Làm gì để phát huy trí tuệ của sinh viên?

Xưa nay chúng ta vẫn nhận ra rằng nền giáo dục của ta dường như còn xa rời thực tiễn. Xa rời thực tiễn bởi chúng ta chưa gắn được việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu với những nhu cầu thiết thực của cuộc sống.

Đã có bao nhiêu công trình nghiên cứu, sáng tạo và tìm tòi của sinh viên các trường đại học có khả năng ứng dụng trong cuộc sống nhưng cuối cùng chỉ được chấm điểm rồi vĩnh viễn chìm vào quên lãng? Tôi tin là nhiều không kể xiết. Điều đó không chỉ lãng phí chất xám mà còn làm thui chột nhiệt tình và sức sáng tạo của sinh viên.

 

Tôi được giáo sư Luc Hens, Trưởng bộ môn Sinh thái học nhân văn Đại học Tự Do Brussels, mời đi cùng đến dự một buổi ra mắt các trạm khí tượng thử nghiệm tại Trường Cao đẳng Ghent (Hogeschool Ghent, thuộc Cộng đồng nói tiếng Hà Lan) ở thành phố Ghent phía Bắc nước Bỉ. Cứ tưởng đó sẽ là một buổi lễ long trọng, thậm chí có cắt băng đỏ khánh thành, tôi lấy làm hoan hỉ lắm. Nhưng sự thật thì khác hẳn: Đó chỉ là một buổi trưng bày sản phẩm thực nghiệm của sinh viên năm nhất khoa công nghệ của trường!

 

Đây là bài tập của môn học Vật lý cơ học. Cứ 4 sinh viên lập thành một nhóm và phải chế tạo được một cái trạm khí tượng để đo 5 thông số: nhiệt độ, độ ẩm không khí, vận tốc gió, hướng gió và lượng mưa. Có 28 sản phẩm đã được làm ra, mỗi cái mỗi vẻ với thiết kế, vật liệu khác nhau cùng dựa trên những nguyên lý vật lý, cơ học chung của các hiện tượng khí tượng. Tiêu chuẩn đánh giá là độ chính xác trong đo đạc, độ bền của máy và thao tác bảo trì bảo dưỡng, thiết kế đơn giản, gọn nhẹ và đẹp, và cả giá thành sản phẩm nữa. Tôi cũng đi xem từng máy, trao đổi và chất vấn các “tác giả” như một giám khảo.

 

Thật vui khi nghe các bạn trình bày một cách thích thú về “công trình” của mình, trả lời các câu hỏi và tận tình hướng dẫn cách sử dụng. Nhiều nhóm đã làm cả phần mềm ghi kết quả tự động nối với máy tính. Có nhóm làm cả bộ phận phát điện nhờ sức gió và ghi lại điện thế của dòng điện tạo ra.

 

Sở dĩ người ta mời giáo sư Hens, và nhiều cá nhân khác nữa, đến tham quan là nhằm “chào hàng” loại thiết bị này. Họ mong muốn thông qua ông để đưa “sản phẩm” đến Ghana, một nước Tây Phi, nơi mà ông có nhiều dự án, trong đó có dự án lắp đặt các trạm khí tượng dọc theo dòng sông Volta trải dài từ Tây sang Đông vùng miền Trung đổ xuống miền Nam Ghana và cuối cùng chảy ra vịnh Guinea. Thiết kế nào được ông chọn sẽ được đầu tư phát triển thành sản phẩm thương mại.

 

Bà Christa Labes, Chủ nhiệm ủy ban đào tạo của trường lăng xăng đón tiếp giáo sư Hens và cũng không quên trò chuyện với tôi. Bà chủ động trao cho tôi danh thiếp với lời nhắn nhủ rằng nếu biết ai có nhu cầu về thiết bị này cũng như các loại máy móc khác thì vui lòng trao họ địa chỉ của bà. Tại đó, tôi còn gặp một giáo sư khác, ông ấy cũng hỏi tôi về cơ hội hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp với Việt Nam. Thế mới biết ở đây người ta chú trọng việc đưa nghiên cứu ra ứng dụng trong thực tiễn như thế nào.

 

Trao đổi với tôi trên đường ra bãi đỗ xe, giáo sư Hens cho biết dường như ông chưa chọn được một thiết kế ưng ý, nhưng ông bảo đó là một cách làm năng động, chủ động nối kết khoa học, nghiên cứu với thực tiễn và thị trường.

 

Theo Thục Minh

Thanh Niên