Làm thế nào để Việt Nam xây dựng được "chợ công nghệ 4.0" ?
(Dân trí) - Muốn có thị trường KH&CN phải sinh ra các tổ chức trung gian, môi giới công nghệ giữa người dùng và người chế tạo công nghệ. Muốn có thị trường thì Nhà nước phải đầu tư vào ĐH.
Trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, với kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong bối cảnh dịch Covid - 19 đang tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, phải vượt qua nhiều khó khăn, rào cản. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Vũ Văn Tích, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ĐH Quốc gia Hà Nội về những giải pháp giúp Việt Nam có thêm nhiều sản phẩm khoa học có ích, trở thành "chợ công nghệ 4.0" hiện đại.
Phóng viên: Thưa ông, ĐH Quốc gia Hà Nội đã xây dựng xong Chiến lược KH&CN giai đoạn 2021 - 2030. Quá trình xây dựng chiến lược, ông có băn khoăn, trăn trở gì về thực trạng KH&CN ở nước ta?
PGS.TS.Vũ Văn Tích: Hiện chúng ta có khoảng 2.000 tổ chức KH&CN ngoài công lập, gần 1.600 tổ chức KH&CN công lập bao gồm 261 trường ĐH, 141.000 nhà khoa học và khoảng 650.000 doanh nghiệp (DN). Nhưng mối quan hệ giữa DN với trường ĐH và nhà khoa học còn rời rạc, không rõ ràng, chưa tạo thành hệ sinh thái.
Ở nước ngoài, xung quanh các trường ĐH có rất nhiều DN, các công ty công nghệ (spin-off). Tức là các giảng viên/nhà nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm của các trường ĐH có quyền kết hợp với một công ty bên ngoài để thành lập DN spin-off. Và khi trường ĐH làm ra sản phẩm thì ngay lập tức công ty spin-off của họ sẽ đưa sản phẩm đấy ra thị trường, lên sàn giao dịch. Các công ty spin-off đấy còn là nơi để sinh viên thực tập.
Hiện ở Việt Nam chưa có một nơi nào như vậy cả, do đó, chúng ta không có sự kết nối giữa trường ĐH và DN. Nhà nước phải làm sao có cơ chế để vượt qua các quy luật và rào cản thông thường (các quy định với các viên chức không được làm doanh nghiệp), như vậy đầu tư của Nhà nước vào các trường ĐH sẽ giúp cho các trường ĐH và các DN kết hợp với nhau để tạo ra một khoản lợi nhuận lớn hơn và Nhà nước sẽ thu lại được khoản đầu tư thông qua thuế.
Do vậy, chúng tôi mong muốn phải có sự gắn kết chặt chẽ các thành phần này với nhau.
Phóng viên: Ông có thể đánh giá mức đầu tư cho KH&CN của chúng ta? Hiện nay các sản phẩm KH&CN có được ứng dụng nhiều trong cuộc sống không, thưa ông?
PGS.TS.Vũ Văn Tích: Luật quy định chi 2% ngân sách cho KH&CN nhưng mức chi đó, theo tôi vẫn là thấp. Năm 2016, ngân sách chi 10.471 tỷ đồng cho KH&CN; năm 2017 là 11.243 tỷ đồng; năm 2018 là 12.190 tỷ đồng và năm 2019 là 12.825 tỷ đồng. Nói chung mức chi dù tương đối thấp, nhưng ở nhiều địa phương lại không chi hết do không có nhiều nghiên cứu khoa học. Đây là điều đáng phải suy nghĩ.
Thêm nữa, các sản phẩm KH&CN được ứng dụng không nhiều. Nguyên nhân là do chúng ta thiếu cơ chế để liên kết những người sử dụng công nghệ, những người có nhu cầu đầu tư phát triển công nghệ, những người có khả năng tạo ra công nghệ; đồng thời thiếu sự môi giới, thiếu các tổ chức liên kết. Tức là các nhà khoa học từ trước đến nay chỉ biết làm ra các sản phẩm, rồi để sản phẩm ở đấy, chứ không biết cách để đưa sản phẩm ra thị trường.
Phóng viên: Hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển quá mạnh. Ông có đề xuất gì để KH&CN của chúng ta không bị tụt hậu?
PGS.TS.Vũ Văn Tích: Tôi cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra các sản phẩm công nghệ quá thông minh và dễ dàng ứng dụng tới mức mà học sinh cấp 2 cũng có thể lập trình, thậm chí những bà cụ già ở miền núi cũng có thể ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất kinh doanh.
Ví dụ, trên điện thoại có rất nhiều App để người ta có thể kinh doanh online, quản lý và giám sát các hoạt động sản xuất mà ai cũng có thể sử dụng. Vậy thì chiến lược KH&CN của chúng ta sắp tới, nếu đi vào phát triển công nghệ theo tôi nghĩ là khó (chỉ nên đầu tư phát triển một số công nghệ mà chúng ta không thể nhập khẩu).
