Chuyện khó tin từ cách học mới ở một trường vùng cao
(Dân trí) - Hào hứng học tập, khả năng làm việc nhóm hiệu quả, tự tin đứng bảng thuyết trình với các bạn cùng lớp... Câu chuyện khó tin nhưng thực tế lại đang diễn ra ở một trường học thuộc một tỉnh vùng cao.
Trường THCS Thống Nhất không phải là một cơ sở quá nổi bật của thành phố Hòa Bình bởi lẽ đơn vị có đến 97% học sinh (HS) là người dân tộc Dao. Nếu như trước năm 2008 tình trạng HS bỏ học vẫn còn phổ biến thì những năm trở lại đây với việc cơ sở vật chất nhà trường được dự án phát triển giáo dục THCS II - Bộ GD-ĐT quan tâm kết hợp với việc áp dụng công phương pháp dạy học mới nên sĩ số các lớp lúc nào cũng duy trì ở mức 100%.
Bản đồ tư duy là một công cụ tổ chức tư duy. Đây là phương pháp dễ nhất để chuyển tải thông tin vào bộ não rồi đưa thông tin ra ngoài bộ não. Nó là một phương tiện ghi chép đầy sáng tạo và rất hiệu quả theo đúng nghĩa của nó. |
Chia sẻ với chúng tôi với những thành quả “khó tin” đã đạt được, cô Nguyễn Thị Mai - hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Ngoài vấn đề cơ sở vật chất khang trang hơn thì yếu tố khá quan trọng để giúp HS say mê học tập và siêng năng đến lớp là sự thành công của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện - HS tích cực”. Hai tháng trở lại đây việc đưa công cụ thiết kế bản đồ tư duy (BĐTD) vào giảng dạy lại càng tăng thêm sự sôi nổi trong học tập”.
Cả thầy lần trò đều “mê” bản đồ tư duy
Nội dung triển khai phong trào "Xây dựng trường học thân thiện- HS tích cực"
Thấy chúng tôi mê mẩn bên những hình vẽ, hiệu trưởng Mai tươi cười cho biết: “Cả thầy lẫn trò đều mê lắm. Có hôm dù đã hết giờ học nhưng thầy và trò vẫn say sưa “sáng tác”. Trước tinh thần hăng say như vậy Ban giám hiệu cũng “học tập” theo. Phương pháp này có ưu điểm là bắt buộc HS phải học bài thì mới có thể vẽ được, cũng giống như chúng tôi phải nắm vững chủ trương của ngành thì mới tạo ra những BĐTD như các bạn đang xem”.
Thuyết trình "sản phẩm" với những ý tưởng và cách thể hiện khác nhau.
Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, giáo viên bộ môn tâm sự: “Ưu điểm của BĐTD rất lớn đó là hạn chế chữ, chuyển sang các hình thức kênh màu, kênh hình. Chính các yếu tố này đã tạo cho thí sinh hứng thú hơn khi tiếp cận với bài học. Mặc dù mới đưa BĐTD vào giảng dạy khoảng 2 tháng nhưng cá nhân tôi thấy nó khá hiệu quả, được thể hiện qua việc các em tiếp thu nhanh và nhớ bài lâu hơn”.
Kiểu học mới giúp thoát “lối mòn”!
TheoTS.Trần Đình Châu, Giám đốc Dự án phát triển giáo dục THCS 2 (Bộ GD-ĐT) người đã mạnh dạn giới thiệu phương pháp học tập thông qua việc sử dụng BĐTD thì hình thức học này sẽ giúp HS học được phương pháp học, tăng tính độc lập, chủ động, sáng tạo và phát triển tư duy. Giáo viên sẽ tiết kiệm được thời gian, tăng sự linh hoạt trong bài giảng, và quan trọng nhất là sẽ giúp HS nắm được kiến thức thông qua một “bản đồ” thể hiện các liên kết chặt chẽ của tri thức.
Kiểu học mới đã giúp cả thầy lẫn trò thoát khỏi lối "đọc-chép".
“Một số kết quả nghiên cứu cho thấy bộ não của con người sẽ hiểu sâu, nhớ lâu và in đâm cái mà do chính mình tự suy nghĩ, tự viết, vẽ ra theo ngôn ngữ của mình. Vì vậy việc sử dụng BĐTD giúp HS học tập một cách tích cực, huy động tối đa tiềm năng của bộ não” - TS Châu cho biết.
Từ những năm 2006 đến 2009 nhóm nghiên cứu của Dự án THCSII và Viện Khoa học Giáo dục đã ấp ủ, nghiên cứu, thử nghiệm thành công thiết kế bản đồ tư duy (BĐTD) trong dạy học ở một số trường ở Hà Nội, Bắc Giang. Sau đó nhóm nghiên cứu đã “trình làng” kết quả nghiên cứu bằng một đề tài khoa học. Nhiều bài báo khoa học của nhóm nghiên cứu này được công bố ở một số Tạp chí Khoa học và tờ báo chuyên ngành có uy tín đã thu hút sự quan tâm và áp dụng vào dạy học của nhiều giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục khắp cả nước. Thiết kế BĐTD là một phương pháp học tập mới, hiện nay đã có một số trường tham gia Dự án Phát triển giáo dục THCSII và một số giáo viên qua đọc sách, báo cũng đã áp dụng thành công vào dạy học. Nhờ BĐTD, ghi chú bài giảng của giáo viên trở nên linh hoạt, giúp người dạy tiết kiệm được thời gian và công sức, có điều kiện để dạy học sáng tạo. |