Trà Vinh:

Lão nông vay nợ nuôi con thành tài

(Dân trí) - Gia đình ông Thạch Minh, dân tộc Khmer ngụ ấp Cầu Tre (Phú Cần, Tiểu Cần, Trà Vinh) quyết tâm làm lụng, vay nợ để nuôi con học hành. Sau nhiều năm liền vất vả, gia đình ông rất hãnh diện khi các con trở thành bác sĩ, dược sĩ.

Ấp Cầu Tre có đến 93% là hộ dân người đồng bào dân tộc Khmer, trước đây rất nhiều bà con không biết nói tiếng Việt nên sống quanh Phum, Sóc và thường bỏ học giữa chừng. Ông Thạch Minh (SN 1958) cũng là một nông dân bình thường trong ấp nhưng đặc biệt ông quyết tâm làm việc để lo cho 4 con của mình ăn học đến nơi đến chốn trong sự thán phục của nhiều người.

Hai vợ chồng ông Minh rất hãnh diện khi tất cả những đứa con đều học bác sĩ, dược sĩ.
Hai vợ chồng ông Minh rất hãnh diện khi tất cả những đứa con đều học bác sĩ, dược sĩ.

Ông Minh cùng vợ là bà Chương Tiến Thắng ngày xưa chỉ học cho biết chữ nên quyết nuôi con học hành để khỏi vất vả ngoài đồng như mình. Hai vợ chồng phải làm quần quật từ trồng lúa, rau màu để có chi phí lo cho cả 4 con đi học. Trong đó 3 người con học bác sĩ đa khoa và 1 người con học dược sĩ đại học. Bà Thắng kể lại: “Trước đây hai vợ chồng ít học nên phải làm nông vất vả, vì vậy tôi có 4 đứa con gái đều mong muốn chúng nó học hành thành tài để khỏi cực khổ. Lúc đầu dự tính cho đứa lớn học bác sĩ có gì lo cho sức khoẻ cha mẹ lúc về già, nào ngờ đến giờ có tới 3 chị em học bác sĩ và 1 đứa học dược sĩ”.
 
Trong 4 người con của ông Minh thì Minh Su Chanh Ni (SN 1980) học Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh ra trường đang làm tại bệnh viện quận 10, TP Hồ Chí Minh; Minh So The Quy (SN 1982) học ngành y Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, đang làm bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng; Minh Bô Na (SN 1986) đang học năm thứ 4 ngành Dược, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Minh Mari đang học năm thứ 3 ngành bác sĩ đa khoa Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Bà Thắng bên hình hai con lúc nhận bằng tốt nghiệp ngành Bác sĩ đa khoa
Bà Thắng bên hình hai con lúc nhận bằng tốt nghiệp ngành Bác sĩ đa khoa.

Theo bà Thắng, cách đây hơn 10 năm làm lúa thường thất mùa, có khi không đủ trả tiền phân bón nhưng hai vợ chồng xoay trở, vay mượn khắp nơi để lo cho 4 con đi học. Vất vả nhất là thời điểm 3 con đều học đại học, 1 con học phổ thông tốn rất nhiều chi phí mà thu nhập từ trồng lúa chẳng được bao nhiêu. Lúc đó chưa có chương trình Ngân hàng Chính sách Xã hội cho sinh viên vay nên gia đình bà Thắng lấy sổ đỏ vay phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng thục chất đều lo cho mấy con đi học. Khi 2 con đầu học bác sĩ ra trường, có việc làm thì gánh nặng lo cho con học hành cũng dân bớt đi.

Ông Thạch Kiên, Bí thư chi bộ ấp Cầu Tre cho biết: “Trước đây trong ấp có đến 76% là hộ nghèo, rất nhiều con em đồng bào dân tộc Khmer bỏ học giữa chừng. Mấy năm nay nhờ có cánh đồng mẫu, năng suất lúa tăng, kinh tế khả giả hơn nên tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,53%, học sinh không còn bỏ học nữa. Tuy nhiên chỉ có gia đình ông Minh cả 4 con đều học hành đến nơi đến chốn”.

Ông Minh cho rằng chỉ có trồng rau mới mau thu hoạch, có tiền lo cho con đi học.
Ông Minh cho rằng chỉ có trồng rau mới mau thu hoạch, có tiền lo cho con đi học.

Ông Minh bộc bạch: “Khi ra riêng, gia đình bên tôi được cha mẹ cho 6,5 công đất, bên vợ cho 3 công đất mà làm quần quật vẫn không đủ nuôi con ăn học. Những mảnh đất trống xung quanh nhà đều được tôi tận dụng trồng rau vì ngắn ngày để xoay vòng nhanh mới có tiền lo cho con. Mấy năm gần đây nhà nước cho vay sinh viên mỗi năm được 11 triệu đồng chỉ đủ đóng học phí cho con ở học kỳ 1 còn lại chi phí học tập, học phí ở học kỳ 2 vợ chồng lo nên rất vất vả”.
 
Theo ông Minh, năm 2012 khi con gái lớn học bác sĩ chuyên khoa 1 và 2 con đang học đại học không có tiền lo nên gia đình cầm 4 công đất trong thời gian 3 năm lấy 60 triệu đồng đóng học phí, lo chi phí học hành cho 3 đứa con. Vậy là diện tích đất sản xuất đã giảm xuống, hai vợ chồng ông lại tiếp tục bươn chải để lo con ăn học.

Ông Minh phải làm việc quần quật suốt ngày để có tiền lo cho con ăn học.
Ông Minh phải làm việc quần quật suốt ngày để có tiền lo cho con ăn học.

Ông Hoàng Văn Uyển, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Trà Vinh cho biết: “Gia đình ông Minh là một trong số những gia đình, tổ chức được Hội Khuyến học vinh danh trong đợt kỷ niệm 10 năm xây dựng phong trào xã hội học tập của tỉnh Trà Vinh. Đây là gia đình đồng bào dân tộc Khmer mà tất cả 4 đứa con đều là bác sĩ, dược sĩ rất đáng khâm phục”.

Ông Minh bên căn nhà của mình.
Ông Minh bên căn nhà của mình.

Trong căn nhà lợp tôn khá cũ kỹ của ông Minh chẳng có gì đáng giá ngoài mấy tấm bằng khen, bằng vinh danh Gia đình khuyến học, giấy khen Nông dân sản xuất giỏi… “Suốt mấy chục năm nay làm được đồng nào lo cho con ăn học hết lấy tiền đâu mà sắm sửa. Chỉ cần vài ba năm nữa, hai con nữa ra trường là gia đình tôi đỡ vất vả, cả cuộc đời làm lụng nuôi con ăn học như vậy cũng mãn nguyện lắm rồi” - ông Minh tâm sự.

Minh Giang
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm