Kinh doanh ký túc xá chưa hấp dẫn, vì sao?

Với những ưu đãi về quỹ đất, đảm bảo nguồn SV đến trọ, dự án xã hội hoá KTX của ĐH Quốc gia TPHCM bước đầu cũng đã thu hút một số doanh nghiệp đăng ký tham gia. Nhưng sau khi bàn bạc về phương thức hoạt động, nhiều công ty đã “bỏ của chạy lấy người” vì thấy quá phiêu lưu.

Từ nay đến năm 2010, nhu cầu các trường ĐH - CĐ tại TPHCM cần xây mới khoảng 970.000m2 KTX, cải tạo nâng cấp khoảng 730.000m2. Trong khi chờ ngân sách, nhiều trường ĐH đã tự thân vận động kêu gọi sức dân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng cách thức quản lý và chính sách về thuế vẫn còn nhiều bất cập.

 

Cần đa dạng mô hình

 

Sau hai năm vận động, KTX đầu tiên theo mô hình xã hội hoá của ĐH Quốc gia TPHCM đã chính thức khởi công tại ấp Tân Lập, xã Đông Hoà, huyện Dĩ An, Bình Dương. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Hưng Á, đơn vị đầu tư 100% vốn trong thời gian xây dựng, sử dụng và khai thác công trình là 13 năm. KTX có tổng diện tích 2,4 ha, gồm khu KTX, nhà sách, cửa hàng tạp hoá, căn tin, bể nước ngầm,  thảm cỏ, cây xanh....

 

KTX này có khả năng tiếp nhận hơn 1.500 sinh viên, với tổng dự toán công trình là 14,995 tỉ đồng. Dự kiến đầu tháng 1.2008 sẽ bắt đầu đi vào hoạt động với mức giá cho thuê phổ biến từ 150.000-170.000 đồng/tháng.

 

Ngoài ĐH Quốc gia TPHCM, nhiều trường ĐH ngoài công lập hiện cũng khá chủ động trong việc xoay xở tìm kiếm chỗ ở cho sinh viên để thu hút người học. Trường ĐH Bình Dương được biết đến như một điển hình trong việc xây dựng thành công mô hình KTX trong dân. Trên những con đường vành đai xung quanh ĐH Bình Dương, cứ cách một đoạn lại nhìn thấy những khu nhà biệt lập với các dãy phòng rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây cối. Đó là những KTX sinh viên do dân xây dựng.

 

Theo ông Cao Việt Hưng - hiệu phó Trường ĐH Bình Dương, các KTX ký hợp đồng với trường đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng ốc, nơi sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, người quản lý, nề nếp, giá thuê (khống chế từ 90.000 - 150.000 đồng/SV)...

 

Với phương thức hoạt động này, từ 6 KTX trong những ngày đầu thành lập trường, sau 7 năm đã có 27 KTX ra đời với trên 1.000 phòng ở, có sức chứa 3.000 SV. Khu KTX ít nhất là 20 phòng và nhiều nhất là 80 phòng. Nếu tính chi phí đất đai và tiền đầu tư cho cả vành đai KTX mà dân đã bỏ ra lên đến cả trăm tỉ đồng.

 

Doanh nghiệp “chê”

 

Với những ưu đãi về quỹ đất, đảm bảo nguồn SV đến trọ, dự án xã hội hoá KTX của ĐH Quốc gia TPHCM bước đầu cũng đã thu hút một số doanh nghiệp đăng ký tham gia nhưng sau khi bàn bạc về phương thức hoạt động nhiều công ty đã “bỏ của chạy lấy người” vì thấy quá phiêu lưu.

 

Ông Trần Văn Thông - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Hưng Á tính toán, với mức giá thuê chủ yếu từ 150.000 – 170.000 đồng thì từ lỗ đến lỗ. Nếu sử dụng hết công suất các phòng, nhanh lắm công ty cũng phải mất 11 năm mới hoàn vốn, mà được vậy cũng là mừng rồi, trong khi thời hạn trong hợp đồng quy định sau 13 năm doanh nghiệp phải trả đất cho ĐHQG TPHCM. Đó là chưa kể mỗi năm công ty phải trích 5% tổng thu hỗ trợ lại các hoạt động phục vụ đời sống tinh thần cho sinh viên.

 

Bất kỳ nhà đầu tư nào khi bắt tay xây dựng dự án cũng sẽ tính đến khả năng thu hồi vốn và có lãi. Nhưng với mức giá đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư thì SV lại không có khả năng thuê được.

 

Ông  Thông cho biết có nhiều lý do để doanh nghiệp ngại đầu tư xây dựng KTX: “Trước nhất sinh viên là đối tượng có nhu cầu lớn nhưng lại không có khả năng đảm bảo tự chi trả; thứ nữa là các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nơi ở cho đối tượng này lại chưa được các văn bản luật và nghị định, thông tư của Chính phủ đề cập đến… Điều này, đã làm chùn bước nhiều doanh nghiệp”.

 

Ông Cao Việt Hưng - hiệu phó Trường ĐH Bình Dương cũng thừa nhận rằng, mong muốn lâu dài của nhà trường là hướng các KTX theo các chuẩn do trường đưa ra. Hiện nhiều chủ KTX vẫn đang trong giai đoạn “thăm dò” thị trường nên vẫn chưa dám bỏ số tiền lớn đầu tư.

 

Các KTX do dân xây dựng khu vực này đều là những dãy nhà cấp 4, chi phí đầu tư thấp, để thu hồi vốn nhanh. Ông Ngô Hoàng Á, chủ KTX Hoàng Phong cho biết: “Hiện nhiều chủ KTX có khả năng đầu tư lớn, kiên cố hoá khu KTX nhưng cũng không dám mạnh tay đầu tư vì thuế”.

 

Theo ông Hoàng Á, mỗi năm dù muốn dù không, mỗi chủ KTX cũng đều phải bỏ ra từ mười mấy đến vài chục triệu đồng sửa chữa, tu bổ. Nếu nhà trường có biện pháp đảm bảo được nguồn sinh viên ổn định và lâu dài thì việc đầu tư lớn, tiện nghi hơn sẽ không là vấn đề.

 

Theo Phúc An

Sài Gòn Tiếp Thị