Lại chuyện học của trẻ “tiền” lớp 1

Năm nào cũng vậy, cứ đến độ này là báo chí lại đưa tin rầm rộ về việc có nên dạy trước cho trẻ trước khi vào lớp 1 hay không.

Câu trả lời tất nhiên là không với hàng loạt các lý do được đưa ra nào là không phù hợp với khả năng tiếp thu của trẻ, dễ tạo tâm lý chểnh mảng trong học tập sau này do “biết rồi việc gì phải học”, dẫn đến trong một lớp có nhiều trình độ đến nỗi làm khó giáo viên v.v... và v.v... Nếu xét về lý thuyết, các khuyến cáo trên đều đúng, không một người nào có thể phủ nhận, ngay cả những người trực tiếp đứng trên bục giảng. Tuy nhiên, dựa trên những gì thực tế như là chương trình, mục tiêu... thì những lời khuyên ấy xem ra lại không có ý nghĩa.

Chị Nguyễn Thu Minh ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, có con năm nay vào lớp 1. Nhưng ngay từ đầu năm, chị đã chọn trường, lớp rồi chọn cả giáo viên để cho con học thêm trước khi chính thức cắp sách đến trường với mục đích làm quen với môi trường mới và quan trọng là: “nếu không học trước đến khi vào trong năm làm sao theo nổi chương trình”.

Vậy là mặc dù đến tháng 10 này, con chị mới đầy 6 tuổi nhưng ngày nào chị Dung cũng đưa con đi học y như một học sinh tiểu học, chỉ khác là cháu học vào buổi tối hoặc sau giờ giảng dạy chính thức của giáo viên. Chương trình cháu học nếu không kể các môn phụ mà chỉ xoay quanh tiếng Việt và toán thì hoàn toàn như chương trình giảng dạy trong nhà trường, kể cả giáo viên. Bởi giáo viên mà chị Dung “chọn mặt gửi vàng” cũng chính là giáo viên dạy lớp 1. Nhiều người hỏi nhồi nhét như vậy, liệu khả năng tiếp thu của cháu có “ổn” không, nhất là cháu vẫn đang còn trong tuổi mẫu giáo? Chị bảo: “Không ổn cũng phải ổn. Bởi giáo dục của ta hiện nay như vậy nếu không theo “guồng quay” của nó thì hoặc là thất học ở nhà hoặc là lúc nào cũng tụt hậu, “đội sổ” so với chương trình.
 
Lại chuyện học của trẻ “tiền” lớp 1

Như chị Minh, tâm lý của anh Bùi Xuân Dũng ở đường Bưởi, quận Tây Hồ cũng vậy. Năm nay, anh có cậu con trai bắt đầu nhập trường tiểu học, chính thức trở thành học sinh phổ thông. Nhưng từ Tết trở ra, bạn bè nói vui con anh đã “gia nhập hàng ngũ” này rồi. Vì một tuần cháu cũng chỉ nghỉ hai ngày cuối tuần còn đâu phân chia lịch học, ban ngày giờ hành chính thì học viết chữ đẹp của một chuyên gia về lĩnh vực này, buổi chiều và tối tùy theo sự sắp xếp của giáo viên dạy thêm, sẽ học tiếng Việt hoặc toán. Chưa kể về nhà, cháu còn phải tập chép và làm bài đúng như học sinh đã học lớp 1. “Biết như thế...”. Anh Dũng chia sẻ: “... Là cháu rất vất vả và tuổi thơ dường như bị “đánh cắp” song không thể nào khác được. Sống ở môi trường như thế nào thì buộc phải theo như vậy thôi, mặc dù biết là dở, là đi ngược với giáo dục dưới góc độ tâm lý...”. Điều đáng nói thêm: anh Dũng lại chính là một giáo viên giảng dạy THCS nên hơn ai hết, anh hiểu cặn kẽ giáo dục Việt Nam hiện đang như thế nào. Vậy mà anh còn phải theo - làm cái điều thực tế thâm tâm của người giáo viên như anh mách bảo không nên thì huống chi người khác...

“Cưỡng bức” giáo dục

Không chỉ anh Dũng, chị Minh mà rất nhiều bậc cha mẹ khác có con bắt đầu học lớp 1 đều làm như vậy. Không phải họ làm theo phong trào, theo tâm lý số đông mà thực tế từ những người đi trước, từ kinh nghiệm của chính những người trong ngành rồi từ chính bản thân họ... buộc họ phải cho con học trước chương trình. Cũng cần phải nói việc dạy trước cho trẻ “tiền” lớp 1 này, ngành giáo dục nghiêm cấm, chỉ cho phép dạy các em thuộc 24 chữ cái và đếm trong phạm vi 10. Tuy nhiên, phạm vi kiến thức ấy so với tổng thể chương trình giáo dục dành cho lớp 1 thì dường như không ăn nhập gì, không phải là một bộ phận của cả hệ thống chương trình mà bị tách biệt đến nỗi có cảm giác các em phải nhảy từ vực sâu lên đỉnh cao trong quá trình tiếp thu kiến thức. Cho nên quy định của ngành giáo dục nghiêm cấm dạy trước cho học sinh trước khi vào lớp 1 là “hữu danh vô thực”, thậm chí bị ngay những giáo viên dạy tiểu học phá luật để giảng dạy cho học sinh nhằm giúp các em khi vào năm học chính thức có thể bắt nhịp được với chương trình. Ngay một vị lãnh đạo của Sở Giáo dục TP Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định với báo chí: “Nếu con tôi vào lớp 1, tôi cũng phải cho cháu đi học trước”!

