Kỳ thi 2 trong 1: Trường đại học có nhiều cách để tuyển sinh
(Dân trí) - Góp ý về kỳ thi quốc gia 2 trong 1, lãnh đạo nhiều trường đại học kiến nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, chỉ để kỳ thi tốt nghiệp ĐH, CĐ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: “Các trường có nhiều cách để tuyển sinh”.
Thí sinh "nín thở" chờ đợi phương án thi năm 2015.
Học sinh giỏi quốc gia thi đại học được 9 điểm!
Đồng ý với kỳ thi quốc gia 2 trong 1 nhưng nhiều lãnh đạo trường đại học kiến nghị chỉ bỏ thi tốt nghiệp và giữ lại kỳ thi ĐH, CĐ.
Phó Giám đốc Học viện An ninh Nguyễn Duy Khoát cho biết: Thực trạng tổ chức thi tốt nghiệp và thi ĐH có nhiều ý kiến đánh giá trái chiều. Theo tôi, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp cấp quốc gia mà giao về cho địa phương, chỉ tổ chức kỳ thi ĐH, CĐ. Trường đại học nào không có nhu cầu thì chỉ cần dựa vào kỳ thi tốt nghiệp để tuyển thí sinh.
Bạn đồng ý theo phương án thi nào trong số 3 phương án tổ chức kì thi quốc gia do Bộ GD - ĐT vừa mới công bố tại hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014? | ||||||||
| ||||||||
Ông Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Phương án tuyển sinh mới cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có lộ trình, gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như học tập ở phổ thông. Phương án thi theo môn hay theo bài, chúng ta đều có thể làm được, nhưng phải chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác ra đề và chấm thi.
Với từng cơ sở giáo dục cũng cần có mục tiêu, chiến lược cụ thể, phù hợp với chiến lược phát triển chung của đất nước. Chương trình đào tạo phải đảm bảo thống nhất, liên thông; phải đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá để tạo ra được những giáo sinh đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT sau năm 2015...
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, việc xác định phương án thi môn nào trong dự thảo phương án thi THPT Quốc gia của Bộ GD-ĐT không khó khăn lắm. Nhưng vấn đề làm các trường ĐH, CĐ lo lắng đó là tổ chức thi như thế nào để có được kết quả đáng tin cậy.
Với những trường khối Y Dược, những năm gần đây, tuyển sinh đầu vào rất nóng. Bởi vậy, sắp tới, Hội đồng Hiệu trưởng khối các trường Y sẽ đề xuất có thêm một kỳ thi bổ sung để đảm bảo chất lượng đầu vào. Mong muốn Bộ GD-ĐT tiếp tục là chỗ dựa cho các trường, đặc biệt trong việc làm ngân hàng đề để các trường Y có thể sử dụng.
Nhiều cách tuyển sinh đại học, cao đẳng
Phân tích về lợi ích của kỳ thi quốc gia 2 trong 1 có lợi cho thí sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Việc tổ chức một kì thi quốc gia rất có lợi cho thí sinh, trước hết các em chỉ thi một kì thi thôi nhưng sử dụng kết quả đó để xét rất nhiều trường ĐH, CĐ. Các em thi xong, có kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển. Vì vậy, tránh hoàn toàn rủi ro mà quy định của kì thi ba chung trước đây. Khi có kết quả tuyển sinh rồi, tùy theo kết quả đạt được mới xét tuyển vào các trường mà yêu cầu đầu vào phù hợp.
Đối với các em đã có bằng phổ thông, nếu năm tới tổ chức kì thi quốc gia, các em chỉ thi những môn liên quan trường mà mình đăng ký xét tuyển, còn những môn không liên quan, các em có quyền không thi vì không sử dụng kết quả ấy để công nhận tốt nghiệp phổ thông”.
Về phía các trường, Thứ trưởng Ga cho rằng: “Rõ ràng, kết quả này không phải duy nhất để các trường ĐH, CĐ dựa vào đó để tuyển sinh. Khác với kì thi 3 chung trước đây bắt buộc các trường phải sử dụng kết quả ấy để tuyển sinh, với các quy định ngặt nghèo, bây giờ, các trường tự chủ tuyển sinh rồi, Bộ chỉ cung cấp cơ sở dữ liệu của kì thi quốc gia này. Các trường hoặc sử dụng toàn bộ kết quả đó để tuyển sinh, hoặc sử dụng một phần kết quả, kết hợp kiểm tra thêm về năng lực, chỉ số thông minh…
Thậm chí, các trường thấy cần thiết yêu cầu chất lượng cao hơn có thể tổ chức một kì thi riêng vào trường. Như vậy, tùy chất lượng nguồn tuyển, cũng như đặc thù học ngành nghề khác nhau các trường tự quyết phương án tuyển sinh của mình”.
Theo thứ trưởng Ga, trong đề án về kì thi quốc gia này, Bộ cũng đề xuất các giải pháp để đảm bảo độ tin cậy, công bằng cho kì thi. Chẳng hạn, tổ chức điểm thi theo từng cụm, tỉnh, tổ chức chấm thi chung cụm liên tỉnh, các vùng. Cán bộ tham gia kì thi quốc gia này gồm cán bộ sở GD-ĐT, trường phổ thông, trường đại học cùng tham gia, và chúng ta làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính công bằng.