Thay vào đó cần thúc đẩy câu chuyện ứng dụng công nghệ 4.0 trong toàn dân, để từng người dân biết ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Chúng ta có khoảng 650.000 DN, thay vì họ đầu tư phát triển các công nghệ mới thì nên tính đến câu chuyện ứng dụng công nghệ có sẵn.
Khi đó, Việt Nam có cơ hội để trở thành "chợ công nghệ 4.0". Khi nghiên cứu, xây dựng chiến lược KH&CN của ĐH Quốc gia Hà Nội, chúng tôi rất muốn Nhà nước, Bộ KH&CN cùng các ngành xem xét đẩy mạnh hướng "ứng dụng" đó.
Phóng viên: Vậy làm sao để chúng ta có được thị trường KH&CN, "chợ công nghệ" như ông vừa đề cập?
PGS.TS.Vũ Văn Tích: Muốn có được thị trường KH&CN thì phải sinh ra các tổ chức trung gian, môi giới công nghệ giữa người dùng và người chế tạo công nghệ. Muốn có thị trường thì Nhà nước phải đầu tư vào các trường ĐH, vì đây là nơi sáng tạo nhất và có nhiều nghiên cứu nhất, đặc biệt liên tục có các thế hệ nghiên cứu trẻ là các sinh viên, thường có tính sáng tạo cao nhất.
Ở Mỹ họ đầu tư vào các trường ĐH rất mạnh, kể cả trường công lẫn trường tư, thậm chí Bộ Quốc phòng Mỹ còn đặt hàng các trường ĐH để làm máy bay. Trung Quốc cũng thế, họ đầu tư mạnh vào các trường ĐH để cạnh tranh với Mỹ.
Tôi rất muốn chiến lược KH&CN tới đây của Chính phủ tập ưu tiên đầu tư vào các ĐH lớn. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 bây giờ thì chúng ta càng ứng dụng trong sản xuất kinh doanh bao nhiêu thì càng tự chủ trong hoạt động kinh tế bấy nhiêu, mà không quá phụ thuộc vào thị trường quốc tế.
Nói đến vai trò của các trường ĐH trong việc biến Việt Nam thành một "chợ công nghệ 4.0", tôi muốn lưu ý, các ĐH phải thực hiện đầy đủ theo 4 bước: Từ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng đến nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và nghiên cứu thương mại hóa, mà tôi gọi là mô hình SRIC (Study-Research-Incubator-Comercialize) như các nước đang triển khai.
Đáng buồn là các trường ĐH của chúng ta mới chỉ làm được 2 bước đầu, hầu như không có nghiên cứu thử nghiệm, cũng không có nghiên cứu để thương mại hóa, và kết quả là chúng ta ra nhiều bài báo và sách, trong khi các sản phẩm là sáng chế hay các sản phẩm hoàn chỉnh bán được để các doanh nghiệp nhân rộng đều thiếu vắng, dẫn đến không có thị trường KH&CN.
Vì vậy khoảng trống này đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư và các trường ĐH sẽ tập trung vào 2 phần còn khuyết thiếu.
Phóng viên: Dịch Covid - 19 hiện đã thay đổi "trật tự thế giới", tác động tới mọi mặt của đời sống người dân toàn cầu. Vậy vai trò của KH&CN trong bối cảnh này là gì? KH&CN có tham gia vào giải quyết những vấn đề nóng bỏng do dịch bệnh gây ra không thưa ông?
PGS.TS. Vũ Văn Tích: Tại Việt Nam, KH&CN đã giúp cho việc ngăn chặn dịch bệnh thông qua ứng dụng công nghệ 4.0 để truy vết, cảnh báo…,và sản xuất kít xét nghiệm hay vaccine.
Tuy nhiên, đại dịch Covid - 19 hiện nay chưa có dấu hiệu dừng lại, buộc chúng ta phải tính đến chiến lược "chuyển đổi số".
Chúng ta làm việc trên môi trường số, không cần di chuyển hay tiếp xúc trực tiếp vẫn có thể làm việc, chỉ đạo sản xuất hay giao dịch bình thường. "Chuyển đổi số" cũng đặt ra với KH&CN.
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, vai trò của KH&CN trở nên quan trọng hơn, đó là phải nghiên cứu để tìm ra các mô hình, phương thức để chuyển đổi số cho các DN, tái cơ cấu các tổ chức.
Chúng ta không cần giao lưu trực tiếp với quốc tế mà vẫn có thể bán hàng, tổ chức sản xuất kinh doanh, từng bước đưa nền kinh tế thành nền kinh tế số gắn với xu thế chung của các nước trong khu vực và thế giới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!