Vậy, chương trình lớp 1 khó như thế nào để rồi các em phải gian nan như vậy?

Ở học kỳ I, mặc dù được phân chia đều nhau về số tiết nhưng Tiếng Việt xem ra “nặng” hơn toán do học sinh phải làm quen với chữ cái, âm, vần... dưới hình thức đọc và viết. Tưởng rằng môn này học đơn giản nhưng thực tế mất rất nhiều sức của học sinh và cần sự kiên trì, kỳ công của giáo viên trong giảng dạy. Như tập viết, với nét khuyết, nét thắt, nét chéo rồi viết trọn vẹn cả một chữ cái, nhất là với chữ e, b, q... học sinh rèn mãi mới viết được vì tay yếu các em không thể viết liền thành một đường mà cứ đến giữa chừng phải nghỉ, phải viết thành hai lần mới trọn một chữ. Thế mà, chương trình quy định chỉ trong vài tiết học sinh phải làm được điều này. Thử hỏi nếu như không học trước, rèn trước thì liệu vào năm học, học sinh lớp 1 có viết được như vậy? Hay với các chữ a, ă, â hay e, ê... cùng những vần có các chữ này, với khả năng tiếp thu của một đứa trẻ vừa rời trường mầm non để thuộc mặt chữ, phân biệt được cách phát âm, cách viết cũng cần lắm khoảng thời gian nhất định nhưng nói như một phụ huynh: “học như đi ăn cướp” vì gần như mỗi ngày một kiến thức mới, học chưa xong kiến thức này, đã phải “nạp” kiến thức khác. Chưa kể đến phải tập chép chính tả, phải đọc thông viết thạo sau khi kết thúc học kỳ I đúng như mục tiêu của ngành giáo dục đề ra... Nếu không học trước, chắc chắn học sinh không thể đáp ứng mục tiêu ấy.

Rồi môn toán, học kỳ I, chương trình quy định: cộng trừ trong phạm vi 10. Nói thật, chỉ với kiến thức đơn giản được phép dạy khi còn ở mầm non là thuộc mặt số thì học sinh khó thực hiện được phép toán này khi vào lớp 1. Do khái niệm thế nào là cộng, trừ mơ hồ trong sự tiếp thu của học sinh lắm. Thế nhưng vì đã được học trước, nên học sinh mới có thể tiếp thu như vậy chứ chỉ trong thời lượng có hạn được dạy chính thức ở trường thì “i, t” chắc chắn là khả năng tiếp thu của học sinh. Ngay cô Nguyễn Kim Hoa là giáo viên dạy giỏi tại một trường điểm ở quận Ba Đình cũng nhận định: “Với khối lượng kiến thức của lớp 1, nếu học sinh hoàn toàn chưa biết gì như một tờ giấy trắng thì trong quá trình học, học sinh khó nắm chắc kiến thức một cách nhuần nhuyễn”. Sang đến học kỳ II thì toán còn như đánh đố học sinh hơn. Cái khó của môn toán trong thời kỳ này là chồng chất kiến thức mới. Học sinh phải học theo kiểu nhồi nhét, quá sức tiếp thu của các em. Đúng như một nhà tâm lý giáo dục đã nói: Học sinh bây giờ đang bị “cưỡng bức”giáo dục.

Ngay từ lớp 1, học sinh đã rơi vào tình trạng bị “cưỡng bức giáo dục” như vậy và phải học trước, học thêm mới đáp ứng được sự “cưỡng bức” ấy. Nhìn lại cả hệ thống giáo dục phổ thông thì thấy đều mang “chủ trương” đó. Và chính điều này đã tạo ra những hành động lách luật, phá luật rồi cả những luật “hữu danh vô thực” trong giáo dục. Quan trọng hơn là nó tạo ra cả một thế hệ cái gì cũng học mà cuối cùng như chẳng học cái gì. Để thay đổi điều đó, để học sinh học vừa đúng sức ngay từ lớp 1 vừa đáp ứng  nhu cầu của xã hội chỉ có thể thay đổi từ nền tảng - quan niệm, chủ trương giáo dục.

Theo Xuân Bách
Petrotimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm