Kỳ tích của người quét chợ nuôi 4 con vào ĐH

“Ba làm nghề quét chợ, hẳn là các con không được vui khi nói chuyện về ba với các bạn. Vì rứa nên các con phải cố học thôi, may ra làm cho ba tự hào là quét chợ mà vẫn có con học đại học!”.

Từ ngã ba thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch, Quảng Bình) theo quốc lộ 12 ngược lên huyện miền núi Tuyên Hóa khoảng vài chục cây số là đến chợ Cuồi (thôn Tam Đa, Tiến Hóa, Tuyên Hóa). Dừng lại ở chợ, chỉ cần hỏi thăm ông Dương Công Hường là bà con quanh chợ cứ tự hào như kể về người nhà của mình: “Ông đó làm quét chợ trên 26 năm rồi. Từ cán chổi đó mà nuôi được 4 con học đại học”.

Quét chợ từ tuổi 24

Năm 1983, Dương Công Hường rời quân ngũ trở về địa phương với hạng thương binh 2/4. Cuộc sống của gia đình ông lúc ấy rất khó khăn, nhà đã đông anh em, ông lại mới cưới vợ nên càng khó khăn hơn. Ngoài mấy mảnh ruộng năng suất thấp thì vợ chồng ông không còn có gì để làm thêm. Lúc ấy ở xã miền núi Tiến Hóa vừa hình thành chợ xã mang tên là Cuồi. Hằng ngày chợ họp xong là bừa bộn đầy rác thải nhưng chẳng có ai dọn vệ sinh. Chính quyền xã họp bàn mãi vẫn tìm không ra người làm công việc thu dọn vệ sinh. Sau đành phân công trách nhiệm cho anh Dương Công Hường, trên tinh thần “gương mẫu đi đầu” của một cựu chiến binh. Thế là anh thanh niên 24 tuổi chuẩn bị một chiếc chổi tre, một chiếc xe ba gác để bước vào nghề quét chợ. Chợ Cuồi thời ấy còn nhỏ nên ông Hường làm việc mà không hề có tiền công sá gì.

Lúc đầu ra quét chợ, lúi húi trước mặt mấy cô thanh niên trong xã thì ông Hường cũng thấy khó chịu lắm. Dù sao chẳng có mấy ai biết anh là thương bình mà nghĩ đó là anh thanh niên sức đang dài vai đang rộng mà lại tìm cái nghề quét chợ thì thật là không ra gì. Cũng trằn trọc đến mấy đêm không ngủ, định bỏ việc nhưng rồi tự an ủi là việc do tổ chức phân công nên cũng bớt mặc cảm để làm. Làm dần thành quen, ông lại thấy hay và ngày càng gắn bó với cái chợ Cuồi nhỏ bé nằm gần bên nhà. Mỗi ngày, bắt đầu từ 3 giờ chiều, ông Hường kéo xe ba gác ra chợ và thu dọn rác rưởi mà người ta đã vứt ra từ sáng sớm ở mọi ngóc ngách của chợ. Thường là đến 5 giờ chiều, nhưng cũng có nhiều ngày phải đến tận 6 giờ tối ông mới thu dọn hết rác và kéo hai, ba lượt xe ba gác đầy ụ rác đến vùng lèn đá Đồng Hung cách chợ hơn 2km để xử lý.

“Tôi luôn làm một mình, vì phải dành thời gian cho con cái học hành. Còn vợ thì thỉnh thoảng mới giúp cho được vài bữa, vì bà ấy còn lo đảm trách mấy con heo và mảnh ruộng lúa nữa. Nghề quét chợ ở chợ Cuồi về mùa mưa là cực nhất. Nền chợ là đất, đầy lỗ hô hủm nên mỗi lần mưa xuống là bết lại toàn bùn lầy, chổi rất khó quét sạch nên cứ phải dùng tay lượm từng chiếc lá, cái bao mới sạch hết được”, ông Hường kể.

Chợ Cuồi rộng hơn 1.000m2, mỗi ngày có từ 400 - 500 người buôn bán đến từ các xã Châu Hóa, Cảnh Hóa và trong xã Tiến Hóa. Hiện chợ Cuồi đã thành chợ khu vực, vì thế xã đã cho ông Hường thu lệ phí chợ ở mức 2.000 đồng /tháng/quầy hàng cố định, 500-1.000 đồng/người bán lẻ/lượt vào chợ.
 
Kỳ tích của người quét chợ nuôi 4 con vào ĐH - 1
26 năm qua, ông Dương Công Hường gắn bó với công việc quét chợ.

Nuôi 4 con học đại học

Thu nhập từ nghề quét rác và thu lệ phí chợ, ông Hường tính: “Sau khi nộp tiền lệ phí chợ cho xã 30 triệu đồng/năm, những năm qua tui cân đối lại thì hằng tháng cũng hưởng được trên 1 triệu đồng. Tiền đó góp vô với lúa má của mẹ cháu cho con ăn học”. Vợ ông, bà Hoàng Thị Viễn chăm lo cho mấy con heo và ruộng lúa, mỗi năm thu được khoảng dăm tấn thóc. Bán vài lứa heo con, heo thịt bà Viễn thu thêm được một ít nữa. Từ những đồng tiền khó nhọc ấy, vợ chồng ông Hường đã đưa được bốn người con vào các trường đại học.

Con gái đầu của ông Hường là Dương Thị Thu Hà, đỗ vào Trường đại học Hồng Bàng ở TPHCM năm 2003, Hà học đại học được ba năm thì đành sang ngang vì hoàn cảnh riêng, nay đang theo học ở Trường cao đẳng nghề Thái Nguyên. Cô em kế là Dương Thị Thu Giang cùng thi đỗ đại học một lượt với chị gái năm 2003, sau khi tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Đà Lạt (Lâm Đồng), nay đã là giáo viên ở Trường THPT Phan Bội Châu ở huyện Tuyên Hóa. Cậu em Dương Anh Sơn, nối tiếp hai chị trong việc học hành và đang theo học năm thứ tư tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Con thứ tư của ông Hường là Dương Thanh Bình cũng học hành rất giỏi và hiện là sinh viên năm thứ hai ở Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Riêng cậu con út của ông Hường đang là học sinh xuất sắc của Trường THPT Lê Trực (Tuyên Hóa), và đang quyết chí học hành để bước vào đại học theo gương các anh chị.

Con cái đã bước chân vào đời suôn sẻ, nhưng ông Hường vẫn không thể quên những đoạn trường gian khó khi lo cho các con vào đại học. Ông kể: “Có nhiều lúc thảm cảnh lắm. Nhất là khi lo tiền cho thằng Sơn đi nhập trường. Hai con chị hắn thì đang học, lo tiền cho hai đứa nớ ăn hàng tháng đã bở hơi tai, đến lượt lo tiền cho thằng Sơn thì tui hết hơi thiệt. Phải chạy cả ngày mới mượn được tiền của ba người trong xóm được hai triệu đồng cho hắn lận lưng đi nộp cho trường. Vay thì lo trả, đến hẹn với người ta mà tui không có, rứa là tìm cách vay của người sau trả cho người trước lần lần. Lần đó tui mượn tiền của ba người mà thành ra mắc nợ đến sáu chủ”. Vay sau trả trước mãi cũng không hết nợ với người ta, vợ chồng ông Hường đành đem số thóc “dự trữ chiến lược” cho con học hành trong nhà ra chợ bán lấy tiền trả nợ.

Bây giờ dù gian khó vẫn chưa hết, nhưng ông Hường thấy vui khi nói về chuyện học hành của con cái: “Tui luôn nói với mấy đứa: Ba làm nghề quét chợ, hẳn là các con không được vui khi nói chuyện về ba với các bạn. Vì rứa nên các con phải cố học thôi, may ra làm cho ba tự hào là quét chợ mà vẫn có con học đại học! May là con cái tui thấy ba mạ vất vả nên đứa mô cũng chăm chỉ học hành cả”.

Ông Hường cho biết, từ ngày có các khoản vay học sinh sinh viên thì nhà ông đỡ hẳn chuyện chạy vạy tiền cho con ăn học hằng tháng. Ông vay ngân hàng cũng dễ dàng hơn, và các con ông không còn phải có lúc khất nợ tiền ăn, tiền học với người ta...

Dừng tay chổi, ông Hường ngồi xổm bó lại cán chổi cho chắc tay hơn rồi ngước mặt lên nhìn tôi cười hom hóm: “Tết rồi, mấy đứa nhỏ cũng về ăn Tết với gia đình. Kẹt chi cũng cho các con có cái ăn, mặc trong ba ngày Tết lại còn tiền tàu xe vô lại trường. Tất tật cũng nhờ cán chổi đó anh nờ”.

Theo Tâm Phùng
Báo Nông Nghiệp Việt Nam