Kiên trì đi là sẽ đến

Là con một gia đình thuần nông nghèo khó, cô sinh viên người dân tộc Nùng Lương Thu Hương quyết tâm học để trở thành một kỹ sư nông nghiệp, giúp gia đình và đồng bào dân tộc mình có thể thoát nghèo từ chính nghề nông.

Gặp em trong buổi lễ nhận học bổng của một tổ chức doanh nghiệp, em gây ấn tượng với người đối diện bởi bộ trang phục “đặc sệt dân tộc” và gương mặt hồn hậu dễ thương cùng giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng.

 

Hương tâm sự: Em sinh ra và lớn lên tại thôn Nà Chùa (xã Hùng Sơn, Tràng Định, Lạng Sơn). Người dân tộc nói chung làm nghề nông rất nhiều hạn chế nên gần như không có hướng đầu tư sản xuất bền vững để nâng cao thu nhập. Khi có mưa lũ, ruộng đồng hay bị ngập lụt và thường mất trắng, không được thu hoạch. Ngay lúc này đây, khi em đang học tập ở Thủ đô thì ở quê em, đồng ruộng vẫn mênh mông nước vì ngập úng...

 

Có lẽ đó là nỗi niềm luôn canh cánh trong từng bước em đi, thôi thúc em từng ngày phấn đấu đèn sách tại lớp K55KTB - Khoa Kinh tế&PTNN, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội. 

 

Phấn đấu học tập để xây dựng quê hương. (Ảnh: Xuân Tùng)
Phấn đấu học tập để xây dựng quê hương. (Ảnh: Xuân Tùng)

 

Vừa chăn trâu vừa học

 

Chia sẻ về khoảng thời gian học phổ thông tại quê nhà, Hương trầm ngâm: Đặc điểm nhận ra em giữa cánh đồng quê đầy trẻ chăn trâu là một cô bé luôn có trên tay sách vở để ôn bài. Từ bé em chỉ sợ nhất là không được đi học, có những ngày mưa to gió lớn hay ốm đau em vẫn cắp sách đến trường, quyết không bỏ buổi và không bao giờ vi phạm nội quy.
 

Khó khăn dù nhiều nhưng chưa bao giờ em bỏ cuộc, em từng phải rơi nước mắt vì đau đớn bệnh tật, cũng có lúc cảm thấy tuyệt vọng nhưng khao khát được đến lớp của em luôn chiến thắng mọi trở lực. 

 

Hương mắc chứng đau bụng từ khi học lớp 5. Đến tận bây giờ, khi đã là sinh viên năm cuối, em vẫn phải sống chung với căn bệnh này mà không tìm được nguyên nhân. “Đau rồi lại khỏi, với em bây giờ những đau đớn của bệnh tật đã trở thành một điều rất quen thuộc”, Hương tâm sự.

 

Hương bùi ngùi nhớ lại những ngày tháng học phổ thông, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngày ngày em vẫn được cắp  sách đến trường nhưng nhất thiết phải dành thời gian phụ giúp bố mẹ làm nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền sinh sống như bắt ốc, hái lá ngải để bán, bán dây lang, bán khoai, đi gặt thuê, cấy thuê, lấy thạch đen thuê... Có lần đi gặt thuê ở làng bên cạnh, vì trời nắng quá và sức khỏe yếu nên em đã ngất ra ruộng. Ngồi trên bờ ruộng, uống chút nước đá để tỉnh lại và tiếp tục làm... Cầm đồng tiền công trên tay, em cảm nhận được những giọt mồ hôi trong đó...

 

Chưa từng biết đến chữ “học thêm”

 

Cũng vì khó khăn mà từ bé đến lớn Hương chưa bao giờ được biết đến chữ “học thêm”. Chỉ đến khi tốt nghiệp cấp 3, chuẩn bị thi vào đại học, vì thương hoàn cảnh khó khăn mà cô giáo đã kèm thêm cho em miễn phí một số buổi.

 

Tin em được lên thành phố học đại học là niềm hạnh phúc lớn lao của cả gia đình nhưng ngay sau niềm vui đó lại là gánh nặng lo toan không giấu nổi trên gương mặt bố mẹ. Hương đã khóc rất nhiều khi lo sợ rằng sẽ không được đi học và tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để niềm vui của bố mẹ được tròn vẹn.

 

Để san sẻ bớt nỗi lo toan kinh tế của gia đình, cô sinh viên dân tộc Nùng Lương Thu Hương không nề hà công việc nào. Từ làm hoa giấy để bán đến dọn dẹp nhà cửa cho nhiều gia đình vào những ngày cuối tuần... để thêm chút tiền trang trải cuộc sống sinh viên xa nhà.

 

Khó khăn là thế nhưng Hương luôn năng nổ tham gia các phong trào tình nguyện, các hoạt động văn hóa thể thao sinh viên, và đặc biệt, sau mỗi năm học, điểm trung bình các môn học của em luôn tăng dần.

 

Bí quyết chỉ là sự quyết tâm

 

Là người dân tộc thiểu số nên việc học tập và cuộc sống của Hương gặp không ít khó khăn từ việc ăn ở sinh hoạt hàng ngày đến việc tiếp cận những kiến thức xã hội, đặc biệt là những thiết bị điện, máy. Hương bẽn lẽn tâm sự: Lên đến đại học em mới biết mặt mũi cái máy vi tính và dò dẫm những nốt phím đầu tiên. Thấy bạn bè rành về công nghệ em vừa thèm thuồng vừa ngại nhưng rất may là các bạn cũng hiểu nên chỉ dẫn cho em rất nhiệt tình. 

 

Từ ngày Hương về Thủ đô học đại học, con trâu mà em chăn từ bé đã được bán đi để mua máy tính phục vụ việc học tập, nên cô luôn coi đó là tài sản lớn nhất của mình và giữ gìn rất cẩn thận.

 

Giờ đây, ước mơ được làm một kỹ sư nông nghiệp giỏi sắp thành hiện thực, cô gái người dân tộc Nùng hạnh phúc lắm vì sắp được mang những kiến thức học được từ mái trường đại học về phục vụ quê hương. Xuất thân từ gia đình nghèo khó, Hương càng hiểu được sâu sắc, muốn thoát nghèo ngoài sự chịu thương chịu khó thì rất cần kiến thức khoa học mới có thể gặt hái được thành quả tốt đẹp.

 

Luôn tâm niệm, được đi học là một niềm may mắn và hạnh phúc lớn lao nên Hương đặt mục tiêu cho mình là ít nhất ra trường phải được đứng trong hàng ngũ của Đảng và có trong tay tấm bằng đại học loại giỏi.

 

Gương mặt ánh lên niềm vui, Hương tự hào cho biết: Cũng nhờ em nhận được học bổng hôm nay mà khoản tiền tháng trước mẹ mượn cho em nộp học phí em đã trả được và từ giờ đến Tết, bố mẹ không phải lo tiền gửi cho em nữa. 

 

Ước mơ của cô gái Nùng xinh đẹp và học giỏi này là: Tất cả học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, có ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện sẽ ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng xã hội, để các em có thể được học tập và theo đuổi ước mơ của mình. Em mong khi ra trường có công việc phù hợp, có đất dụng võ để cống hiến tri thức, sức trẻ cho quê hương, đất nước.

 

“Kiên trì đi là sẽ đến” - Hương cho rằng, thành công hôm nay của em không có bí quyết gì lớn ngoài ý chí quyết tâm vươn lên.

 

Theo Bảo Minh

GD&TĐ