Lãnh đạo Bộ GD- ĐT trả lời tại cuộc họp chốt phương án thi năm 2015

(Dân trí) - Chiều nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chính thức ban hành Quyết định số 3538 Phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015. Mời bạn đọc theo dõi buổi tường thuật trực tiếp của <i>Dân trí</i> về cuộc họp.

 
Câu hỏi: Đề thi sẽ được thiết kế như thế nào? Tổ chức thi theo 2 cụm thi như thế nào? Thời gian có khác nhau không? Với thi Ngoại ngữ năm trước có cải tiến là có phần phần tự luận nay chỉ có phần thi trắc nghiệm, đây có phải là bước lùi hay không?

Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ là được miễn thi tốt nghiệp THPT, vậy có được miễn thi đại học hay không? Loại chứng chỉ nào được thay thế môn thi?

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT: Đề thi khá giống với đề thi đại học 2014 vì đề thi này đã đảm bảo yêu cầu của phương án thi mới này nhưng đậm hơn một chút.

Thời gian thi giống thi đại học: Tự luận 180 phút, trắc nghiệm thời gian 90 phút. Các môn thi giống như kỳ thi trước. Đề thi đảm bảo ổn định không khác so với năm trước để thí sinh ổn định ôn thi trong năm nay.

Bộ sẽ ra những quy định cụ thể là những chứng chỉ nào được miễn thi. Các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là được còn các chứng chỉ khác thì phải xem xét. Theo Đề án Ngoại ngữ, Bộ sẽ thành lập trung tâm ngoại ngữ quốc gia để cấp chứng chỉ xét miễn thi này.

Câu hỏi: Đề thi cơ cấu lớp 10, 11, 12 được phân bố như thế nào? Kỳ thi quốc gia không còn tồn tại các khối thi ở trường THPT, vậy xử lý như thế nào?

Ông Trần Văn Kiên, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng: Kế thừa những gì thành công nhất của Đề thi năm 2014. Đề thi tốt nghiệp cũng như đề thi ĐH,CĐ 2014, nội dung đề thi nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu lớp 12.

Đề thi, vừa có phần nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, đáp ứng yêu cầu cơ bản nâng cao. Đây là dữ liệu đủ tin cậy để xét tuyển ĐH,CĐ.

Xét công nhận tốt nghiệp, trên tinh thần năm 2014. Điểm thi kết hợp với điểm đánh giá quá trình. Học gì đánh giá đấy. Theo hướng ổn định như năm 2014. Bộ sẽ thể hiện trong Quy chế tuyển sinh năm 2015.
 
Bộ GD-ĐT tiếp tục trả lời câu hỏi của báo Dân trí: Quy định như thế nào về thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc trong điều kiện không đảm bảo chất lượng?
 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việc này không phải là mới, quyền quyết định do các Sở GD-ĐT quyết định phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vậy chất, giáo viên có đảm bảo hay không.
 
Câu hỏi: Chính sách ưu tiên như thế nào trong kỳ thi quốc gia này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Sẽ đưa vào Quy chế tuyển sinh chính sách ưu tiên để các trường áp dụng. Ví dụ như 62 trường ĐH, CĐ tuyển sinh riêng vừa qua thực hiện.

Câu hỏi: Với cụm thi có tới 30.000 - 40.000 thí sinh đăng ký dự thi thì xử lý thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ sẽ nghiên cứu, khảo sát địa điểm để tổ chức được số lượng thí sinh lớn này.

Câu hỏi: Nguyện vọng xét tuyển của thí sinh ở kỳ thi này như thế nào?

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT: Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia rất có lợi cho thí sinh. Trước hết, các em chỉ thi một kỳ thi nhưng sử dụng kết quả đó để xét vào rất nhiều trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, các em thi xong, có kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển. Vì vậy, tránh hoàn toàn rủi ro mà quy định của kỳ thi “3 chung” trước đây.

Đối với những học sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT, nếu năm tới tổ chức kỳ thi quốc gia, các em chỉ thi những môn liên quan mà mình đăng ký xét tuyển, còn những môn không liên quan, các em có quyền không thi vì không sử dụng kết quả ấy để công nhận tốt nghiệp THPT.

Vì vậy, cả về nội dung thi và cách thức sử dụng kết quả kỳ thi này đều có lợi cho thí sinh. Các em cứ yên tâm học tập, chắc chắn một kỳ thi quốc gia như vậy sẽ làm các em hài lòng hơn.

 
Nhóm PV