Làm gì để tránh "ngày tốt nghiệp là ngày thất nghiệp"?

Trịnh Trang

(Dân trí) - Để tránh tình trạng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp, ngay tại thời điểm đăng kí xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ các bạn thí sinh cần phải nắm rõ 4 quy tắc.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp trường ĐH,CĐ rơi vào tình trạng "ngày tốt nghiệp là ngày thất nghiệp" vì vấp phải thất bại trong lần đầu đi xin việc. Đó là tâm trạng chán nản của rất nhiều tân cử nhân hiện nay khi bước vào đời sau 4 năm ngồi trên ghế nhà trường.

Lần đầu xin việc, nhiều sinh viên đã thực sự vỡ mộng khi tấm bằng đại học của mình không đáp ứng đủ yêu cầu của nhà tuyển dụng và đành phải chấp nhận ở nhà chờ việc, hoặc làm việc lương thấp tại các khu công nghiệp, hay chọn lao động tay chân để trang trải cuộc sống. Thực tế trên đang phần nào gây bối rối cho nhiều bạn học sinh, sinh viên và cả các bậc phụ huynh trong việc quyết định tương lai con em mình.

Làm gì để tránh ngày tốt nghiệp là ngày thất nghiệp? - 1

Nỗi lo "thất nghiệp sau khi tốt nghiệp" không dành riêng cho các tân cử nhân. Vấn đề này cũng khiến các học sinh trước thềm đăng ký dự thi kỳ thi THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường CĐ - ĐH năm 2021 phải quan tâm.

Trước tình trạng này, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp & tuyển sinh Nguyễn Quốc Cường (Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM) đưa ra 4 nguyên nhân để các thí sinh, học sinh tham khảo trước thềm tuyển sinh năm 2021 đang đến gần.

Thiếu định hướng nghề nghiệp trước khi học

Thiếu định hướng nghề nghiệp trước khi đăng ký theo học tại các trường ĐH,CĐ là nguyên nhân đầu tiên. Theo ông Nguyễn Quốc Cường, việc hướng nghiệp không phù hợp, dẫn đến xác định sai ngành học.

Ở Việt Nam, việc chọn nghề phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của các bậc phụ huynh. Với tâm lý luôn muốn che chở, bao bọc con, các bậc cha mẹ thường thiên về những ngành "an toàn", mang lại danh tiếng như kỹ sư, bác sĩ, công chức nhà nước… Một số bạn trẻ còn có xu hướng chạy theo các nghề "hot" để theo kịp bạn bè, chứ không thực sự vì đam mê và đúng sở trường.

Làm gì để tránh ngày tốt nghiệp là ngày thất nghiệp? - 2
Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp và tuyển sinh Nguyễn Quốc Cường.

Học thụ động

Chính vì chọn ngành không phù hợp, các bạn sinh viên dễ rơi vào tình trạng thụ động, lười tìm kiếm thêm thông tin. Học thụ động là cách học lỗi thời, chờ đợi kiến thức từ giáo viên đưa xuống, không chuẩn bị cho môn học, và dĩ nhiên lười áp dụng bài học vào cuộc sống.

Với cách học này, sinh viên không những không nắm được kiến thức, mà còn quen với tính cách lười nhác, thiếu chủ động trong tất cả các công việc sau này. "Rõ ràng, sẽ không có nhà tuyển dụng nào lại muốn bỏ tiền ra để mời một nhân viên máy móc, lười nhác, và không có tinh thần cầu tiến về làm việc" - Chuyên gia tư vấn tuyển sinh nhấn mạnh.

Tiếng Anh hạn chế

Một trong các lý do tạo nên làn sóng "cử nhân thất nghiệp" chính là vấn đề tiếng Anh. Chúng ta đều biết tiếng Anh được xem như là tấm vé thông hành trong tất cả mọi ngành nghề trong thời kỳ hiện đại.

Theo chuyên gia, hầu hết sinh viên ở các trường đại học đều được học tiếng Anh, nhưng chính thái độ học thụ động, không áp dụng thực tế thì khi ra trường, kỹ năng ngoại ngữ chỉ là con số 0. Chỉ có được động lực học, cách học phù hợp, khoa học, áp dụng vào môi trường thực tế mới có thể nâng cao trình độ tiếng Anh, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Không chú trọng trang bị kỹ năng mềm

Đây là một trong những yêu cầu quan trọng mà nhà tuyển dụng cực kỳ quan tâm, đó chính là kỹ năng mềm. Trong suốt 4 năm ở trường đại học, nhiều sinh viên quan niệm rằng chỉ cần vào lớp nghe giảng, học những gì được dạy trên giảng đường là đủ.

Thực trạng tân cử nhân "bơ vơ" sau tốt nghiệp đều hình thành bởi thói quen dành thời gian cho các hoạt động giải trí vô bổ như nhậu nhẹt, du lịch, game online...

Các bạn không biết rằng, trong môi trường công việc đầy cạnh tranh và năng động, trang bị tốt cho mình các kỹ năng: Giao tiếp, Đàm phán, Thuyết trình, Quản lý thời gian,… mới thực sự là yếu tố quyết định giúp bạn khác biệt và làm việc hiệu quả.

Chuyên gia Nguyễn Quốc Cường cho rằng, với 4 nguyên nhân trên, xác định được mục tiêu và công việc yêu thích sẽ là bước quyết định quan trọng giúp bạn chọn được đúng chuyên ngành cần học, chọn được đúng trường có thể giúp bạn phát huy khả năng cũng như trau dồi các kỹ năng cần thiết cho yêu cầu công việc sau này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm