Làm sao hạn chế rủi ro khi tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa?

Liên tiếp những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra khi học sinh hoạt động ngoại khóa, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về đảm bảo an toàn cho học sinh đối với các trường và đơn vị tổ chức.

Làm sao hạn chế rủi ro khi tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa? - 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Báo động tình trạng mất an toàn của hoạt động ngoại khóa

Gần đây, vụ việc thương tâm khiến hai học sinh tử vong khi đi ngoại khóa, một học sinh đuối nước ở Bình Dương và một học sinh Hà Nội thiệt mạng liên quan vụ tàu lượn siêu tốc gặp sự cố khiến phụ huynh học sinh vô cùng lo lắng.

Hiện nay là thời điểm các trường học đã sơ kết học kỳ 1 và tổ chức cho học sinh đi dã ngoại. Đây là hoạt động bổ ích nằm trong chương trình giáo dục nhằm giúp các em học sinh có thêm kiến thức từ thực tế.

Nhưng chỉ trong ngày 14/1 có hai học sinh tử vong trong các hoạt động ngoại khóa, một học sinh đuối nước tại hồ bơi khu du lịch ở Bình Dương và một học sinh thiệt mạng liên quan vụ tàu lượng siêu tốc gặp sự cố ở Phú Thọ.

Sáng ngày 13/1, Trường Tiểu học Âu Dương Lân (Quận 8, TP.HCM) tổ chức cho 400 học sinh đi ngoại khóa tại khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương). Không may, một học sinh nam lớp 4 rơi xuống vùng biển nhân tạo (khu vực dành cho học sinh tiểu học).

Sau khi được phát hiện và đưa lên bờ, nam sinh được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) điều trị. Đến tối 14/1, em này tử vong.

Cũng trong ngày 14/1, tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), tàu lượn đang trong quá trình vận hành thì bất ngờ một khoang chở khách rơi ra khỏi đường ray.

Sự cố khiến ba học sinh THPT ở huyện Đông Anh (Hà Nội) đang tham gia hoạt động dã ngoại do nhà trường tổ chức tại đây gặp nạn. Trong đó, một học sinh bị đập đầu xuống nền bê tông bất tỉnh, tuy được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi, hai em còn lại bị thương.

Đáng chú ý, vào năm 2014, tại Đảo Ngọc Xanh cũng từng xảy ra tai nạn gần như tương tự. Lúc đó, 12 học sinh của một trường THCS ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) đang chơi trên đu quay thì hệ thống máy bị vỡ ti-ô thủy lực, không thể tiếp tục nâng lên cao. Chiếc đu quay rơi tự do xuống đất ở độ cao 2 mét, khiến 12 học sinh đang ngồi trên đó hoảng loạn, 6 em phải nhập viện.

Hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường là quyền lợi của học sinh và đem đến sự trải nghiệm của học sinh. Những hoạt động ngoại khóa này là theo chương trình của nhà trường đã được Sở GD&ĐT cấp phép.

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội tất cả các trường muốn tổ chức hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường cho học sinh phải có tờ trình, đề án có chương trình hoạt động rõ ràng, đơn vị phối hợp, địa điểm tổ chức và ý kiến phụ huynh học sinh.

Làm sao hạn chế rủi ro khi tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa? - 2

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đảm bảo an toàn cho học sinh đi ngoại khóa

Một vài năm gần đây, không ít trường chọn những khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng để cho các em đi dã ngoại. Các em học sinh đều trong độ tuổi nghịch ngợm, hiếu động, nhiều em thiếu kỹ năng xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm nên nguy cơ xảy ra thương tích, tai nạn trong chuyến đi là khá cao.

Hơn nữa, việc quản lý, chăm sóc các em trong những chuyến đi thường là cô giáo chủ nhiệm, vài phụ huynh cùng nhân viên khu du lịch - nhưng lớp đông nên không thể quản xuể.

Hoạt động ngoại khóa là những hoạt động không thể thiếu trong chương trình giáo dục. Nếu tổ chức tốt, những chuyến đi này sẽ tạo cho học sinh nhiều trải nghiệm, giúp cho việc học tập tốt hơn. Tuy nhiên, các trường phải đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn cho học sinh khi tổ chức hoạt động ngoại khóa.

Ông Hoàng Trọng Tuấn (Công ty du lịch Sao Kim) khuyến cáo, để hạn chế rủi ro trong các chuyến đi ngoại khóa, các trường nên lựa chọn các địa điểm tham quan không quá xa, địa hình bằng phẳng, đi lại thuận tiện, không nên đưa học sinh đến các khu vực tiềm ẩn nguy hiểm.

Trước khi đưa học sinh đi ngoại khóa, các trường cần lên phương án bảo đảm an toàn giao thông, tổ chức sơ cứu, cấp cứu, mua bảo hiểm đầy đủ cho học sinh. Các thầy cô cần điểm danh thường xuyên tránh tình trạng học sinh bị bỏ lại, bị lạc hay gặp sự cố.

"Các trường nên lựa chọn những công ty tổ chức uy tín, có đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, có hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động tập thể và có kỹ năng cứu hộ, quản lý học sinh", ông Tuấn đưa ra lời khuyên.

Bên cạnh đó, TS.BS.Nguyễn Thị Tuyết Minh (Trung tâm nghệ thuật Atelier Minh) cho rằng cần rèn kỹ năng cho học sinh như tuân thủ quy định tập thể, tự phục vụ, kỹ năng xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm.

Phụ huynh cần phối hợp nhà trường trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về tai nạn thường gặp như tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc thực phẩm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm