyễn Thị Lục - mẹ của thủ khoa ĐH Y Thái Bình, em Chu Thị Kim Liên (thôn Châu Xá, xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) đã làm xúc động rất nhiều người. Gia đình cô vốn đã nghèo, hai vợ chồng suốt ngày đầu tắt mặt tối làm đồng, đi phụ hồ mới có thể lo cho hai con đến trường. Người chồng xấu số ra đi vì bị sét đánh, một mình cô phải làm việc gấp đôi, gấp ba người bình thường.

Ngoài 5 sào ruộng, nuôi lợn, gà, hằng ngày người phụ nữ này còn đi phụ vữa tại các công trình xây dựng. “Hành trang” phải kể đến của cô còn là chiếc xe kéo, kéo gạch, kéo cát thuê khắp trong xã. Có những hôm, cô Lục kéo cả chục xe gạch trọng lượng hàng trăm cân để rồi đến tối đau nhức khắp mình mẩy nhưng cô vẫn cắn răng không than nửa lời vì sợ con cái phải lo lắng mà ảnh hưởng đến việc học.

Vậy nhưng mỗi ngày công của cô cũng chỉ được 20-30.000 đồng, hôm nào nhiều thì được 50.000 đồng. Tất cả số tiền đó cô dành hết cho con ăn học, không dám tiêu một đồng cho mình. Cả một năm trời, cô Lục không sắm cho mình một chiếc áo mới, trong người đau cột sống, đau khớp cũng không dám đi khám…

Chàng trai phố núi Nguyễn Tử Mạnh Cường học sinh trường chuyên Nguyễn Du, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc với 6 điểm 10, đỗ đầu hai trường ĐH Ngân hàng và ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM cũng chỉ còn một mình mẹ. Bố Cường mất đột ngột trong một vụ tai nạn giao thông năm Cường 3 tuổi là một cú sốc mạnh đối với mẹ Cường, cô Nguyễn Thị Huế.

Hơn 15 năm trời cô Huế một mình bươn chải, âm thầm nuôi hai con ăn học với nỗi đau tinh thần chưa bao giờ nguôi ngoai trong mình. Chồng mất cô sống khép mình, không muốn tiếp xúc, giao lưu với ai, ra đường cũng bịt kín mặt. Ai cũng hiểu cô muốn “tách” mình với những cám dỗ bên ngoài với người phụ nữa góa bụa. Bên trong người phụ nữ này tình yêu với con cái lớn hơn tất cả.

Ngoài công việc kế toán cho một cơ quan nhà nước, cô Huế còn tranh thủ làm thêm ở các công ty khác, làm thêm nương rẫy kiếm tiền nuôi con. Cô chỉ bớt vất vả hơn khi người con đầu đã tốt nghiệp ĐH Kiến trúc TPHCM và đi làm, gánh đỡ được phần nào cho mẹ.

Đằng sau thành công của cậu thủ khoa ĐH Bách khoa, Lê Đình Hưng (làng Trịnh Thôn, xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) phải nhắc đến bóng dáng người cha một mình tần tảo nuôi con.

Vợ mất vì bệnh ung thư máu, để lại cho ông Lê Đình Hùng cảnh “gà trống nuôi con”. Quyết không để con phải bỏ học, người đàn ông này và hai người con bươn chải với bảy sào ruộng, làm thêm đủ việc trong nhà như nấu rượu, nuôi lợn gà để có tiền cho con đến trường. Cô con gái đầu của ông đang học trường CĐ Ngân hàng, và giờ cậu con trai làm ông có thể “ngẩng mặt”.

Hạnh phúc vì con

Còn nhiều ông bố, bà mẹ một mình nuôi con ăn học, con đạt kết quả cao trong các kỳ tuyển sinh ĐH - CĐ hàng năm. Chính sự mất mát, tổn thất trong gia đình, sự vất vả, hy sinh của người bố, người mẹ trở thành động lực lớn nhất để người con phải đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi mang tích chất là bước ngoặt cuộc đời.

Điều đầu tiên khi nói về kết quả mình đạt được, các thủ khoa mồ côi đều xem đây là món quà lớn nhất để dành tặng người bố (mẹ) đã khuất và người bố (mẹ) đã một mình tần tảo, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Các em có chung một mong ước phải đỗ đại học để sau này bố mẹ sẽ bớt khổ.

Ngay khi biết tin mình đỗ thủ khoa, Chu Thị Kim Liên đã bật khóc vì “em đã không phụ công mẹ”. Rồi đây, Liên vào đại học, con đường khó khăn còn chờ mẹ con Liên ở phía trước nhưng cùng với sự hy sinh của mẹ, Liên tin mình sẽ vượt qua. Liên mong mình sớm ra trường đi làm để mẹ em không còn phải đi kéo gạch, cát thuê.

“Nghĩ đến ngày con cái đỗ đạt là những mệt mỏi trong người tan biến hết. Khổ như thế chứ khổ hơn nữa mình cũng chịu được” - Đặt chiếc xe kéo giữa sân, gạt những giọt mồ hôi trên trán cô Lục mỉm cười. Người mẹ này lạc quan như thế nhưng vẫn không che được những mệt mỏi, lo lắng của mình.

Còn Mạnh Cường, hình ảnh người mẹ bị đau thần kinh tọa phải lết từng bước nhưng vẫn làm việc từ sáng tận tối đã ăn sâu trong tiềm thức của em vì thế luôn thúc giục em phải học tốt, học giỏi. Và hơn mười mấy năm, từ ngày chồng mất ngày Cường nhận tin đỗ đầu hai trường ĐH, trên mặt cô Huệ mới ánh niềm hạnh phúc, mừng vui.

“Hy sinh nhiều thứ của bản thân, giữa kín trong mình những nỗi niềm riêng nhưng những người mất chồng, mất vợ như chúng tôi vẫn dốc hết sức mình cho con cái. Hạnh phúc lớn nhất của mình là con cái trở thành người có ích cho xã hội: - cô Nguyễn Thị Lục tâm sự.

Hoài Nam

Dòng sự kiện: Thủ khoa ĐH, CĐ 2008

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm