Lấy ý kiến dân về Đề án đổi mới thi và tuyển sinh
(Dân trí) - Sáng nay, Bộ GD-ĐT tổ chức cuộc toạ đàm về Đề án tổng thể đổi mới thi và tuyển sinh. Cuộc toạ đàm nhằm xin ý kiến đóng góp của các ban ngành và Sở GD-ĐT địa phương để hoàn thiện dự thảo đề án, trước khi công khai rộng rãi lấy ý kiến vào chiều nay, 9/11.
6 giải pháp đổi mới thi và tuyển sinh
Tại buổi toạ đàm, Thứ trưởng Thường trực Bành Tiến Long nhấn mạnh: “Việc đổi mới thi và tuyển sinh phải được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo thực sự nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất trình độ người học; kết quả đủ tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm một căn cứ quan trọng để xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN.
Bên cạnh đó phải đảm bảo khách quan, công bằng; đảm bảo lợi ích của thí sinh; Giảm áp lực nặng nề về thi cử; Giảm lãng phí tiền của, thời gian, sức lực của thí sinh; gia đình thí sinh và xã hội”.
Để thực hiện yêu cầu đổi mới này, TS. Nguyễn An Ninh, Cục trưởng cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT đã trình bày 6 giải pháp tiếp tục đổi mới thi và tuyển sinh, cụ thể:
1. Hằng năm, tổ chức kì thi THPT quốc gia, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một căn cứ quan trọng để xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN.
2. Tổ chức thi tại địa phương, với sự phân cấp trách nhiệm cụ thể giữa Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành liên quan.
3. Huy động lực lượng từ các trường ĐH, CĐ, TCCN (khoảng gần 8.000 cán bộ, giảng viên) làm công tác thanh tra, giám sát (ở các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, đặc biệt là giám sát khâu coi thi). Số người mỗi trường huy động tỷ lệ với chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
4. Chuyển việc ra đề từ hình thức tự luận sang hình thức trắc nghiệm đối với các môn thi, trừ môn Ngữ văn phối hợp tự luận và trắc nghiệm.
5. Sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong quy trình tổ chức thi; đăng ký dự thi, quản lý thí sinh, tổ chức coi thi, chấm thi, xử lý kết quả thi…
6. Chuyển việc tuyển sinh theo khối thi (A,B,C,D) như hiện nay sang việc xét tuyển theo ngành học, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh đối với một số môn thi cần cho đầu vào từng ngành đào tạo và một số yêu cầu khác, nếu có.
Đề án khả thi, nhưng cần hoàn thiện thêm
Một trong những khâu quan trọng trong việc đổi mới thi và tuyển sinh là tổ chức kì thi THPT quốc gia.
Để đảm bảo tính khả thi của đề án, ông Nguyễn An Ninh đã trình bày toàn bộ dự thảo đề án kì thi THPT quốc gia qua 50 mục quan trọng như cách thức thi, môn thi…
Hầu hết các đại biểu có mặt tại buổi toạ đàm đều đồng tình với phương hướng của Đề án đổi mới thi và tuyển sinh. Nhiều đại biểu đưa ra ý kiến đóng góp khá thuyết phục nhằm hoàn thiện thêm cho dự thảo.
Theo ông Đàm Hoài Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Bộ không nên quá chú trọng vào hình thức thi. Dù thi dưới hình thức nào thì giáo viên cũng vẫn phải dạy cho học sinh nắm được kiến thức cơ bản nhất theo chương trình yêu cầu.
Ông Hoàng Lĩnh Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đưa ra thêm ý kiến về số lượng môn thi công nhận tốt nghiệp và cơ cấu trong đề thi.
Theo ông Nam, dự thảo đề án hiện nay dùng 5 môn để công nhận tốt nghiệp là không hợp lý. “Nếu thí sinh được phép chọn 1 môn thi thì xuất hiện tình trạng có em chỉ phải thi 5 môn nhưng lại có em phải thi 6 môn để được công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN. Còn nếu thí sinh được phép chọn cả 2 môn thì chắc chắn nhiều em sẽ bỏ học các môn không tổ chức thi”.
Để giải quyết tình trạng này, ông Nam đưa ra giải pháp là thi 6 môn để công nhận tốt nghiệp. Trong đó có 3 môn bắt buộc; 2 môn tự chọn và 1 môn do Bộ quy định.
Được biết, sau khi kết thúc buổi toạ đàm, Cục khảo thí sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh dự thảo đề án kì thi THPT quốc gia trước khi công bố rộng rãi trên mạng vào chiều nay.
Nguyễn Hùng