“Là thầy giáo, tôi không phô tô phao thi!”

(Dân trí) - “Là thầy giáo dạy học trò thi cử phải nghiêm túc mà lại đi làm tài liệu cho đứa khác dù không phải là sinh viên của mình thì coi sao được?”.

Hồi mới bắt đầu đi làm, do chưa mua máy in nên tôi thường xuyên phải vào tiệm phô tô đối diện cổng trường để in và phô tô tài liệu. Dần dần, khi đã trở thành khách quen của tiệm, tôi thân luôn với anh Sơn chủ tiệm. Anh là giáo viên ở trường Trung cấp nghề gần đó thuê nhà mở tiệm để kiếm thêm thu nhập. Tính anh hiền lành, dễ chịu lại sửa rất cẩn thận nên tôi thích ghé tiệm của anh dù có cả chục cửa hàng phô tô nằm sát nhau. Có bữa tôi in 1, 2 trang anh không lấy tiền mà bảo để đó mai mốt in nữa rồi trả luôn.

Một lần, tôi ghé tiệm anh nhờ sửa bài để in. Trong lúc anh đang sửa cho tôi thì có một cậu sinh viên vào muốn phô tô thu nhỏ một tập giấy A4 viết kín chữ, chắc để đem vào phòng thi làm tài liệu.

Anh Sơn lắc đầu nói: Anh không làm đâu, lo về mà học bài cho đàng hoàng, đừng có đem tài liệu vô phòng thi làm gì.

Cậu sinh viên “đứng hình” mất vài giây, có lẽ do lần đầu tiên bị từ chối phô tô như vậy. Cậu sinh viên không nói câu nào, quay sang tiệm phô tô ngay bên cạnh một hồi lâu mới thấy ra.

Tôi hỏi anh: Sao anh không làm cho người ta? Anh không làm thì cũng có người khác làm chứ có phải ai cũng như anh đâu?

Anh Sơn cười: Biết vậy nhưng lương tâm không cho phép em à. Là thầy giáo dạy học trò thi cử phải nghiêm túc mà lại đi làm tài liệu cho đứa khác dù không phải là sinh viên của mình thì coi sao được? Tiền cũng cần nhưng quan trọng hơn là lòng thanh thản, không thấy áy náy thì mới ăn ngon ngủ yên được. Trước giờ mấy đứa sinh viên vào làm tài liệu nhỏ để đi thi thì anh đều đuổi hết.

Tôi nghe anh nói tự nhiên thấy mắc cỡ quá. Mình cũng là giáo viên nhưng nhiều lần thấy sinh viên đi mua phao thi cũng mặc kệ, chuyện của nó không phải việc của mình. Tôi chỉ biết nếu tôi làm giám thị thì sinh viên nào dùng tài liệu tôi sẽ lập biên bản xử lý đúng theo quy chế. Chưa một lần tôi lên tiếng khi vô tình thấy những sinh viên xa lạ đang tìm cách ghi tài liệu lên những miếng giấy bé xíu nếu có nói thì chỉ là “Em đang làm gì đấy?”.

Hành động nhỏ của anh Sơn chắc phải có lần làm thay đổi suy nghĩ của một em sinh viên nào đó. Càng nghĩ càng thấy hổ thẹn cho mình vì đã luôn tự cho rằng một mình mình liệu có thay đổi được gì không? Sao không làm tốt phần việc nhỏ bé của mình để lòng thanh thản thay vì phải đắn đo để rồi không làm được điều gì cho cuộc sống tốt đẹp hơn?

Bẵng đi một thời gian, tôi đi học xa nên ít có dịp ghé tiệm của anh Sơn. Đến khi học xong quay về, có lần tôi ghé tiệm anh in mấy trang giấy, anh lại không chịu lấy tiền hẹn lần sau. Tuần sau tôi ghé thì tiệm anh đóng cửa. Cả một tuần liền không thấy mở cửa, tôi đoán anh bận đi dạy, thằng nhỏ làm thuê chắc kiếm được việc ở đâu nên nghỉ luôn không có ai giữ tiệm. Vô tình mấy hôm sau, tôi gặp một anh bạn làm cùng trường với anh Sơn mới biết tin anh mới mất vì bệnh tim. Nghe tin dữ lòng tôi bỗng nhiên nhói đau như vừa mất một người thân. Đồng nghiệp của anh kể: Anh nằm viện có 1 tuần rồi ra đi. Tội nghiệp, anh mới hơn 30 tuổi, vợ trẻ, con nhỏ bơ vơ! Chỉ nghe kể thôi đã rớt nước mắt rồi.

Tháng sau, tiệm phô tô của anh Sơn đổi chủ. Chủ mới có lẽ không muốn tốn tiền thay bảng hiệu nên vẫn giữ cái tên cũ. Cứ mỗi ngày đi qua tiệm phô tô tôi lại nhớ dáng người nhỏ bé ngồi lúi húi sửa máy của anh, nhớ cả đôi bàn tay lấm lem mực in và cả những lần anh “đuổi” khách sinh viên chứ không chịu làm tài liệu. Cuộc đời nhiều bất ngờ, bệnh tật chẳng ai đoán được, không ai biết trước liệu mình có sống được đến già không? Chỉ là sống này nào thì hãy cứ làm việc gì mà lòng thấy bình an thanh thản thôi phải không anh Sơn?

Lại Thị Ngọc Hạnh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm