Lần đầu tiên “bản đồ tư duy” được đưa vào... phim tài liệu

(Dân trí) - Lần đầu tiên một phương pháp dạy học hiệu quả được đưa vào phim tài liệu dự thi quốc tế. Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thước vừa đem tác phẩm “Bản đồ tư duy - Hành trình kết nối” tham dự liên hoan phim tài liệu Âu - Việt lần thứ 5.

“Bản đồ tư duy” (BĐTD) là phương pháp học được nhiều nước này trên thế giới áp dụng, tuy nhiên ở Việt Nam gần như chưa có một công trình nghiên cứu chính thức nào về điều này. Được sự tư vấn của Tiến sĩ Trần Đình Châu, TS. Đặng Thị Thu Thủy và nhiều người khác, NSND Nguyễn Thước đã bắt tay vào làm bộ phim tài liệu dài 28 phút để tham gia cuộc thi liên hoan phim tài liệu Âu - Việt lần thứ 5.
 
NSND. Nguyễn Thước - đạo diễn phim cho biết: “Trong thời gian đi khảo sát tại các tỉnh thành như Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hà Nội…, các trường THCS tham gia áp dụng phương pháp học mới này trong nhà trường đều có kết quả tốt và nhận được phản hồi tích cực từ phía gia đình, phụ huynh”.

TS. Trần Đình Châu, người nghiên cứu triển khai phương pháp BĐTD vào Việt Nam, bộc bạch: “BĐTD được tạo nên bởi nghiên cứu sự hoạt động của vỏ não với những tiếp nhận từ môi trường ngoài vào bộ óc. Được tiến hành thực nghiệm đầu tiên tại Trường THCS Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã 4 năm nay, tính đến thời điểm hiện tại, thầy trò nhà trường phải công nhận sự thay đổi đáng kể trong việc học chung. Học sinh hứng thú với mỗi tiết học hơn, đồng thời giáo viên cũng tiết kiệm được nhiều thời gian giảng bài hơn so với hình thức “chay” và “bị động” như trước kia. Giữa cô và trò có sự trao đổi thông tin mang tính trực tiếp nên hiệu quả thu được nhanh và đầy đủ hơn”.

Phương pháp vận dụng được thực tế

Khác với phương pháp “học chay”, hay học thuộc vẹt cũ của học sinh, phương pháp BĐTD bắt buộc học sinh phải quan sát ngoài thực tế, sau đó tổng hợp, phát triển các ý theo các nhánh cấp 1, 2, 3… để triển khai vấn đề. Ví dụ trong bộ phim có hình ảnh các em học sinh tại Bắc Giang trong giờ học môn Sinh học, quan sát thực tế trại nuôi nhím và ghi chép lại những điều nhìn thấy sau đó tổng hợp các ý lại với nhau theo gợi ý, hướng dẫn của giáo viên.

Theo đạo diễn Nguyễn Thước, với những tiết học thực tế như thế, kết hợp với phương pháp bản đồ tư duy khiến cho cả cô và trò đều cảm thấy thú vị và các tiết học sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Học sinh được quan sát thực tế vì thế những thông tin sẽ được truyền trực tiếp đến võ não.

BĐTD không chỉ giúp học sinh rèn kĩ năng quan sát, đọc, hiểu và tổng hợp mà còn tích hợp nhiều kĩ năng khác như phân tích, chọn lọc, khả năng khái quát vấn đề. Để ý một giờ học của học sinh được tiến hành với phương pháp BĐTD sẽ nhận thấy rất rõ các em học sinh phải làm việc một cách thực sự, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, giám sát và tổng kết, đánh giá lại vấn đề.

Các em học sinh
Các em học sinh ở Hòa Bình trong nhóm say mê thiết kế bản đồ tư duy sau khi được tiếp thu bài giảng.

Bộ GD-ĐT chỉ đạo để các em học sinh sáng tạo gắn bó với thực tiễn trong mỗi giờ học, bằng BĐTD có thể xây dựng gắn bó thực tiễn và lý luận rất tốt. Bộ đã có chỉ đạo, THCS tất cả các 10.000 trường đã tham gia và áp dụng ở những mức độ khác nhau, tùy vào trình độ của các thầy cô giáo và phương pháp dạy có đúng không.

Phương pháp học sẽ giúp quy tụ các em học sinh một cách khoa học, kết hợp làm việc với nhau nhuần nhuyễn hơn vì thế nó sẽ thúc đẩy cách làm việc nhóm tốt hơn. Đây là việc vô cùng quan trọng đối với việc học ở cấp THCS hiện nay” - TS. Nguyễn Đình Châu chia sẻ

Giúp phát hiện ra những tài năng mới, nổi bật

TS. Trần Đình Châu tâm sự thêm, là người làm đề tài nghiên cứu khoa học và được Bộ GD-ĐT cho phép triển khai, phương pháp BĐTD được GV và học sinh đón nhận nồng nhiệt bởi cách học sáng tạo, phát huy được sự thông minh, suy nghĩ cá nhân và tiếng nói chung của học sinh hoạt động nhóm (ví dụ trong giờ Sinh học, giáo viên tại huyện Lạng Giang - Bắc Giang cho học sinh quan sát cấu tạo các con vật sau đó về mỗi em có một ý và viết ra theo những chủ đề cô giáo đưa cho). Các thầy cô giáo có sự chia sẻ tốt với học sinh và phát triển các em học sinh đa trí tuệ, phát triển khả năng hội họa qua việc xem các em trình bày như thế nào.

Việc áp dụng phương pháp mới này vào việc học của các em học sinh khu vưc miền núi theo đạo diễn Nguyễn Thước không có gì quá khó khăn bởi thực tế tại các trường ở Tuyên Quang, Bắc Giang, Nghệ An đã làm rất tốt, thậm chí có những trường có đến 80% học sinh dân tộc thiểu số. Các bộ môn Tiếng Anh, Toán thậm chí là môn Văn cũng áp dụng phương pháp mới này mang hiệu quả cao. Tuy nhiên để làm được điều đó đòi hỏi người giáo viên phải được tập huấn kĩ và đúng phương pháp, kĩ năng để truyền đạt lại cho các em.

Thông qua bộ phim tài liệu “Bản đồ tư duy - Hành trình kết nối”, đạo diễn Nguyễn Thước cũng như những người đã hỗ trợ làm nên thành công cho bộ phim mong muốn hình thức học bằng phương pháp BĐTD ngày càng được nhân rộng hơn để góp phần tích cực cho giáo dục Việt Nam. Một tín hiệu đáng mừng đó là đến nay, ngày càng có nhiều trường đang áp dụng tốt và trong tương lai không xa nó sẽ được thực hành đối với cấp Tiểu học và THPT.

Nguyễn Hùng - Phạm Oanh