Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 suôn sẻ là do các địa phương chủ động
(Dân trí) - Hiện nay kỳ thi tốt nghiệp THPT đã giao cho UBND các tỉnh trực tiếp tổ chức kỳ thi ở địa phương, Bộ GD&ĐT chỉ hỗ trợ về mặt quy chế, các văn bản hướng dẫn.
Ngày 12/7, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Tĩnh cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại cụm thi Hà Tĩnh diễn ra trong điều kiện diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp. Nhưng dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cùng sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, không có cán bộ coi thi và thí sinh nào vi phạm quy chế.
Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai nghiêm ngặt, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các lực lượng tham gia kỳ thi, cũng như các em thí sinh.
"So với trước đây, thời điểm chưa có dịch, thì kỳ thi năm nay cũng có nhiều khó khăn, bắt buộc ban tổ chức phải có những thay đổi, điều chỉnh về phương án để phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch. Mục tiêu là vừa đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, hiệu quả, vừa phải đảm bảo công tác phòng dịch", Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Anh, tại Hà Tĩnh thời điểm tháng 6/2021 có đến hơn 100 thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 và thí sinh vùng phong tỏa. Trước tình hình này, ngành chức năng đã bám sát, quản lý chặt số thí sinh này. Và đến sát ngày thi thì chỉ còn 3 thí sinh (1 F0, 2 F1) là không tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT trong đợt một này.
"Hà Tĩnh đã chuẩn bị 49 trường học làm các điểm thi dự phòng, tất cả đều được chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị, dụng cụ phòng dịch, sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra", ông Nguyễn Quốc Anh cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề có nên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay hay không thì theo quan điểm của Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh là rất cần thiết.
"Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thì Luật Giáo dục đã có quy định rồi. Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho các thí sinh là rất cần thiết, để đánh giá lại cả quá trình học tập của học sinh ở cấp phổ thông", Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nói.
Ông Nguyễn Quốc Anh cũng cho biết thêm, hiện nay kỳ thi tốt nghiệp THPT đã giao cho UBND các tỉnh trực tiếp tổ chức kỳ thi ở địa phương, Bộ GD&ĐT chỉ hỗ trợ về mặt quy chế, các văn bản hướng dẫn.
"Mấy năm nay thì ở các tỉnh và Sở GD&ĐT cũng đã rất chủ động để tổ chức kỳ thi và thực tế diễn ra đảm bảo nghiêm túc, khách quan...", ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.
"Không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT"
Đó là chia sẻ của ông Tạ Hồng Lựu - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Theo quan điểm của ông Lựu, bậc THPT mang tính chất phân luồng nên cần một kỳ thi ghi nhận kết quả.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Tạ Hồng Lựu, cho biết, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia diễn ra trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, thế nhưng tại Thanh Hóa, kỳ thi diễn ra rất an toàn. Trong quá trình thi, cán bộ, giáo viên, thí sinh thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch.
"Thực hiện chỉ đạo của Bộ, GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành phương án thi từ rất sớm. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có nhiều lần họp đặt ra phương án thi 1 đợt hay 2 đợt. Lúc sát kỳ thi thì tỉnh đánh giá Thanh Hóa đang kiểm soát dịch tốt nên quyết định cho thi 1 đợt", ông Lựu cho biết thêm.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, do dịch Covid-19 nên quá trình chuẩn bị cho kỳ thi mất nhiều khâu, phải đầu tư công sức, các phương án phòng, chống dịch, bên cạnh đó, tốn kém thêm chi phí, tốn kém thêm nhân lực. Nếu phải thi đợt 2, thì cũng sẽ phải vận hành lại toàn bộ hệ thống, tốn thêm công sức, chi phí. Tuy nhiên, Thanh Hóa chỉ diễn ra 1 đợt và đã rất thành công.
"Đối với bậc THPT không còn tính chất phổ cập nữa. Phổ cập là áp dụng cho Mầm non, Tiểu học, THCS, tức là lứa tuổi đó phải đi học và thực tế đã bỏ các kỳ thi cuối cấp, chỉ xét hoàn thành chương trình; riêng đối với THCS, cũng chỉ xét tốt nghiệp chứ không thi.
Lên THPT là mang tính chất phân luồng, học theo định hướng nghề nghiệp để thể hiện năng lực là phải học, phải thi thì chất lượng mới tốt được. Nếu học chỉ để thi đại học, không có kỳ thì ghi nhận kết quả của phổ thông thì không nên. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, chúng ta vừa phòng dịch vừa phải hoạt động, căn cứ vào tình hình dịch để có thể lùi thời gian thi chứ bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT thì không nên", ông Tạ Hồng Lựu nêu quan điểm.