Kỷ niệm về thầy Nguyễn Tài Cẩn
(Dân trí)- Qua những năm trao đổi, làm việc với thầy Nguyễn Tài Cẩn, tôi đã học được rất nhiều điều từ thầy, đó là cung cách làm việc của người nghiên cứu, cực kỳ tỉ mỉ chính xác, trình bày bài viết cô đọng, luôn lắng nghe và cổ vũ ý kiến phản biện của học trò...
Tôi đi vào lãnh vực Hán Nôm và biết thầy Nguyễn Tài Cẩn khá muộn, tháng 11 năm 2004, nhân dự hội nghị quốc tế về chữ Nôm ở Hà Nội, thấy một cụ già lên diễn đàn phát biểu hăng hái, vung tay “chém gió” rất hùng hồn, tôi hỏi ông bạn cùng nghiên cứu về Truyện Kiều là Nguyễn Thế ngồi cạnh mới biết đó là GS Nguyễn Tài Cẩn.
Giờ giải lao chúng tôi có đến gặp GS, tặng GS một cuốn “Truyện Kiều chữ Nôm” do chúng tôi khảo cứu, chế bản. Lúc đó tôi cũng tưởng chỉ xã giao vậy thôi chứ không dám đặt vấn đề trao đổi tiếp xúc gì, không ngờ sau đó khi liên hệ qua mail lại được GS trao đổi, chỉ bảo rất tận tình về nhiều vấn đề, đặc biệt về nghiên cứu văn bản và ngôn ngữ Truyện Kiều.
Hỏi thăm qua mail mới biết trước năm 1945, thầy Cẩn từng học ở Trường Quốc Học Huế, là bạn học với ông cậu tôi là GS Tôn Thất Hanh, nguyên Khoa trưởng (hiệu trưởng) ĐH Sư phạm Huế khoảng những năm 1965.
Năm 2006 thầy lại về Huế dự hội nghị quốc tế về chữ Nôm lần thứ 2, tôi lấy xe máy chở thầy từ nhà khách tới nhà ông cậu để hai người bạn già gặp nhau sau hơn 60 năm, rồi lại đưa thầy lên Văn Miếu Huế để tìm xem tấm bia Tiến sĩ ghi tên ông cố của thầy là cụ Nguyễn Tài Tuyển, tiến sĩ khoa Đinh Sửu - Tự Đức 30 (1876).
Đến giờ tôi cũng không hiểu sao mình được thầy Cẩn quan tâm đặc biệt mặc dù vốn không phải là học trò “chính khóa” hay “ngoại khóa” gì của thầy cả, và tôi xuất thân vốn học ngành Vật lý Lý thuyết chứ không phải Ngữ văn. Thầy Cẩn đã cho tôi đứng tên chung hai bài khảo cứu về Truyện Kiều đăng trên tạp chí Sông Hương và Nghiên Cứu Phát Triển ở Huế, lúc đó tôi cũng không để ý lắm, sau hỏi anh Nguyễn Hữu Tưởng ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm mới biết đó là chuyện “ưu ái” đặc biệt, vì thầy kén chọn học trò rất kỹ (!).
Năm 2008 thầy lại mời tôi tham gia nhóm biên tập nội dung cho cuốn sách cuối cùng của thầy “Tư liệu Truyện Kiều: Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn Trường Tân Thanh” (NXB Giáo dục, 2008). Có lẽ nhiều người tưởng rằng đây chỉ là tái bản có sửa chữa của hai cuốn trước “Tư liệu Truyện Kiều: bản Duy Minh Thị 1872” (2002), “Tư liệu Truyện Kiều: từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu” (2004), nhưng làm với thầy nên tôi biết hai bản trước mới khảo cứu dị bản, phiên âm cho sát từng văn bản mà thôi, cuốn sau cùng mới là cuốn thầy phải tập trung xử lý, hướng tới mục tiêu cao nhất là tìm nguyên tác Truyện Kiều. Ở cấp độ này sẽ phải vận dụng tới những tinh hoa trí tuệ cao nhất về đủ mọi lĩnh vực ngôn ngữ học, văn học, lịch sử... để sàng lọc trong số rất nhiều dị bản của Truyền Kiều, nhằm đi đến một văn bản gần nguyên tác của Nguyễn Du nhất, mà Thầy Cẩn gọi một cách khiêm tốn là “Bản Sơ Thảo Đoạn Trường Tân Thanh”.
Qua những năm trao đổi, làm việc với thầy, tôi đã học được rất nhiều điều từ thầy, đó là cung cách làm việc của người nghiên cứu, cực kỳ tỉ mỉ chính xác, trình bày bài viết cô đọng không thừa thiếu, luôn lắng nghe và cổ vũ ý kiến phản biện của học trò. Thầy thường yêu cầu: “dữ liệu, dữ liệu, thật nhiều dữ liệu” nhưng đồng thời lại cần có sự phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa và đưa ra được những ý kiến “đột phá”. Có lẽ thầy biết điều kiện làm việc của tôi khó tiếp xúc các kho dữ liệu Hán Nôm, nên đã bảo các học trò gởi cho tôi khá nhiều tư liệu điện tử…
Hôm chủ nhật, 27/2/2011 tôi mới biết tin thầy mất qua diễn đàn viethoc.org, dù đã biết tin thầy ốm nặng từ cả năm trước, nhưng vẫn rúng động ngẩn ngơ, thấy anh Tưởng viết lên diễn đàn hai câu:
Thầy ôi!
Đất có hẹp đâu sao hạc giá?
Trò còn nhiều thế vội quy tiên?
Tôi cũng viết vội hai dòng:
Ôi !
Vạn dặm trời Tây thầy khuất bóng
Ngàn trùng đất khách hạc về non.
Cả ngày hôm qua 28/2, tôi vào mạng xem các báo thấy chia buồn, thương tiếc, ngợi ca thầy Cẩn đủ cả, nhiều bài viết rất hay, nhưng tôi vẫn viết vài dòng này này cho riêng mình, để tưởng nhớ tới thầy, người thầy “nhất tự vi sư” mà mình chưa bao giờ chính thức cắp sách theo học …