Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, trước hết giảng viên phải hiểu rõ nhu cầu của sinh viên, qua đó giúp sinh viên được chủ động trong mỗi bài học trên lớp. Đồng thời giảng viên hỗ trợ sinh viên rèn luyện các kĩ năng mềm bằng cách đa dáng hóa hình thức giảng dạy.
Đó là đề xuất của sinh viên Hoàng Thu Thủy, Phó bí thư Chi đoàn N2-K46 tại buổi tọa đàm “Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại học” do Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội tổ chức sáng 14/04.
Tại buổi tọa đàm, sinh viên Hoàng Thu Thủy cho biết: Theo một nghiên cứu gần đây thì có đến 64% sinh viên chưa tìm được phương pháp học tập phù hợp cho mình, và đến hơn 35% sinh viên biểu lộ một phong cách học thụ động, chỉ ngồi nghe và ghi chép, chờ thầy “dọn cơm sẵn”. Bên cạnh đó, hầu hết các trường ĐH ở Hà Nội cũng như TPHCM, hiện nay sinh viên chỉ phải làm 2 bài kiểm tra viết để đánh giá năng lực, đó là bài thi giữa kì chiếm 30% và cuối kì chiếm 60%. Điều này còn được xem là chưa phù hợp và khó có thể đánh giá đúng trình độ của sinh viên và dễ dẫn đến tiêu cực.
Sinh viên Thu Thủy đề xuất: để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, trước hết giảng viên phải hiểu rõ nhu cầu của sinh viên, qua đó giúp sinh viên được chủ động trong mỗi bài học trên lớp. Hỗ trợ sinh viên rèn luyện các kĩ năng mềm bằng cách đa dáng hóa hình thức giảng dạy, sử dụng phương pháp “lấy sinh viên làm trung tâm”. Về kiểm tra đánh giá năng lực nên chẳng có thể đa dạng hóa các bài kiểm tra bằng các bài tiểu luận hay nghiên cứu khoa học, qua đó thúc đẩy khả năng tóm tắt, nghiên cứu và tổng hợp của sinh viên. Bên cạnh đó, có thể tạo điều kiện cho sinh viên được đi tham quan, thực tế, được thực hành…
Về phía người dạy, giảng viên trẻ Phan Thị Vân cho rằng việc đầu tiên là phải đổi mới phương pháp giảng dạy đại học. Những phương pháp như cho sinh viên thuyết trình, bài tập lớn, thảo luận, tiểu luận được áp dụng rất phổ biến trong trường Ngoại thương và nhìn chung được các em sinh viên rất chào đón. Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy mới này vẫn có những mặt hạn chế như không đánh giá một cách chu đáo kết quả của sinh viên, rất dễ đến tình trạng chạy theo số lượng mà không có chất lượng. Giảng viên Vân nói thêm: “Phương pháp giảng dạy đại học sẽ không phát huy tác dụng nếu giảng viên trẻ không thường xuyên trau dồi, bồi dưỡng về mặt chuyên môn”.
Nói về vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sinh viên Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn trường Đại học Ngoại thương cho rằng: Mô hình đào tạo tín chỉ được áp dụng cách đây 2 năm đã cho thấy những ưu điểm trong đào tạo, giảng dạy. Tuy nhiên lại là rào cản lớn trong việc quản lý và tập hợp đoàn viên của Đoàn trường. Mô hình chi đoàn bị phá vỡ, sinh viên phân tán về các lớp học riêng nên vấn đề sinh hoạt theo chi đoàn là rất khó khăn, dẫn đến khó khăn trong quản lý đoàn viên.
Về vấn đề này, sinh viên Thu Hà có ý kiến: Đoàn trường nên đề xuất Đoàn cấp trên có những giải pháp cho phù hợp với tình hình mới. Hiện Đoàn trường ĐH Ngoại thương đã phần nào khắc phục bằng các phong trào của mô hình Câu lạc bộ. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng điều này lại đi chệch hướng so với định hướng hoạt động của tổ chức Đoàn. Vậy Đoàn trường mong nhận được nhiều ý kiến và giải pháp cho vấn đề này.
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã ghi nhận những ý kiến đóng góp, cũng như cố gắng, quyết tâm của các giảng viên trẻ, sinh viên ĐH Ngoại thương trong việc đổi mới giáo dục đại học. Thứ trưởng chỉ đạo, sau cuộc thảo luận này, cùng với nhà trường thì đoàn trường, liên chi đoàn xây dựng chương trình hành động cho riêng mình; với cấp chi đoàn cần xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hành động và từng đoàn viên cũng nên có kế hoạch xây dựng chương trình của mình để rèn luyện, phấn đấu thành sinh viên toàn diện, ra trường có việc làm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản