Làm thế nào để học tốt ở bậc ĐH
Chiều 19/9, cuộc tọa đàm với chủ đề “Làm thế nào để học tốt ở bậc ĐH” được Bộ GD-ĐT, Hội SVVN, VTV6 và Công ty Pico phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Buổi tọa đàm có sự tham dự của các thủ khoa kỳ thi tuyển sinh ĐH và thủ khoa “đầu ra” năm 2010.
Biên cho biết em tự học theo sách, đọc rất nhiều lần, bài nào không hiểu mới nhờ thầy cô giảng. Những gì học được, nghe được đều viết ra giấy bởi Biên cho rằng rất nhiều bạn không phải thông minh xuất sắc nhưng do viết kiến thức ra giấy nên nhớ rất lâu, mỗi khi đi thi đều đạt điểm tốt.
Chọn sách với Biên cũng là cả một vấn đề. Kinh nghiệm chọn sách của em là chọn những cuốn trọng tâm, cuốn tác giả diễn đạt dễ hiểu nhất.
Lê Minh Tuấn (29 điểm, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2) cũng cho biết bí quyết là tự học ở nhà kết hợp với học thêm trên lớp, học trên mạng.
Nguyễn Trung Kiên (29 điểm, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) chia sẻ: “Kiến thức của em có được một phần nhờ đọc nhiều sách tham khảo theo chuyên đề. Thầy cô chỉ dạy phương pháp. Việc tự học là rất quan trọng”.
Kinh nghiệm này cũng được Ngô Ngọc Quang (29 điểm, Trường ĐH Y Hà Nội) áp dụng. Quang cho biết tự học phải là chính.
Bên cạnh việc tự làm lại những bài thầy dạy trên lớp, Quang còn làm nhiều bài tập ở sách tham khảo để rèn kỹ năng.
Lê Hồng Nam (29 điểm, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2) cho biết chính thầy chủ nhiệm lớp 12 đã truyền cho Nam và các bạn trong lớp niềm đam mê học tập. Từ đam mê ấy kết hợp với tự đọc sách, tài liệu trên mạng đã giúp Nam có một kiến thức vững vàng trước ngưỡng cửa ĐH.
Nhiều thủ khoa thừa nhận chính kết quả rất cao ở kỳ thi đầu vào đã khiến các em bị áp lực. Làm thế nào để học tốt ở bậc ĐH để không bị các bạn khác nhìn vào “thủ khoa mà học như thế!”? Lê Hồng Nam cho biết em bị áp lực rất lớn khi vào ĐH và đến tận bây giờ vẫn chưa có cách nào hóa giải.
Trần Trọng Biên chia sẻ đã có một đàn anh ở trường kết quả thi ĐH rất cao, học rất tốt nhưng chỉ vì một học kỳ kết quả không như ý muốn, không được nhận học bổng mà bị trầm cảm, phải nhập viện điều trị.
Biên thổ lộ em rất lo nhưng sẽ cố gắng không để cho sự lo lắng lấn át. Thủ khoa này khẳng định kiến thức thu được là quan trọng, còn mục tiêu thủ khoa đầu ra hay du học nước ngoài thì chưa tính đến. Nguyễn Trung Kiên cũng cho biết áp lực thủ khoa đang đặt lên vai nặng trĩu.
Để hóa giải những lo lắng, áp lực của một tân thủ khoa, Nguyễn Duy Sơn (thủ khoa đầu ra năm 2010 của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng cần phải học như một nhà khoa học để có sự đam mê với kiến thức, học như một nhà du hành vũ trụ để luôn theo đuổi sự chính xác trong học tập, học như một công nhân phải cần cù, tỉ mỉ.
Cần mục tiêu để tạo động lực
Chia sẻ với các thủ khoa trẻ về kinh nghiệm học tiếng Anh để giành học bổng du học nước ngoài, Bùi Thanh Hương (thủ khoa đầu ra năm 2010 của Học viện Ngân hàng) cho rằng cần phải có một mục tiêu để tạo nên động lực. Ban đầu có thể chỉ là đọc một vài cột ngắn trên một số tờ báo, tạp chí bằng tiếng Anh, sau đó dần tiến tới đọc tài liệu chuyên ngành. Hương cho biết cô thường xuyên tìm đọc diễn văn của những người nổi tiếng như Bill Gates, Tổng thống Mỹ Obama... sau đó ghi ra giấy và học hỏi được ở đó rất nhiều kiến thức thú vị.
Bùi Thanh Hương tại buổi lễ trao bằng tốt nghiệp của Học viện Ngân hàng ngày 23/7/2010. |
Theo Người Lao Động