Làm khoa học thiếu… khoa học!

(Dân trí) - Chuyện <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/De-tai-khoa-hoc-treo-gan-10-nam-moi-bao-cao/2008/8/247621.vip">một đề tài khoa học “treo” gần 10 năm</a> mới chịu báo cáo mà Dân trí từng đề cập chỉ là “hiện tượng”, nhìn lại 10 năm làm khoa học bằng tiền ngân sách ở Thừa Thiên - Huế còn có nhiều chuyện đáng giật mình hơn.

Những cách làm khoa học “lạ”

 

Năm 2001, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh được duyệt giao đề tài khoa học “Thử nghiệm biện pháp phi hóa học để phòng trừ và hạn chế cỏ tranh trên đất đồi tỉnh Thừa Thiên -Huế”, với kinh phí được cấp từ ngân sách 116 triệu đồng.

 

Nhưng lạ lùng là sau khi nhận đề tài, đơn vị nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm bằng thuốc Glyphosate, một loại hóa chất đã từ lâu được sử dụng đặc trị cỏ tranh, để nghiên cứu. Kết quả, đơn vị nghiên cứu kết luận: thuốc Glyphosate có khả năng trừ cỏ tranh hiệu quả! Và công trình này đã được Hội đồng khoa học (HĐKH) nghiệm thu như thường. Cũng như HĐKH của các đề tài khác, Hội đồng này cũng có tới cả chục người, một nửa là của cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị liên quan, một nửa các nhà khoa học trong lĩnh vực chuyên môn nghiên cứu.

 

Hay như công trình “Nghiên cứu một số yếu tố tác động đến khả năng sinh trưởng và phát dục của đàn bò nhập nội giống Drough-Master và Brahman” của Công ty Giống cây trồng và Vật nuôi trong khi đang tiến hành thì các hộ dân nuôi thử nghiệm bò này đồng loạt mang bò trả lại vì không có hiệu quả kinh tế, bò không thích nghi với điều kiện khí hậu. Thành thử, một công trình nghe rất hoành tráng đã bị dừng giữa chừng vì không có “mảnh đất thực tế”.

 

Các đề tài này chỉ là số ít trong số 162 đề tài sử dụng ngân sách được nghiệm thu trong 10 năm từ 1998-2007. Qua 10 năm, trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 216 đề tài khoa học được thực hiện, trong đó 162 đề tài đã nghiệm thu và chỉ có 101/162 đề tài được áp dụng. Như vậy, ngoài các đề tài buộc phải dừng giữa chừng hoặc không triển khai, hơn 50 đề tài nghiên cứu nghiệm thu xong rồi… để đó.

 

Nguyên nhân là do công tác ứng dụng KHCN chưa được chú trọng, hàng năm chưa có kinh phí ứng dụng nhân rộng nên kết quả chỉ dừng lại ở mức mô hình. Một số công trình chuyển giao sản phẩm bằng hình thức hội nghị, hội thảo nên đối tượng tiếp cận hạn chế, còn các ấn phẩm KHCN thì chỉ ghi dạng tóm tắt.

 

Một thực trạng khác được nêu ra là nhiều đề tài dự án có hiệu quả thấp, ít ứng dụng trong thực tế (đối với các đơn vị trong tỉnh) hoặc nặng lý thuyết, thiếu tĩnh thực tiễn (với các đơn vị ngoài tỉnh). Nhưng các HĐKH vẫn thông qua đề xuất, thậm chí có trường hợp đề xuất quá sơ sài thì HĐKH lại “sắm vai” Hội đồng tư vấn để “tìm hướng” duyệt. Sau đó, không có công trình nào hoàn thành mà không được nghiệm thu cả.

 

Trong một báo cáo mới đây của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, ông Trưởng ban Nguyễn Văn Bòn khẳng định: có nhiều HĐKH vì tâm lý duy tình, cả nể hoặc lo ngại không thu hồi được kinh phí đã cấp nên đành “khoát tay” cho qua.

 

Thu hồi kinh phí: Bài toán khó giải!

 

Để làm rõ việc sử dụng ngân sách Nhà nước để nghiên cứu, thử nghiệm KHCN trong giai đoạn 1998-2007, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa yêu cầu thanh tra của liên sở Khoa học - Công nghệ - Tài chính - Tư pháp vào cuộc để tìm hiểu trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân gây thất thoát ngân sách.

Theo thống kê của tỉnh, trong số hơn 30 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh đã cấp để thực hiện các đề tài, kinh phí phải thu hồi là 2,15 tỷ nhưng thực tế chỉ mới thu được gần 1,4 tỷ đồng và việc thu nốt số còn lại đang gặp không ít khó khăn.

 

Các đơn vị thực hiện có 1001 lý do để chây ì, xin khất hoặc “im lặng” với khoản thu hồi này. Đơn cử, dự án thử nghiệm nuôi cá rô phi cao sản trên 5 tấn/ha của công ty XNK hải sản Sông Hương cần thu hồi 98 triệu đồng vào tháng 11/2001 nhưng đến nay tỉnh vẫn “trắng tay” vì lý do rất chính đáng: doanh nghiệp đã… phá sản. Báo cáo của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND cũng cho biết, một số doanh nghiệp khác như Cty Cao su Thừa Thiên - Huế, Cty TNHH Đại Dương biện lý do thua lỗ, không chịu nộp kinh phí thu hồi.

 

Một số công trình khác khi đang thực hiện thì bị lũ nên cơ quan thực hiện đành “cắn răng” xin tỉnh xóa nợ, nhưng lý do “thú vị” nhất mà đơn vị chủ trì công trình “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú năng suất cao” (Trung tâm khuyến ngư tỉnh) đưa ra là chủ hộ nuôi thử nghiệm đột tử, còn cán bộ kế toán đã… về hưu! Ngoài ra, nhiều công trình do tiến độ kéo dài, quá kỳ hạn tới hàng năm trời nên đến nay vẫn chưa có sản phẩm để thu hồi vốn theo quy định.

 

Để có được 1,4 tỷ đã thu hồi, Sở KH-CN đã nhiều phen phải “linh động” bằng cách làm trái quy định của Nhà nước. Theo quy định, sở phải cấp phát đầy đủ kinh phí cho các đơn vị thực hiện đề tài rồi thu hồi từ việc bán sản phẩm KHCN, nhưng Sở này lại khấu trừ luôn kinh phí thu hồi trong quá trình cấp phát.

 

Như đề tài “Thử nghiệm sản xuất một số sản phẩm pháp lam mỹ thuật” của XN sản xuất gốm cổ Huế dự kiến kết thúc tháng 10/2006 với kinh phí 247 triệu và sẽ thu hồi 186 triệu đồng. Nhưng sở KH-CN chỉ cấp 50 triệu đồng, khấu trừ thẳng 150 triệu đồng khiến đề tài thiếu vốn, đến nay vẫn chưa thể quyết toán và 36 triệu cần thu hồi nốt cũng vì thế mà nan giải. Thực tế, việc thu hồi kinh phí nhiều đề tài chỉ mang tính “bình mới, rượu cũ”, bởi kinh phí chỉ chuyển từ tài khoản cấp phát sang tài khoản tiền gửi của sở KH-CN chứ chưa bao giờ được rót ra ngoài.

 

Tại kỳ họp HĐND mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách đánh giá: việc nghiệm thu, thanh toán, xử lý các đề tài dừng giữa chừng trong nhiều trường hợp thiếu chặt chẽ, không đúng thỏa thuận trong hợp đồng của sở và các đơn vị thực hiện. Còn ông Đỗ Nam, Giám đốc sở KH-CN thì cho rằng, những tồn tại trong việc nghiêm cứu, thử nghiệm KHCN sử dụng ngân sách là do “hệ thống văn bản pháp quy chưa đầy đủ, không đồng bộ”.

 

Hồng Kỹ