Lại “bán trường” để tránh giải thể

Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM đang trong quá trình thương thảo, chuyển đổi nhà đầu tư chiến lược mới để cứu trường khỏi bị giải thể.

Tuy nhiên, một số giảng viên cho rằng lãnh đạo trường chấp nhận “bán trường” với giá quá bèo.

 

Lại “bán trường” để tránh giải thể
Các cơ sở đào tạo của Trường ĐH Văn Hiến đều phải thuê mướn. Trong ảnh: một lớp học tại cơ sở của trường trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng


 

Thực tế Trường ĐH Văn Hiến đang gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất yếu kém, tuyển sinh mấy năm qua èo uột... Trường đã bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 do chưa có cơ sở đào tạo thuộc sở hữu của trường và tỉ lệ sinh viên/giảng viên vượt quá quy định. Hiện nhà trường chỉ còn đào tạo 3.000 sinh viên với 200 cán bộ nhân viên.

 

“Bán trường” giá bèo 

 

“Vận mệnh chung của trường đang rất nguy khó. Trong lúc khó khăn thế này không thể nói chuyện bán đắt, rẻ”
 

Ông Trần Chút

Đến nay nhà trường vẫn chưa khắc phục được hai điều kiện này và nội bộ lại xảy ra mâu thuẫn. Nhà đầu tư chiến lược của trường là Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC hiện vẫn còn góp vốn nhưng chỉ chấp nhận tiếp tục đầu tư khi trường chuyển sang tư thục.

 

Cuối tháng 10-2011, Trường ĐH Văn Hiến tổ chức đại hội đồng cổ đông nhằm chuyển đổi sang trường tư thục. Nhưng ngay sau phần giới thiệu, đoàn chủ tịch liền bị nhiều cổ đông phản đối nên đại hội phải hủy giữa chừng. Khi đó các cán bộ, giảng viên cho rằng hội đồng quản trị nhà trường đã chấp nhận một cách tùy tiện nhà đầu tư chiến lược...

 

Trước thực tế đầy khó khăn hiện nay, lãnh đạo nhà trường chạy khắp nơi gấp rút tìm nhà đầu tư mới để cứu trường. Trong khi đó, một số giảng viên của trường cho rằng do lãnh đạo nhà trường yếu kém, dẫn đến bị ngưng tuyển sinh và định giá bán trường 75 tỉ đồng, chỉ bằng 1/4 giá trị thật của trường (khoảng 314 tỉ đồng), gây thiệt hại cho nhà trường và quyền lợi cán bộ nhân viên, giảng viên cơ hữu. Vì vậy một số giảng viên không đồng ý chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho nhà đầu tư mới, đồng thời gửi đơn kiện tụng khắp nơi. Chính điều này khiến quá trình đàm phán với nhà đầu tư mới kéo dài và có nguy cơ đổ vỡ.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Chút, phó hiệu trưởng nhà trường, cho rằng: “Một vài người cho rằng chúng tôi bán trường với giá rẻ, trong khi việc này được lãnh đạo nhà trường thực hiện theo quy trình. Trường ĐH Văn Hiến đang đứng trước thực tế còn - mất. Nếu không giải quyết được tình hình hiện nay, trường sẽ bị ngừng đào tạo trong năm học tới. Nhà trường không được tiếp tục giảng dạy và buộc phải giải thể”.

 

Trường đang nguy khó

 

Theo ông Trần Chút, để thực hiện công bố trên báo về việc tìm kiếm nhà đầu tư mới, nhà trường đã họp đảng bộ, công đoàn để ra nghị quyết về việc này. Nhà trường đã họp mặt tất cả các nhà góp vốn, hầu hết đều đồng thuận nhưng cũng có vài cá nhân không ủng hộ.

 

Đại diện VTC trong hội đồng quản trị nhà trường cũng chấp nhận thoái vốn. “Toàn bộ vốn góp từ trước đến nay vào Trường ĐH Văn Hiến khoảng 18 tỉ đồng, trong đó có hơn 60 cán bộ, giảng viên góp hơn 5 tỉ đồng, phía Công ty VTC góp 13 tỉ đồng. Nếu không có nhà đầu tư mới thì trường không thể hoạt động được” - ông Chút khẳng định.

 

Ngày 23-7, nhà trường kết thúc việc tiếp cận dự án. Sau khi trường công bố mời gọi nhà đầu tư mới đã có 11 cá nhân, đơn vị đến tiếp cận, trong đó có bốn đơn vị gửi văn bản đến trường. Sau đó Công ty cổ phần phát triển Hùng Hậu (kinh doanh về thủy hải sản - PV) gửi phương án 2 đến và được trường chấp nhận (trước đó trường chọn một đơn vị khác).

 

Theo thỏa thuận, trước mắt công ty này cam kết khắc phục điểm yếu của trường (cung cấp cơ sở giảng đường bằng tài sản hiện có của công ty) để trường khôi phục hoạt động; chấp thuận tài sản hiện có của trường theo kiểm toán 2010 (trị giá 40 tỉ đồng); ghi nhận công lao đóng góp trong 15 năm của cán bộ giảng viên (tương đương 35 tỉ đồng).

 

Đồng thời cam kết cải tạo hai cơ sở ở Q.Tân Bình và Q.Tân Phú (TP.HCM) để xây dựng văn phòng, giảng đường của trường. Bên cạnh đó, phía nhà đầu tư đưa ra lộ trình đền bù giải tỏa khu đất 6ha được quy hoạch xây dựng trường tại xã Phong Phú, Bình Chánh, TP.HCM. Trước mắt, phía nhà đầu tư cam kết mua ngay cơ sở hiện tại ở Q.12 của trường (hiện đây là cơ sở thuê).

 

 

Sẽ giải thể trường không đảm bảo chất lượng
 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định đến năm 2013, nếu các trường bị đình chỉ tuyển sinh không khắc phục được các điều kiện đảm bảo chất lượng, bộ sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục.
 
Thứ trưởng nói: “Chúng tôi đã ban hành văn bản cảnh báo các trường đến năm 2013 chưa có đất, chưa xây dựng cơ sở vật chất theo cam kết sẽ đình chỉ hoạt động giáo dục và xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường”.

 

Theo Trần Huỳnh

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm