Ký ức về thầy của giới trẻ: Mờ nhạt và sáo rỗng?

(Dân trí) - Trong vòng thi vấn đáp tuyển nhân sự của một tập đoàn lớn, một câu hỏi được đặt ra cho các ứng viên vị trí quản lý là hãy kể về một kỷ niệm, hay ấn tượng đặc biệt về một người thầy đã từng dạy mình, có tới 7/10 người ngậm hột thị hoặc ngắc ngứ với những lời sáo rỗng và “văn mẫu”.

Có ứng viên dựng lên một “tượng đài” rất vĩ đại về người thầy của mình với nhiều hình ảnh choáng ngợp, nhưng khi được hỏi về tên họ đầy đủ của người thầy đó thì lại không thể trả lời được.

Có ứng viên lúc đầu chọn một người thầy đã từng dạy mình thời lớp 1, 2; sau “tính toán” lại đã chọn ra một GS rất uy tín trong trường ĐH mà mình vừa theo học để hòng “tính điểm” so với các ứng viên khác khi chứng tỏ mình đã từng được học một ông thầy danh giá.

Theo thời lời nhận xét của lãnh đạo tập đoàn: “Cách ứng xử của các ứng viên như vậy khiến chúng tôi hết sức thất vọng. Các cụ vẫn nói uống nước nhớ nguồn, không thầy đó mày làm nên, thế mà họ hầu như không có chút khái niệm thực sự nào về người thầy. Ngay cả đối với những câu chuyện thiêng liêng mà họ cũng sẵn sàng cân đo đong đếm. Làm sao chúng tôi có thể hy vọng vào sự trung thành cũng như xả thân vì sự nghiệp chung của những con người như vậy”.

Tuấn Thái, sinh viên năm cuối trường ĐH Bách khoa - một trong nhiều sinh viên được hỏi về vấn đề này là có chút ký ức mơ hồ về người thầy, tuy nhiên, đó lại là những ký ức rất... tệ vì người thầy đó thường xuyên bắt cậu quỳ ở góc lớp.

12 năm học phổ thông và gần 5 năm học ĐH, tất cả những người thầy đến và đi trong trí nhớ của cậu như những cơn gió thoảng và chỉ duy nhất người thầy bắt cậu quỳ là để lại trong Thái những ký ức “bão táp”. Tuy không còn ghét thầy như những ngày học lớp 5 nhưng mỗi khi nhắc lại, cậu cũng không hề có chút tình cảm trìu mến nào. Thái lý giải: Cuộc sống chuyển động không ngừng và ngày một gấp gáp hơn. Vì thế, người ta cũng càng có ít thời gian để suy tư hơn. Phải nhớ hết người này người kia thì có mà... quá tải.

“Nếu như những thập kỷ trước, câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” đã là học trò hầu như ai cũng thuộc, thì ngày nay có lẽ bọn trẻ có nhiều trò vui, nhiều thứ để giải trí quá nên việc học tập giống như là việc giảng đạo đầy khiên cưỡng. Vì thế, mối quan hệ giữa thầy và trò dường như không có mối ràng buộc gì sâu sắc”- thầy Nguyễn Bằng, nguyên là một giáo viên dạy lịch sử trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) buồn bã nhận xét như vậy.

Cũng theo thầy Bằng: “Thế hệ của chúng tôi khác lắm. Nhiều khi thầy chỉ hơn trò một vài tuổi thôi nhưng thầy vẫn phải ra thầy, trò phải ra trò ngay cả khi ngồi bên nhau cả hai mái đầu đã bạc”.

Còn theo PGS-TS Bùi Mạnh Nhị, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ai cũng cần phải có người thầy để kính trọng, để yêu quý, để tri ân. Chữ “thầy” trong tiếng Việt biểu hiện đầy đủ sự cao quý về nhân cách, phẩm chất, tài năng... Lẽ nào thế hệ trẻ lại đang ngày càng xa rời với điều ấy?

Kết quả điều tra tình cờ về cuộc thi có tên gọi “Ký ức Người thầy” do một tờ báo tổ chức, khá bất ngờ khi hầu hết bài viết tham gia đều có lứa tuổi trên 40, số thí sinh trong tuổi “hoa niên” chỉ đếm trên đầu ngón tay và thậm chí có bài viết trong số đó còn ghi chú bên dưới là “Em viết lại theo lời kể của... mẹ em”.

Trưởng ban tổ chức chỉ biết lắc đầu than: “Thật lạ quá!”

M.M

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm