Lạc hậu quy định kỷ luật học sinh

Hơn 27 năm, Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về khen thưởng, kỷ luật học sinh vẫn không thay đổi, khiến các trường lúng túng trong biện pháp giáo dục

Nguyên hiệu trưởng một trường THPT tại quận Phú Nhuận, TP HCM cho biết Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành ngày 21-3-1988 không có gì cập nhật, thay đổi trong khi những điều kiện, tình hình trong trường học, tâm lý học sinh hiện nay đã khác trước rất nhiều. Dù lạc hậu nhưng lại là cơ sở pháp lý cao nhất để các trường áp dụng nên rất khó răn đe học sinh.

Không còn đủ sức răn đe

Theo ông Trần Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, TP HCM), một thông tư ban hành cách đây 27 năm thì chắc chắn không còn phù hợp, kể cả về hình thức khen thưởng hay kỷ luật.


(Minh họa: KHỀU)

(Minh họa: KHỀU)

Ông Minh lấy ví dụ Thông tư 08 quy định học sinh được khen trước lớp nếu tham gia đầy đủ các buổi lao động của trường, đồng thời hình thức kỷ luật là khiển trách trước lớp đối với hành vi đi học không đúng giờ hoặc đi lao động không mang theo đầy đủ dụng cụ mà nhà trường đã quy định từ 3 lần trở lên trong thời gian 1 tháng; nói năng thô tục, đánh bạc (chơi số đề), hút thuốc lá... Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, rất nhiều trường đã không còn áp dụng hình thức cho học sinh đi lao động, nhất là các trường ở khu vực TP do đã có bộ phận lao công hoặc bảo vệ phụ trách. “Thế nhưng, bất cập không dừng lại ở đó mà ở chỗ các biện pháp xử lý kỷ luật theo Thông tư 08 quá nhẹ, không còn đủ sức răn đe trong thời điểm hiện nay nhưng các trường lại không thể làm khác. Chẳng hạn đối với các trường hợp nói tục, đánh bạc, nghỉ học nhiều buổi nhưng chỉ khiển trách trước lớp là quá nhẹ, học sinh không sợ, thậm chí có tư tưởng vi phạm nhiều lần vì cho rằng cùng lắm cũng chỉ bị khiển trách” - ông Minh nói.

Theo ông Phạm Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong (quận 7, TP HCM), chính vì thông tư quá cũ, khiến các trường với mục đích cao nhất vẫn là giáo dục học sinh nên một mặt vừa áp dụng thông tư, mặt khác vẫn phải lồng ghép vào đó những quy định riêng của từng trường để phù hợp với tình hình hiện tại. Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, TP HCM, nêu ý kiến: “Thông tư 08 từ năm 1988 cũng không có những quy định như học sinh xăm mình, tóc xanh tóc đỏ vào trường thì thế nào hoặc quy định hình thức xử lý khi học sinh lên mạng nói xấu nhau, sử dụng các mạng xã hội như Facebook để chê bai, đả kích thầy cô, thách thức nhau thì xử lý ra sao, trong khi những hành vi này hiện nay xảy ra rất nhiều.

Gây khó cho giáo viên

Trong Thông tư 08, đuổi học 1 năm là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất nhưng hình thức này không được các trường đồng tình. Ông Trần Ngọc Minh cho rằng Thông tư 08 chỉ có tính giáo dục và thuyết phục là chính, trong khi đó, với hình thức như thế đã không còn phù hợp với các vi phạm cần có tính răn đe cao. Điều này gây khó cho giáo viên chủ nhiệm. Chính vì vậy, cần phải cải thiện những điều đã lạc hậu, có những hình thức xử lý khác, đặc biệt hơn đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. “Đối với các hình thức khen thưởng, thay vì vào cuối năm, nhiều trường đã áp dụng khen thưởng giữa học kỳ, khen thưởng từng đợt với các hình thức như khen thưởng vượt lên chính mình vì nó mang tính động viên, khuyến khích các em cố gắng những lần sau. Tôi không ủng hộ hình thức đuổi học học sinh vì đây chỉ là biện pháp cuối cùng, nếu cứ hơi tí là đuổi học thì chỉ thể hiện sự bất lực của các biện pháp giáo dục” - ông Minh nêu quan điểm.

Theo ông Phạm Văn Tiến, cốt lõi của giáo dục học sinh là làm sao để các em tiến bộ. Những học sinh cá biệt có khi lại là những học sinh dễ tổn thương nhất, nhạy cảm thế nên chỉ cần sâu sắc, quan tâm một chút, biết khen thưởng và động viên kịp thời thì các em sẽ tốt lên. “Vì thế, không thể cứng nhắc theo quy định mà tùy từng tình hình, từng vi phạm để có hướng giáo dục, xử lý phù hợp. Kỷ luật học sinh thì dễ nhưng sau kỷ luật là gì để các em nên người và trưởng thành. Từ khi làm quản lý, tôi chưa từng đuổi học học sinh nào và vẫn kiên trì các biện pháp giáo dục, uốn nắn là chính” - ông Tiến nói.

Đồng tình quan điểm này, ông Bùi Gia Hiếu phân tích biện pháp đuổi học là không khả thi bởi theo thông tư, hình thức kỷ luật học sinh cao nhất cũng chỉ 1 năm. Sau 1 năm, học sinh mất hẳn một giai đoạn học tập, khi đi học lại thì thầy cô thêm cực vì mất thời gian dò bài. Hơn nữa, trong khoảng thời gian bị đuổi học, các em lại dễ sinh tâm lý chán nản, ham chơi và càng dễ sa ngã.

Mưa dầm thấm lâu

Ông Trần Ngọc Minh cho biết giáo dục học sinh tưởng khó nhưng sẽ đơn giản nếu xem các em như những đứa con, đứa em ở nhà. Người thầy nên làm từng bước, chậm rãi, mưa dầm thấm lâu bởi các em đang ở độ tuổi dễ sai, hiếu động, cần những hình thức nhắc nhở, uốn nắn. Tất cả các biện pháp dù mạnh tay thế nào mà không xuất phát từ đặc điểm tâm lý của các em thì đều là dục tốc bất đạt. Thế nên, cần kiên trì uốn nắn, nhắc nhở thường xuyên. Một hướng giáo dục hiệu quả là tăng cường các biện pháp như sinh hoạt ngoài trời, đội nhóm cho học sinh. Khi bận rộn như thế, các em đâu còn thời gian nghịch phá.

Theo Đặng Trinh

Người Lao Động