Tư vấn tuyển sinh:
Làm sao để đạt điểm cao phần nghị luận xã hội?
(Dân trí) - Có quy định cứng về phần nghị luận xã hội trong đề thi văn? Thủ tục sơ tuyển vào khối trường công an ra sao? Chưa có bằng tốt nghiệp THPT thì có được tiếp tục dùng giấy chứng nhận tạm thời? Có thể xin dấu xác nhận tại trường đang học?...
(Ảnh: Việt Hưng)
*Trả lời:
Theo cấu trúc đề thi ĐH, CĐ thì ở phần Nghị luận xã hội không viết quá 600 từ. Tuy nhiên đây không phải là quy định quá cứng nhắc bởi tùy thuộc vào cách diễn đạt, ý tưởng của người viết mà người chấm thi phải “mềm dẻo” theo.
Theo Ban tư vấn thì với chương trình phổ thông hiện nay viết một bài nghị luận từ 800-1000 từ là hơi khó. Sở dĩ nhiều thí sinh viết quá 600 từ chủ yếu là do lặp ý, hoặc định hướng sai so với câu hỏi.
Để làm một bài nghị luận xã hội tốt thì sau khi mở bài ở phần thân bài em đi thẳng vào giải thích tư tưởng, đạo lí cần nghị luận (nêu các khía cạnh nội dung của tư tưởng, đạo lí này).
Phân tích, chứng minh, bình luận các khía cạnh; bác bỏ, phê phán những sai lệch (nếu có). Khẳng định chung, nêu ý nghĩa, liên hệ thực tế, rút ra bài học nhận thức và hành động. Lấy dẫn chứng minh họa (ngắn gọn, tiêu biểu, dễ hiểu).
Ở phần kết bài thì em tóm tắt các ý, nhấn mạnh luận đề đã nêu ở đầu bài nhằm chốt lại bài viết hoặc dẫn thơ, văn để mở rộng, gợi ý thêm cho người đọc về vấn đề đang bàn luận.
Theo quy định của Bộ công an thì thí sinh muốn dự thi vào khối các trường công an thì bắt buộc phải tham gia sơ tuyển tại công an tỉnh/thành phố nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú.
Theo Ban tư vấn được biết thì thí sinh muốn tham gia sơ tuyển thì trước tiên phải liên hệ với công an Huyện nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú để nắm thông tin và ghi danh tham gia sơ tuyển. Sau đó đi mới xuống công an tỉnh/thành phố sơ tuyển.
Thời gian đăng ký sơ tuyển thì tùy thuộc vào từng địa phương. Tuy nhiên thời gian đăng ký sơ tuyển thường bắt đầu vào đầu tháng 3 hàng năm. Để có thông tin chính xác nhất em nên liên hệ trực tiếp với công an quận/huyện nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú nhé.
Em đang là sinh viên đại học nhưng muốn thi lại đại học. Trong trường hợp em chưa có bằng tốt nghiệp thì có thể sử dụng giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời của năm vừa rồi không? Nếu đến gần ngày thi mà em mất CMTND thì phải làm sao? Có giấy tờ pháp lý nào có thể thay thế không? (giangphongs@gmail.com)
Đến thời điểm này mà em chưa có bằng tốt nghiệp cũng là vấn đề cần quan tâm. Em nên chủ động liên hệ với trường THPT trước đó để tìm hiểu nguyên nhân vì sao đến thời điểm này chưa có bằng (theo quy định thì giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời có giá trị tối đa là 6 tháng).
Nếu việc chưa có bằng xuất phát từ phía Sở GD-ĐT địa phương thì khi dự thi ĐH em phải có xác nhận của Sở về việc chưa cấp bằng. Sau khi có giấy này em đến làm thủ tục và dự thi bình thường. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục dự thi em bắt buộc phải viết giấy cam đoan.
Đối với kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì giấy chứng minh thư nhân dân không phải là bắt buộc. Chỉ trong các trường hợp đặc biệt thì mới yêu cầu xuất trình CMT để đối chiếu kiểm tra. Nếu em bị mất CMT thì hoàn toàn có thể dùng các giấy tờ có dán ảnh hợp lệ khác để thay thế.
Việc xác nhận trên hồ sơ ĐKDT nhằm cơ sở để thừa nhận những thông tin cá nhân khai trên hồ sơ là đúng sự thật. Khi có vấn đề xảy ra thì đơn vị xác nhận (đơn vị phải có tính pháp nhân ) phải có trách nhiệm để cùng giải quyết.
Chính vì thế việc em xin dấu xác nhận tại địa phương hay tại trường mình đang theo học thì đều được cả. Tuy nhiên theo Ban tư vấn được biết thì các trường ĐH, CĐ không bao giờ xác nhận hồ sơ dự thi cho sinh viên
Năm nay em học lớp 12, em dự định sẽ thi đại học ngoại ngữ ngành Tiếng anh Thương Mại. Em được biết tiếng anh nhân hệ số 2. Nếu em không đủ điểm vào ngành tiếng anh thương mại thì em có thể chuyển xuống ngành khác mà em đủ điểm được không? chẳng hạn khoa Tiếng trung, Tiếng Nhật? (trangkieumono92@gmail.com)
Do em không nói rõ trường ĐH Ngoại Ngữ nào đề rất khó để Ban tư vấn trả lời. Hiện nay có trường ĐH Ngoại Ngữ-ĐH Quốc gia HN; ĐH Ngoại Ngữ-ĐH Đà Nẵng; ĐH Ngoại Ngữ-ĐH Huế… Đối với mỗi trường như vậy thì có hình thức xây dựng điểm chuẩn khác nhau.
Về cơ bản em chỉ cần để ý điều này thì sẽ trả lời được câu hỏi của mình: Nếu trường nào lấy điểm chuẩn theo ngành thì thí sinh đăng ký vào ngành nào chỉ được xét tuyển vào ngành đó. Thí sinh trượt ngành ĐKDT đồng nghĩa với việc trượt NV1.
Nếu trường nào lấy điểm chuẩn theo sàn kết hợp với điểm chuẩn ngành thì khi em trượt ngành ĐKDT sẽ được chuyển xuống các ngành khác cùng khối thi, còn chỉ tiêu và có điểm chuẩn thấp hơn.
Em muốn hỏi: Những năm trước ĐH Sư phạm HN không nhân đôi môn Tiếng Anh, nhưng năm vừa rồi lại nhân.Vậy việc nhân đôi này có giúp giảm bớt về điểm đầu vào không? Vì nếu không nhân đôi thì mỗi môn phải tầm 8 điểm mới đỗ. Em muốn thi sư phạm Anh nhưng điểm khá cao. Vậy em có thể thi trường nào điểm không quá cao mà ra trường vẫn có thể dạy Anh cấp 3 (em thi thử được 20 điểm chưa nhân tiếng anh)? Nếu không đỗ SP Anh em có thể ghi nguyện vọng 2 sang SP Văn của ĐH Sư phạm hay không?(cobemuadong.1912@gmail.com)
Trước hết em nên nhớ điều này, sở dĩ các chuyên ngành ngoại ngữ nhân hệ số môn Tiếng Anh là muốn tuyển chọn thí sinh đầu vào có trình độ ngoại ngữ tốt. Cách làm này nhằm trách tình trạng thí sinh trúng tuyển vào trường nhưng lại có kỹ năng ngoại ngữ kém dẫn đến việc đào tạo không hiệu quả.
Để cho em hiểu bản chất vấn đề, Ban tư vấn xin đưa ra một ví dụ cụ thể:
Nếu hai thí sinh cùng dự thi khối D vào một ngành ngoại ngữ nào đó có điểm thi lần lượt là 10, 7, 3 (thí sinh 1) và 6, 5, 7 (thí sinh 2). Điểm các môn lần lượt là Toán, Văn, Anh.
Nhìn qua điểm thi này thì nếu chỉ tính hệ số một và điểm chuẩn vào trường là 19 thì rõ ràng thí sinh 1 sẽ trúng tuyển vào trường còn thí sinh 2 không trúng tuyển. Tuy nhiên do điểm thi đầu vào môn ngoại ngữ thấp nên chưa chắc thí sinh 1 đã học tốt ngành này.
Trường hợp ngược lại, môn ngoại ngữ nhân hệ số 2 và điểm chuẩn là 24 thì rõ ràng thí sinh 2 lại trúng tuyển (đạt 25 điểm) còn thí sinh 1 lại không trúng tuyển (đạt 23 điểm). Với việc thi đầu vào môn ngoại ngữ cao thì khả năng thí sinh 2 học ngành này sẽ hiệu quả hơn.
Qua đó cho thấy, mỗi ngành học cần có một năng khiếu nhất định. Chính vì thế mà các trường thường nhân đôi hệ số môn ngoại ngữ đối với các chuyên ngành ngoại ngữ nhằm tuyển được những thí sinh thực sự phù hợp với ngành học.
Do đó khi xác định dự thi vào ngành ngoại ngữ em cần phải đánh giá lại môn ngoại ngữ của mình như thế nào để tránh tình trạng điểm 2 môn Toán, Văn cao nhưng vẫn trượt.
- Trên thực tế để trở thành giáo viên thì không nhất thiết em phải học ở các trường sư phạm mà có thể học hệ cử nhân của các trường khác vừa với sức học của mình. Sau khi tốt nghiệp muốn tham gia hoạt động sư phạm thì em chỉ cần học thêm lớp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên với cách thực hiện như vậy thì khả năng xin việc của em sẽ khó hơn một chút so với những bạn học sư phạm một cách bài bản.
- Em cũng cần lưu ý điểm này: để tham gia xét tuyển NV2 hay NV3 thì ngành lựa chọn phải có cùng khối em dự thi. Đối với các ngành ngoại ngữ thì thi tuyển đầu vào ở khối D, còn ngành Văn học lại thi đầu vào bằng khối C. Chính vì thế chuyện em nói ở trên là không thể xảy ra được.
Ban tư vấn tuyển sinh