Làm thủ tục dự thi và những câu chuyện bi hài
(Dân trí) - Quy định không rõ hoặc thiếu thông tin nên không chỉ thí sinh, phụ huynh và ngay cả giám thị đã vô tình tạo nên những câu chuyện “độc nhất vô nhị” trong ngày đến làm thủ tục dự.
Ngớ người vì… thiếu thông tin
Thí sinh làm thủ tục dự thi vào Trường ĐH Ngoại thương năm 2011,
Tưởng con mình hết đường dự thi, anh chạy ngay đến gặp một cán bộ Hội đồng tuyển sinh đang đi kiểm tra gần đó thắc mắc: “Cháu nó mới chậm nộp tiền lệ phí một tí sau lại không nhận nữa vậy cô?”. “Hôm nay các cháu đến nhận phòng thi và nghe phổ biến quy chế chứ có phải nộp thêm tiền gì đâu” - cán bộ tuyển sinh vui vẻ trả lời.
Khuôn mặt ngơ ngác, anh Thành lẩm bẩm: “Rõ ràng lần trước đưa thằng cả đi thi phải nộp, sao năm nay lại không nhỉ?”. Để tháo gỡ vướng mắc, hoài nghi của phụ huynh này, tôi đành phải nhập cuộc: “Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT thì thí sinh đã đóng lệ phí khi làm nộp hồ sơ ĐKDT nên chỉ đến phòng thi làm thủ tục thôi. Quy định này đã áp dụng từ mùa tuyển sinh năm 2010”. Vỡ ra vấn đề, anh Thành tươi cười bộc bạch: “Tôi có biết gì đâu. Sáng đưa cháu đến trường mà quên đưa tiền. Nhớ ra mới ạôc tốc đi tìm để nộp, ai dè…”.
Nếu như anh Thành phải toát mồ hôi khi phải chạy cầu thang bộ thì một số phụ huynh khác lại có cách xử lý đặc biệt hơn, đó là theo chân con đến tận phòng thi, sau đó một là đứng ngoài cửa, hai là vào phòng ngồi cùng con để nếu có phải nộp sẵn sàng rút tiền ra đưa.
Tại một phòng thi ở tầng 4 khu Giảng đường A của trường ĐH Ngoại Thương, một bác phụ huynh cương quyết không chịu rời khỏi cậu con trai. Tưởng là phụ huynh quá quan tâm đến con cái nên chẳng giám thị nào làm “căng” cứ để cho “thí sinh già” này ngồi cùng. Tuy nhiên đến phút cuối không thấy phải nộp tiền gì, phụ huynh quay sang vặn vẹo cậu con: “Có phải nộp gì đâu. Biết thế lúc con làm thủ tục, bố xuống làm cốc cafe rồi”.
Máy tính cầm tay, chọn cái nào?
Để cho chắc ăn nên trong ngày làm thủ tục thi, một số thí sinh mang theo máy tính cầm tay để đối chiếu với danh sách niêm yết ở phòng thi. Tưởng việc chẳng có gì đáng nói nhưng chứng kiến cảnh thí thí sinh “làm khó” giám thị khiến ai cũng phải phì cười.
Một thí sinh mang đến phòng thi 4 loại máy tính và nhờ giám thị kiểm tra cái nào được phép dùng. Chiếu theo danh sách mà Bộ GD-ĐT giám thị phòng thi loại ra hai và ngay lập tức nhận được sự phản đối của thí sinh vì cho rằng hai loại máy còn lại còn ít chức năng hơn hai loại máy kia.
Rơi vào tình huống khó xử, giám thị đành phải yêu cầu thí sinh đến phòng Hội đồng thi để đánh giá lại. Tuy nhiên Hội đồng thi cũng rơi vào thế khó vì chẳng biết kiểm tra thế nào với lại thí sinh giải thích cũng có cái đúng. Không những thế quy định của Bộ lại còn có thêm dòng “các máy tính có chức năng tương đương”
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi thì hầu hết các Hội đồng thi không lập ra phòng để kiểm tra máy tính của thí sinh. Chính vì thế việc khẳng định máy tính nào dùng được đều phụ thuộc vào danh sách mà Bộ GD-ĐT công bố.
Trước thế chẳng biết phải làm thế nào cán bộ Hội đồng đành phải chữa cháy: “Em dùng loại máy tính mà đã có tên trong danh sách là chắc ăn nhất, dùng loại khác phiền toái lắm”. Thí sinh chỉ biết "ngậm ngùi" nghe theo nhưng tâm trạng lạ khá rối bời.
Một cán bộ làm công tác an ninh tại Hội đồng thi chia sẻ: “Việc kiểm tra danh sách máy tính chỉ mang tính tương tối bởi hiện nay việc vỏ thì đúng quy định còn ruột là cái khác cũng chẳng giám thị nào biết được. Còn khi vào phòng thi yếu tố con người vẫn là trên hết. Nếu có kinh nghiệm và làm nghiêm túc thì chẳng có hành vi gian lận nào qua được mắt giám thị cả”.
Trong khi đó cán bộ tuyển sinh thì lại hiến kế: “Có lẽ Bộ ra để làm sao mà không cần máy tính vẫn làm được. Chứ cứ như hiện nay lắm lúc giám thị cũng lâm vào…thế bí”.
Lướt quy chế, thí sinh mừng hụt
Sau khi làm thủ tục dự thi, một thí sinh cùng anh trai xuống Hội đồng thi Trường ĐH Ngoại thương để xin bổ sung thêm đối tượng ưu tiên. Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, người anh trai thí sinh cho biết: “Bố em bị nhiễm chất độc da cam và vừa được chính quyền cấp giấy xác nhận nên gia đình gửi ra ngay. Em vừa chạy ra bến xe để lấy nên mong nhà trường tiếp nhận và bổ sung đối tượng ưu tiên”.
Nghe qua thì có vẻ khớp với đối tượng ưu tiên 04 của quy chế thi nên cán bộ tuyển sinh yêu cầu nhân viên máy tính làm thủ tục điều chỉnh cho thí sinh. Đang ngẩn ngơ chờ đợi bất ngờ một cán bộ tuyển sinh khác lên tiếng: “Không được rồi, em này không thuộc diện đối tượng ưu tiên. Với giấy này em chỉ được miễn giảm học phí thôi”.
Trước sự ngơ ngác của thí sinh, cán bộ tuyển sinh đành phải trích quy chế và gạch chân dưới hai cụm từ “Con đẻ”, “Là người”. Sau khi nghe phân tích thí sinh làu bàu: “Quy chế viết thế này ai mà chẳng hiểu lầm”.
Theo quy chế tuyển sinh thì con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học là người được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hoá học. Nếu đọc qua thì nhiều thí sinh sẽ lầm tưởng chỉ cần có bố hoặc mẹ bị nhiễm chất độc hóa học là được hưởng quyền ưu tiên tuy nhiên thực tế lại là ngoài quy định về bố mẹ thì bản thân thí sinh cũng bị nhiễm chất độc hóa học thì mới thuộc diện ưu tiên đó.
Cũng vì lý do “đọc lướt” này mà kì thi tuyển sinh năm 2010, một thí sinh dự thi Học viện Ngân Hàng đã nhầm lần và nhờ được hưởng đối tượng ưu tiên nên vừa đủ điểm trúng tuyển vào hệ ĐH. Nhà trường chỉ phát hiện ra sự việc khi làm thủ tục nhập học. Sau khi đối chiếu, nhà trường thấy thí sinh không cố ý nên đã chuyển thí sinh này xuống hệ CĐ vì đủ điểm vào hệ này.
Nguyễn Hùng