Làm gì khi con bạn nghiện chơi game?
(Dân trí) - Nhiều bậc phụ huynh vô cùng lo lắng khi thấy con mình ngồi hàng giờ bên máy tính, điện thoại để chơi game. Mối lo đó là hoàn toàn có cơ sở khi mà ngày càng có nhiều trẻ em nghiện game.
Dấu hiệu trẻ nghiện chơi game
Nếu con bạn dành nhiều giờ để chơi trò chơi điện tử mỗi ngày, chắc chắn bạn sẽ lo lắng rằng con có thể bị nghiện game.
Nghiện game là có thật và hiện đã được phân loại là một căn bệnh trong bảng phân loại bệnh tật quốc tế của tổ chức y tế thế giới.
Nếu bạn lo lắng về việc chơi game của con mình, cách phân loại mới này sẽ giúp bạn xác định xem con có thực sự nghiện trò chơi điện tử hay không và bạn có cần trợ giúp chuyên môn hay không.
Thực ra, nghiện chơi game không chỉ là vấn đề của trẻ em. Nó có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi: Trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Tình trạng này không chỉ được xác định bởi việc chơi game quá nhiều hay quá lâu mà là việc chơi game đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của một người như thế nào. Một người được cho là nghiện game khi có cả ba triệu chứng sau trong ít nhất 12 tháng:
* Mất kiểm soát khi chơi game
* Ưu tiên chơi game hơn tất cả các hoạt động và sở thích khác
* Liên tục chơi game bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, học tập, cuộc sống gia đình, sức khỏe, vệ sinh, các mối quan hệ và tình hình tài chính.
Giống như các chứng nghiện khác có thể chẩn đoán được, nghiện game là một tình trạng sức khỏe tâm thần cực kỳ nghiêm trọng và chỉ ảnh hưởng đến 0,003 đến 1% số người tham gia vào các trò chơi điện tử. Tuy nhiên, dù tỷ lệ này là khá thấp nhưng số người mắc phải cũng không hẳn là ít.
Không phải ai cũng đồng ý rằng nghiện game là bệnh. Chứng nghiện game vẫn còn đang được tranh luận sôi nổi và hiệp hội tâm thần học Mỹ vẫn chưa cảm thấy thuyết phục khi coi đây là bệnh.
Họ phân tích rằng, vấn đề của người thích chơi game thường xảy đến cùng với các yếu tố khác như sự cô đơn hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm. Vì thế họ cho rằng, chơi game có thể là một biểu hiện của những bệnh kể trên.
Vấn đề thứ hai đối với hiệp hội tâm thần học Mỹ là họ cho rằng, thiếu bằng chứng và nghiên cứu mạnh mẽ để chứng minh rằng đam mê game là một chứng nghiện theo đúng nghĩa của nó.
Làm thế nào để điều trị chứng nghiện chơi game?
Ý nghĩa quan trọng của việc phân loại "bệnh nghiện game" là đưa ra hướng điều trị cho các chuyên gia y tế. Tuy nhiên các kế hoạch điều trị chứng bệnh nghiện chơi game dựa trên nghiên cứu cũng chỉ mới đang ở giai đoạn sơ khai.
Một cuộc khảo sát của các bác sĩ tâm thần ở Australia và New Zealand cho thấy chỉ có 16,3% số người được hỏi cảm thấy tự tin trong việc kiểm soát chứng bệnh này.
Về cơ bản, việc điều trị chứng nghiện game thường bao gồm tập trung vào tìm hiểu hoàn cảnh của người chơi game và cho người đó học về các hành vi mới.
Điều trị nghiện game thường bao gồm các buổi trị liệu với một chuyên gia tư vấn. Các buổi điều trị có thể là cá nhân, theo nhóm hoặc cùng với gia đình.
Mỗi buổi điều trị có một trọng tâm khác nhau. Ví dụ: Các buổi trị liệu gia đình tập trung vào việc khám phá và giải quyết các vấn đề trong gia đình bệnh nhân, tìm ra nguyên nhân sâu xa khiến bệnh nhân nghiện game.
Phương pháp điều trị phổ biến thứ hai là liệu pháp điều trị hành vi nhận thức. Phương pháp này được sử dụng để điều trị nhiều rối loạn tâm thần, chẳng hạn như rối loạn sử dụng chất kích thích, trầm cảm và lo lắng. Người trị liệu sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân những cách khác nhau để suy nghĩ, cư xử và phản ứng với các tình huống căng thẳng.
Các phương pháp điều trị khác được chứng minh là có một số thành công bao gồm điều trị bằng nghệ thuật và tập thể dục. Ngoài ra, các nhà khoa học còn đang nghiên cứu, tìm ra loại thuốc phù hợp.
Kế hoạch điều trị nghiện game cũng được thiết kế theo nhu cầu của cá nhân. Nó có thể bao gồm một loạt các buổi điều trị tâm lý với phương pháp điều trị được điều chỉnh phù hợp với độ tuổi của người đó, đức tin, tình trạng nghề nghiệp của họ hoặc các yếu tố quan trọng khác. Tuy nhiên không có phương pháp điều trị nào có thể khẳng định tỷ lệ thành công 100%.
Mẹo quản lý việc chơi game của con
Không phải mọi "game thủ" đều được chẩn đoán là mắc chứng nghiện game nhưng thói quen chơi game của một đứa trẻ có thể gây ra sự lo lắng đáng kể cho các bậc cha mẹ.
Đa số các ông bố bà mẹ sợ rằng con họ đang dành quá nhiều thời gian cho các trò chơi điện tử, phản kháng với bố mẹ khi được yêu cầu dừng chơi game hoặc việc chơi game đang đưa con họ đến một lối sống không lành mạnh, mất cân bằng.
Một số mẹo dành cho các bậc cha mẹ:
* Các bậc cha mẹ nên thường xuyên khuyến khích con tập thể dục thể thao và hoạt động thể chất. Lối sống năng động có thể làm tăng nồng độ serotonin trong máu. Serotonin tác động đến mọi bộ phận của cơ thể, từ cảm xúc đến kỹ năng vận động và được xem là một chất ổn định tâm trạng tự nhiên.
* Hãy hỏi con bạn về những gì làm chúng thích thú khi chơi game và tại sao chúng muốn chơi game thường xuyên. Câu trả lời của con cái sẽ giúp bạn xác định được rằng, có thể con mình đang phải đối mặt với những vấn đề khác và vì thế, chúng chơi game như một lối thoát.
* Khi bạn yêu cầu con dừng chơi game, hãy đảm bảo chúng có một hoạt động khác để chuyển sang ngay lập tức, chẳng hạn như đi chơi cùng gia đình hoặc ăn tối. Ngoài ra khi yêu cầu con dừng chơi game, hãy cho trẻ thời gian để kết thúc trò chơi.
Việc liên tục bị yêu cầu dừng chơi giữa chừng có thể khiến con bạn bực bội và dẫn đến tranh cãi. Hãy hỏi con cần bao lâu nữa để kết thúc trò chơi và đảm bảo rằng chúng sẽ dừng chơi ngay khi trò chơi kết thúc.
Trò chơi điện tử là một phần trong cuộc sống của nhiều người trẻ tuổi trong xã hội ngày nay và điều quan trọng là phải hướng dẫn cho giới trẻ các phương pháp tiếp cận lành mạnh và cân bằng khi chúng càng ít tuổi càng tốt.