Kỳ thi học sinh giỏi là sân chơi bổ ích cho cả thầy và trò

(Dân trí) - Bản thân là giáo viên dạy Văn bậc THCS, tôi khẳng định kỳ thi học sinh giỏi là sân chơi bổ ích cho cả thầy và trò, tất nhiên là phải cởi trói nó thoát khỏi áp lực thành tích.

Đọc hai tâm sự của nhà giáo Thanh Thanh và Loát Trần trên báo Dân trí, tôi đồng cảm phần nào với những áp lực thành tích, tâm lý trong mỗi kỳ thi học sinh giỏi. Tuy nhiên, tôi nghĩ chính những kỳ thi cấp trường, cấp huyện thị, cấp tỉnh ấy lại là sân chơi cực kỳ bổ ích cho cả thầy và trò.

Tôi nhớ cách đây một vài năm, ở địa phương tôi đang công tác, phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi phát triển rất rầm rộ. Bên các trường tiểu học có những thầy cô rất “mát tay” trong công tác tuyển chọn, luyện thi và gặt hái được nhiều thành tích cao. Những “hạt gạo trên sàn” được trau chuốt, rèn luyện ấy lên cấp hai, chúng tôi tiếp nhận và tiếp tục vun bồi tài năng, năng khiếu, sở thích của các em.

Tuy nhiên, khi kỳ thi học sinh giỏi ở cấp tiểu học bị xóa bỏ, thú thật là không ít giáo viên nhận thấy chất lượng học sinh đầu vào giảm sút hẳn, chất lượng học sinh giỏi cũng theo đà đó mà đi xuống. Chúng tôi nhọc công hơn rất nhiều khi phải khảo sát, tuyển chọn các em. Không có nguồn tuyển từ cấp dưới, thiếu nền tảng kiến thức và kỹ năng nâng cao, các em tham gia lớp học bồi dưỡng vừa bỡ ngỡ vừa khó khăn để làm quen với những bài tập khó.

Kiến thức, kỹ năng phải được bồi đắp từ thấp đến cao, nếu tiểu học làm tốt khâu này thì cấp trung học có cơ sở bồi dưỡng tốt hơn hẳn. Tương tự, khi các em lên trung học phổ thông, những lớp học bồi dưỡng ở trường cấp hai đã tạo cho các em một vố “vốn” kha khá để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê và tài năng.

Ở huyện thị nơi tôi đang công tác vẫn duy trì đều đặn kỳ thi học sinh giỏi lớp 6, 7, 8 và 9. Tuy nhiên, một số Sở Giáo dục đã ra quyết định hủy bỏ kỳ thi này ở lớp 6 và 7. Điều này có lẽ sẽ nhận được sự đồng thuận của một số giáo viên khi trút được gánh nặng thành tích đeo đẳng bao lâu nay. Vậy nhưng rất khó để khẳng định việc hủy bỏ ấy sẽ đem lại kết quả tốt đẹp và đáp ứng được nguyện vọng của học sinh.

Tôi có đứa cháu học trường thành phố. Năm ngoái, khi cháu được tuyển chọn vào đội tuyển bồi dưỡng Ngữ Văn lớp 6, cháu hứng thú vô cùng. Những bài tập nâng cao, những bài văn mở rộng được giáo viên giao về nhà đều hăng say giải, mê mẩn viết.

Rồi thông tin kỳ thi bị xóa bỏ râm ran vang lên, cô giáo bắt đầu dạy đối phó. Và khi chính thức thông báo hủy kỳ thi ở hai khối lớp 6, 7 thì lớp học dừng lại, niềm mê say của các cháu cũng tắt lịm chỉ còn lại là sự hụt hẫng.

Chúng ta nhiều lần lên tiếng về áp lực của kỳ thi học sinh giỏi. Giáo viên phải gánh những con số chỉ tiêu về giải, phải giải trình trước hội đồng và rút kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng nếu chẳng may không có thành tích. Tuy nhiên, nếu ngành giáo dục xóa bỏ kỳ thi này, tôi nghĩ cũng chẳng khác gì đang “thả nổi” chất lượng.

Bởi những lớp học ấy là nơi chúng ta có thể khơi lên những tiềm năng, thắp lên ngọn lửa yêu thích bộ môn của học sinh. Tài năng của các em phải được vun xới bằng những dạng bài tập mới, nâng cao. Điều này thì hoàn toàn không thể thực hiện ở các tiết học trên lớp. Như một viên ngọc thô sơ, các lớp bồi dưỡng sẽ “mài dũa” để ngọc sáng bóng và lấp lánh nhất.

Bên cạnh đó, khi tham gia công tác bồi dưỡng, gánh áp lực dù nhiều dù ít gì thì giáo viên cũng buộc phải “vận động”. Thay vì suốt ngày lên lớp, giảng bài, chấm bài… thì việc bồi dưỡng học sinh giỏi sẽ tạo ra động lực để người thầy chống lại sức ì của bản thân.

Giáo viên buộc phải tìm kiếm tài liệu, tìm hiểu kiến thức nâng cao, tiếp cận các bộ đề luyện thi,… để cùng trò chính phục độ khó của kiến thức, kỹ năng. Nhờ đó, năng lực chuyên môn của giáo viên sẽ tự khắc được bồi dưỡng, nâng cao.

Chính vì vậy, tôi mong ngành giáo dục hãy suy nghĩ cẩn trọng đối với mỗi quyết định liên quan đến công tác bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường phổ thông hiện nay. Kiến nghị này có lẽ sẽ vấp phải phản ứng trái chiều của nhiều giáo viên đang trực tiếp gánh nhiệm vụ “bất khả kháng” này cũng như những ai đã được “giải thoát” cảnh luyện “gà chọi”, sợ lại “đeo gông vào cổ”.

Tuy nhiên, tôi xin khẳng định rằng đây là sân chơi bổ ích cho cả thầy và trò, tất nhiên là phải cởi trói nó thoát khỏi áp lực thành tích.

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm