Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Làm gì để hoàn thiện phương án thi ?
(Dân trí) - Kỳ thi THPT QG 2015 đã để lại dấu ấn không nhỏ trong xã hội về những ưu điểm và cũng không ít nhược điểm. Vậy, kỳ thi THPT QG 2016, cần phải làm gì để hoàn thiện phương án thi, tránh những bất cập của kỳ thi trước.
Có thể nói, đến thời điểm này, "bức tranh" tổng thể về Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) đã rõ nét, trong đó "điểm sáng" là chủ đạo. Kết quả xét tuyển, tuy còn đợt thứ 4, cho thấy, phương án thi mới đã góp phần phân tầng chất lượng giáo dục, các trường được tự chủ hơn trong tuyển sinh.
Với thí sinh, "thi trước, xét tuyển sau" đã cho các em cơ hội lớn hơn để có một chỗ ngồi trên giảng đường. Bộ GD ĐT cũng đã khẳng định, năm 2016 sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi THPTQG.
Đề thi cần phân hóa hơn
Năm 2015, tham gia kỳ thi có 878.198 thí sinh đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Kỳ thi được tổ chức tại 99 cụm thi, trong đó 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm thi do sở GDĐT chủ trì. Trước kỳ thi, dư luận băn khoăn về mức độ nghiêm túc trong coi thi của 2 loại cụm do các trường ĐH chủ trì và do các Sở GD-ĐT chủ trì.
Kết quả thực tế đã giải tỏa băn khoăn này. Bởi các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội và điều kiện đảm bảo chất lượng tốt hơn có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn so với các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn; Tỷ lệ tốt nghiệp vùng đồng bằng cao hơn so với miền núi; Tỷ lệ tốt nghiệp ở cụm thi liên tỉnh do trường đại học chủ trì cao hơn ở cụm thi tỉnh do sở GDĐT chủ trì; Tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục THPT cao hơn giáo dục thường xuyên.
Một điểm mà dư luận lo ngại trước kỳ thi là đề thi có hoàn thành được cả hai nhiệm vụ : vừa bảo đảm tỷ lệ tốt nghiệp không có biến động nhiều so với mọi năm mà vẫn tuyển được học sinh giỏi vào các trường ĐH. Trên thực tế, theo đánh giá của Bộ GD ĐT, đề thi đã được ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; tăng cường câu hỏi vận dụng thực tiễn và câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp liên môn và hiểu biết xã hội để trả lời; hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện.
Đề thi có phần kiến thức cơ bản để đáp ứng đánh giá tốt nghiệp, đồng thời có độ phân hóa cao để phục vụ cho mục đích tuyển sinh, các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, từ cơ bản đến nâng cao.
Những đổi mới về đề thi như trên đã dẫn đến kết quả phổ điểm của các môn thi có sự phân hoá phù hợp với năng lực của thí sinh. Phổ điểm phân bố đều và rộng từ điểm 1 đến điểm 10 nhưng số học sinh đạt điểm 10 và điểm cao năm nay ít hơn so với các năm trước.
Ở mỗi môn thi đều thấy đa số là học sinh (HS) điểm trung bình, những HS điểm thấp và HS điểm cao hơn ít dần đi. Ví dụ, ở môn Toán, mức từ 5-7,5 điểm là phổ biến; môn Văn từ 4-7 điểm; môn Vật lý dao động trong phạm vi từ 4-7 điểm, đỉnh là 6 điểm; môn Hóa học, vùng phổ điểm chủ yếu rơi vào trong khoảng từ 5-7 điểm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đề thi cũng cần phải điều chỉnh để phân loại thí sinh hơn nữa. Năm 2015, theo nhân xét của giáo viên, có đến 60% câu hỏi của đề thi dành cho mục tiêu tốt nghiệp, 40% là câu hỏi khó để phân loại. Tỷ lệ này cần phải thay đổi để tăng chất lượng tuyển sinh ĐH,CĐ.
Cùng với việc tăng độ phân hóa với tỷ lệ câu hỏi nhiều hơn, để bảo đảm tỷ lệ tốt nghiệp, Bộ có thể điều chỉnh điều kiện để đỗ tốt nghiệp. Cách thi, đề thi đã khác nhưng điều kiện để đỗ tốt nghiệp vẫn như cũ là không hợp lý.
Nguyện vọng theo ngành, không theo trường
Sau hai đợt xét tuyển, theo báo cáo của 443 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPTQG để xét tuyển và 194 trường có đề án tự chủ tuyển sinh kết hợp giữa xét tuyển theo kết quả thi THPTQG với xét tuyển theo học bạ, số lượng thí sinh trúng tuyển và số trường tuyển được đủ chỉ tiêu nhiều hơn so với năm trước. Cụ thể đã có 554.953 thí sinh được xét trúng tuyển, đạt 85,74% chỉ tiêu đề ra; trong đó, hệ ĐH tuyển được 415.870 đạt 97,6% chỉ tiêu; hệ CĐ tuyển được 139.083 đạt 63,21% chỉ tiêu.
Con số này nhiều hơn số tuyển được của cả năm 2014 (năm 2014 tuyển được 505 ngàn sinh viên, đạt 78,9% so với chỉ tiêu; trong đó có 348 ngàn sinh viên ĐH, đạt 94% và 157 ngàn sinh viên CĐ, đạt 58,1%). Điều đó cho thấy việc tổ chức kỳ thi THPTQG để xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh ĐKXT và các trường cũng dễ dàng hơn trong việc tuyển sinh.
Theo phân tích kết quả xét tuyển, điểm trúng tuyển của các trường thể hiện sự phân tầng khá rõ nét. Các trường tốp đầu đều có điểm trúng tuyển ở mức cao. khối ngành Công an, Quân đội, Y dược, Luật là những ngành có kết quả xét tuyển tốt nhất; tiếp đó là ngành Kỹ thuật, Kinh tế, Sư phạm và Tài chính - Ngân hàng. Nhóm ngành Nông - Lâm - Ngư và công nghệ khó tuyển hơn.
Tuy nhiên, trong nhóm ngành khó tuyển này vẫn có những trường uy tín, làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh và có cơ sở vật chất, đội ngũ tốt, địa bàn thuận lợi… kết quả tuyển được cao.
Có một điểm đặc biệt là trong tất cả các nhóm trường ĐH và CĐ, dù điểm tuyển cao, trung bình hay thấp thì đều có trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1; một số trường ĐH ngoài công lập đã tuyển được với tỷ lệ khá cao ngay đợt 1.
Hạn chế lớn nhất của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 xuất phát từ quy định thí sinh được lựa chọn 4 nguyện vọng trong cùng một trường. Tình trạng học sinh và phụ huynh liên tục rút hồ sơ tại các trường gây ra một sự hỗn loạn, chỉ là một sai sót mang tính kỹ thuật nó không thuộc về bản chất.
Điều không hợp lý ở quy định này là đã đặt mục tiêu đỗ đại học lên trên sự đam mê, năng khiếu nghề nghiệp... những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Bởi vậy, theo các chuyên gia, nên quy định thí sinh được phép 2 nguyện vọng theo ngành học vào 2 trường ĐH ở các phân tầng khác nhau. Những bất cập về mặt kỹ thuật, cơ sở dữ liệu và phần mềm xét tuyển dùng chung...sẽ được giải quyết khi "đề bài" được ra hợp lý.
Kim Mai