Lan tỏa văn hóa đọc từ thư viện cộng đồng
Cùng với hệ thống thư viện công lập, mô hình thư viện tư nhân, thư viện cơ sở… đã góp phần không nhỏ trong phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí và xây dựng xã hội học tập.
Thư viện tư nhân Dương Liễu (xã Dương Liễu, huyện Hoài Ðức, TP Hà Nội) do anh Phùng Bá Hưng thành lập từ năm 2013, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) đánh giá là một trong những mô hình thư viện tư nhân hoạt động có hiệu quả. Hiện nay, thư viện có gần 4.000 đầu sách, mở cửa 10 giờ một tuần, thu hút gần 1.800 bạn đọc đăng ký làm thẻ thành viên… Với gần 50 tình nguyện viên hỗ trợ việc mượn, trả sách, hỗ trợ tổ chức các hoạt động và sự kiện ngoại khóa như quyên góp sách giáo khoa, quần áo tặng trẻ em vùng cao, cuộc thi sáng tạo khoa học, tập làm nhà phát minh, thi viết và giới thiệu sách hay…, thư viện thu hút đông đảo học sinh, người dân nông thôn đến đọc và tham gia các lớp hướng dẫn kỹ năng sống, bảo vệ môi trường… Ðể làm mới và phong phú đầu sách, thư viện huy động nguồn sách từ cộng đồng thông qua các sự kiện như "Mỗi người một cuốn sách", "Tặng sách thư viện ngày sinh nhật" hoặc "Tết sách", đồng thời thường xuyên trao đổi luân phiên đầu sách với thư viện huyện, thư viện các trường học.
Thư viện thôn Phú Mẫn (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) được trang bị phòng đọc rộng 80 m2 với gần 20 nghìn bản sách các loại, từ ba đến năm đầu báo hằng ngày. Ðều đặn ba buổi mỗi tuần, thư viện phục vụ hơn 150 bạn đọc thường xuyên là các học sinh, cán bộ về hưu, người cao tuổi đến đọc tại chỗ. Thư viện còn tổ chức tốt việc tra cứu tài liệu tại chỗ và truy cập Internet. Thông qua các hoạt động, thư viện góp phần tuyên truyền, vận động người dân ở mọi lứa tuổi tích cực đọc sách nâng cao hiểu biết, vận dụng tốt vào rèn luyện sức khỏe cho người cao tuổi, nâng cao tri thức, vận dụng khoa học - kỹ thuật vào đời sống… Chủ nhiệm thư viện thôn Phú Mẫn Lê Thị Ký cho biết: Các hoạt động của thư viện góp phần bồi dưỡng cho người đọc có kỹ năng cơ bản về văn hóa đọc, vận dụng các nội dung tri thức đã đọc vào lao động sản xuất, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt cộng đồng…
Tại tỉnh Vĩnh Long, thư viện tư nhân Tứ Hưng của gia đình ông Huỳnh Tấn Hưng (ấp 8, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) phục vụ cả bảy ngày trong tuần, với nhiều thể loại sách, báo, góp phần khơi nguồn đam mê đọc sách trong cộng đồng, từ đó góp phần nâng cao dân trí, giúp nông dân ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, bổ trợ kiến thức học tập, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các cán bộ ấp… Thư viện tư nhân Tứ Hưng còn là địa điểm hội họp của ấp và tổ nhân dân tự quản, giao lưu văn nghệ, qua đó tạo nên tính gắn kết cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở ấp 8 và chung sức xây dựng nông thôn mới tại xã Mỹ Lộc. Với những đóng góp tích cực mang tri thức đến mọi người, nhiều năm liên tục, thư viện tư nhân Tứ Hưng được Sở VHTT và DL tỉnh Vĩnh Long tặng giấy khen là đơn vị xuất sắc trong công tác thư viện, góp phần phát triển hệ thống thư viện công cộng…
Có thể nói, mô hình thư viện tư nhân, thư viện dòng họ, không gian đọc… ngày càng phát triển mạnh. Trên cả nước, hiện có 102 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, trong đó 71 thư viện tư nhân hoạt động như thư viện công cộng, 13 thư viện tư nhân chuyên ngành, 18 thư viện tư nhân với hình thức của các thư viện do các gia đình, dòng họ, trong đó nhiều thư viện hoạt động hiệu quả, như: thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (TP Hồ Chí Minh), không gian đọc An Phú (Thái Bình), thư viện của anh Mai Tấn Khoa (Quảng Bình), thư viện của ông Trương Hào (Thừa Thiên - Huế)… Không ít thư viện tư nhân đã trở thành điểm luân chuyển sách của thư viện tỉnh, thư viện huyện và đã trở thành cầu nối giữa thư viện công cộng với bạn đọc ở cơ sở, tiêu biểu như thư viện của ông Bùi Ðình Thăng (Hưng Yên) phục vụ hơn 44.000 lượt độc giả /năm (bao gồm đọc tại thư viện và mượn về), thư viện Vũ Gia (Hòa Bình) phục vụ gần 10.000 lượt bạn đọc…
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT và DL) cho biết: Thư viện cơ sở đã trở thành thiết chế văn hóa quen thuộc với người dân nhiều địa phương, góp phần triển khai thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo. Mạng lưới thư viện tư nhân, thư viện cơ sở không ngừng phát triển mạnh mẽ, giúp người dân có thể tiếp cận sách báo mọi nơi, thông tin một cách dễ dàng thuận lợi…
Sự tương tác từ những mô hình thư viện tư nhân và hệ thống thư viện công lập đã góp phần trang bị cho người dân kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, hình thành lối sống lành mạnh, thân ái, biết yêu thương, chia sẻ; đóng góp vào sự phát triển văn hoá đọc, phục vụ việc học tập, nghiên cứu của nhân dân các địa phương...
Theo Ngọc Liên
Báo Nhân dân điện tử