Lần đầu tiên nữ nhi Việt góp mặt Top 15 Nhà khoa học nữ trẻ tài năng quốc tế

(Dân trí) - Lần đầu tiên Việt Nam có nhà khoa học nữ được vinh danh cùng các nhà khoa học nữ quốc tế, qua giải thưởng Nhà Khoa học trẻ Tài năng của thế giới. Đó là Tiến sĩ Trần Hà Liên Phương, giảng viên bộ môn Kỹ thuật Y Sinh - Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM).

Quang cảnh buổi lễ vinh danh và trao giải thưởng năm 2014
Quang cảnh buổi lễ vinh danh và trao giải thưởng năm 2014.

Lễ vinh danh và trao giải sẽ diễn ra vào ngày 18/3 tại Pháp

Theo Quỹ L’Oréal và UNESCO - hai đơn vị đồng sáng lập giải thưởng, mỗi phụ nữ được vinh danh trong Giải thưởng này là một tấm gương sáng trong ngành khoa học. Họ đang từng ngày chứng minh rằng phụ nữ có thể đóng góp rất lớn cho sự tiến bộ khoa học trong một lĩnh vực mà đàn ông vẫn đang chiếm ưu thế.

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, vẫn còn nhiều sự tiến bộ phải được tạo ra để đạt mục tiêu cân bằng giới trong lĩnh vực khoa học. Chỉ 30% số nhà khoa học trên thế giới là phụ nữ và vẫn còn nhiều rào cản, trở ngại cản trở phụ nữ tham gia hoặc theo đuổi sự nghiệp khoa học.

Nhằm tôn vinh các nhà khoa học nữ xuất sắc và hỗ trợ các nhà khoa học nữ trẻ tiềm năng trong con đường phát triển nghề nghiệp cũng như lan truyền  ngọn lửa đam mê trong nghiên cứu khoa học cho sự phát triển chung của cộng đồng, L’Oréal-UNESCO For Women in Science (Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học) đã thành lập giải thưởng International Rising Talent (Nhà khoa học trẻ tài năng quốc tế) vào năm 1998 và trở thành giải thưởng thường niên. Và trong năm 2015, lễ vinh danh và trao giải sẽ diễn ra vào ngày 18/3 sắp tới tại Pháp.

Năm 2015, giải dành cho 15 nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ,  những gương mặt này được lựa chọn từ  236 ứng viên trên toàn thế giới: Từ châu Phi, các vương quốc Ả Rập, châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ Latin và Bắc Mỹ…

Hội đồng Giám khảo của giải năm nay bao gồm 12 nhà khoa học danh tiếng là thành viên của Hội đồng Khoa học Khu vực và các quốc gia Brazil, Canada, Chile, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, Lebanon, Morocco, Ba Lan và Nga.

Theo Hội đồng giám khảo, những nhà nghiên cứu được trao tặng Nhà Khoa học trẻ tài năng năm 2015 đã có những đóng góp đáng kể trong các ngành nghiên cứu đa dạng như sinh thái và phát triển bền vững, vật lý, dược học, dịch tễ học, nghiên cứu y học, khoa học thần kinh và sinh học tiến hóa…

Trong đó, “gương mặt” đến từ Việt Nam là Tiến sĩ Trần Hà Liên Phương - giảng viên bộ môn Kỹ thuật Y Sinh - Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), được vinh danh qua nghiên cứu về hệ mixen chứa fucoidan trong ứng dụng điều trị và hỗ trợ quan sát mô ung thư tại Việt Nam.  

Ngoài ra, theo thông tin riêng của Dân trí, bên cạnh hiệu quả chuyên môn, tính thực tiễn của nghiên cứu, “điểm cộng thêm” để  TS Liên Phương nhận được giải thưởng này chính là ý thức, mong muốn được lan truyền ngọn lửa đam mê của mình đến các thế hệ những nhà khoa học trẻ Việt Nam trên chính quê hương mình. Và để “hiện thực hóa”  ý thức ấy,  Liên Phương đã từ chối nhận học bổng để tiếp tục nghiên cứu và tiến thân tại một học viện của Hàn Quốc. 

Vài chia sẻ từ nữ tiến sĩ trẻ

“Phần lớn các loại thuốc điều trị ung thư hiện có sẽ phân tán khắp cơ thể,  tấn công vào cả tế bào bệnh và tế bào khỏe, thay vì nhắm vào mục tiêu cụ thể là các tế bào ung thư. Tương tự như vậy, chất dẩn mà thuốc hòa tan cho mục đích tiêm thường là ở dạng thể polymer, không có đặc tính chữa trị, bị cơ thể bài tiết, sẽ dẩn đến kết quả giải phóng thuốc nhanh khỏi hệ máu” - Theo đó, TS Trần Hà Liên Phương đang khai thác công nghệ nano để phát triển nên phương pháp điều trị mới nhằm tránh được sự loại trừ nói trên và dẩn thuốc trực tiếp vào tế bào bệnh.
 
 TS Trần Hà Liên Phương: 
TS Trần Hà Liên Phương: “Chúng ta cần nỗ lực tạo ra các loại thuốc không chỉ có tính hiệu quả mà còn phải có giá thành phù hợp vì lợi ích của các bệnh nhân ở các nước đang phát triển”.

TS Liên Phương cũng có kế hoạch nghiên cứu sử dụng fucoidan như là polymer trong các hạt nano, một chiết xuất từ rong biển được phát hiện gần đây là có đặc tính chống ung thư và có thể hoạt động như một polymer. Fuicodan do đó sẽ có thể được sử dụng cho mục đích kép là làm chất dẩn xuất cho thuốc và tự thân là thành tố điều trị bệnh.

Khi fucoidan kết hợp với thuốc điều trị ung thư thường kháng nước, phân tử hạt nano sẽ tự tạo lập nhờ vào đặc tính thân nước của fucoidan. Các hạt nano sẽ hỗ trợ quan sát các tế bào ung thư trong suốt quá trình điều trị… Kết quả cuối cùng của nghiên cứu này chính là có thể giúp cho việc điều trị ung thư rẻ hơn và hiệu quả với ít phản ứng phụ hơn.
 
Việt Khuê
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!