Làm thế nào để trúng những học bổng “kếch xù”?

(Dân trí) - Để “săn” được những học bổng lớn của các trường ĐH uy tín thì điều đầu tiên bạn phải có học lực thật xuất sắc, bên cạnh đó nếu bạn có thêm những giải thưởng trong nước thì cơ hội dành học bổng sẽ càng lớn hơn. Tuy nhiên, như vậy vẫn là chưa đủ,…

Theo kinh nghiệm của bạn Hoàng Anh, người đã dành được học bổng trị giá trên 3 tỉ đồng của trường ĐH McGill của Canada ( Năm 2011, McGill được bình chọn là trường ĐH công lập lớn thứ 2 tại Canada và đứng thứ 17 trong top 20 trường ĐH hàng đầu thế giới) thì yếu tố đầu tiên để “săn” được những học bổng lớn là học lực.
 
Với bảng thành tích đẹp, tiếng Anh tốt bạn sẽ được các trường chú ý, tuy nhiên để được nhận học bổng bạn còn phải là người linh hoạt trong cuộc sống, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, các phòng trào,… có phông kiến thức rộng và dành sự quan tâm đến các vấn đề cộng đồng,…

 

Nếu thành tích học tập của bạn xuất sắc mà thiếu các kỹ năng tổng hợp thì bạn sẽ bị đánh giá là “mọt sách” và cơ hội nhận được những học bổng lớn sẽ hẹp hơn. Các trường nước ngoài họ chú trọng đến sự phát triển toàn diện của học sinh, sinh viên, chứ không chỉ là những kiến thức sách vở, Hoàng Anh cho biết! Và cũng nhờ kinh nghiệm của những anh, chị đi trước mà Hoàng Anh đã sớm tích lũy cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trúng được học bổng của trường McGill.


Làm thế nào để trúng những học bổng “kếch xù”?
 Theo kinh nghiệm của Phương, để nộp hồ sơ đi du học sau đại học ở Mỹ, cần có (1) bảng đểm trên lớp, (2) điểm TOEFL hoặc IELTS, (3) điểm GRE, (4) Kinh nghiệm nghiên cứu và (5) thư giới thiệu của thầy, cô. Trong đó, thứ tự quan trọng là (5) = (4) > (1) > (3) > (2).


Còn theo Thanh Phương, cô gái từng được 5 trường ĐH uy tín của Mỹ mời nhập học thì để dành học bổng không phải quá khó, nếu biết kết hợp giữa việc học và tham gia tích cực các hoạt động ngoại khóa: “Các trường đại học nước ngoài rất chú trọng các hoạt động xã hội, ngoài thành tích học tập xuất sắc nếu bạn có thêm các kỹ năng tổng hợp, chắc chắn hồ sơ của bạn sẽ được ưu tiên và để chuẩn bị cho kế hoạch du học bạn hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin về trường mình định đến, ngành mình học, môi trường sống và văn hóa của nước đó”, Thanh Phương chia sẻ!
 
Bên cạnh kinh nghiệm của “săn” học bổng của Hoàng Anh và Thanh Phương, mời các bạn tham khảo thêm kinh nghiệm của Minh Tuấn, du học sinh trường NTU – Singapore nhé: “Mỗi ngày mình không chỉ dành thời gian cho việc học, mà còn sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động vì cộng đồng, các hoạt động ngoại khóa và làm một số công việc ở các trung tâm chăm sóc người tàn tật.
 
Trước đây khi còn học cấp III ở trong nước hè nào Tuấn cũng dành thời gian dạy học cho các em nhỏ của một số trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi, các em nhỏ lang thang cơ nhỡ và khi được học bổng sang đây du học mình cũng tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng du học sinh”.
 
Cũng theo chia sẻ của Minh Tuấn, khi còn học cấp 2, cấp 3 Tuấn đã tham gia vào các chương trình khoa học vui của VTV2. Đây là chương trình giải thích những nguyên lý vật lý,… giải đáp các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực khoa học, đời sống,... Cũng từ đây, Tuấn tích lũy được nhiều hơn  những kiến thức khoa học và biết cách hòa nhập khi làm việc theo nhóm. Những điều này cũng giúp ích không nhỏ cho Tuấn trong việc khai hồ sơ xin học bổng.
 
Với những chia sẻ của những người đi trước như Hoàng Anh, Thanh Phương và Minh Tuấn, chuyên mục Du học báo Dân trí chúc các bạn thu lượm được những phương pháp phù hợp với mình để biến ước mơ thành hiện thực!

Song An