Kiểm định giáo dục ngành kỹ thuật và quan hệ đối tác chiến lược là trọng tâm của Hội nghị VEEC năm 2016
Trong 2 ngày 14 và 15 tháng 4, chương trình Liên minh Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật tại Việt Nam (HEEAP) tổ chức Hội nghị Giáo dục ngành Kỹ thuật tại Việt Nam (VEEC) thường niên lần thứ 4, với mục tiêu nâng cao khả năng kiểm định các chương trình kỹ thuật và mở rộng quan hệ đối tác chiến lược trong ngành. Chương trình HEEAP được thành lập vào năm 2010 bởi Tập đoàn Intel và Đại học bang Arizona (ASU) với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Hội nghị năm nay tập trung vào Tính cạnh tranh của nguồn nhân lực: Quan hệ đối tác Thúc đẩy Kỹ năng và Tiêu chuẩn Vốn con người.
Trong quan hệ với Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Cộng đồng kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các chương trình đào tạo kỹ thuật của Việt Nam đã bắt đầu đẩy mạnh mối liên kết công lập và tư nhân nhằm đảm bảo hệ thống giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực đầu ra sẵn có với tay nghề cao phục vụ đổi mới nền kinh tế đất nước.
Để thu hút thêm nhiều đối tác, với sự hỗ trợ của USAID, Intel, National Instruments, Pearson và các nhà tài trợ khác, HEEAP đã nỗ lực định hướng các trường đại học kỹ thuật và trường dạy nghề hàng đầu của Việt Nam theo tiêu chuẩn kiểm định quốc tế, trong đó có tiêu chuẩn của Hội đồng Kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ (ABET). Dự án Hỗ trợ Giáo dục cho các trường Kỹ thuật (VULII) được thành lập từ năm 2012 đã cung cấp các chương trình phát triển năng lực trong hệ thống giáo dục Việt Nam, cho các đối tượng từ cán bộ viên chức các ban ngành và hiệu trưởng các trường đại học đến các cán bộ quản lý, giảng viên, chuyên viên và lãnh đạo phân khoa kỹ thuật - những người đang đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật tương lai.
"Trước đây chúng tôi đã có những mục tiêu chiến lược, được áp dụng từ hiệu trưởng đến đội ngũ nhân viên nhưng không thành công”, Tiến sĩ Đào Khánh Dư, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng chia sẻ, "Giờ đây, chúng tôi phát triển dựa trên phương pháp tiếp cận từ dưới lên. Quyền làm chủ đồng nghĩa với trách nhiệm, từ đó mọi người bắt đầu chủ động hơn trước các mục tiêu chiến lược này. Đó là một thành công lớn với chúng tôi”.
VULII với các cuộc hội thảo và tập huấn cho nhân viên HEEAP và ASU đã và đang giúp trang bị các kỹ năng và kiến thức lãnh đạo để các nhân viên này có thể tự tin thực hiện quá trình kiểm định.
“Năm 2014, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã trở thành đơn vị đại học đầu tiên đạt chuẩn ABET cho hai chương trình học của mình, sau đó nhiều trường đã tìm cách trở thành thành viên của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN)”, Tiến sĩ Kathy Wigal, Phó Giám đốc Chương trình Đổi mới trong Giảng dạy của ASU cho biết.
Cho đến nay, hơn 400 giảng viên Việt Nam đã được đào tạo tại ASU và các giảng viên này đang đào tạo cho các sinh viên sắp tốt nghiệp những kỹ năng giao tiếp và ứng dụng kỹ thuật cần thiết để đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Năm ngoái, một nhóm giảng viên của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã lần đầu được đến thăm Đại học bang Arizona trong khuôn khổ các dự án đặc biệt Internet of Things (IOT). Ngoài ra, với khoản trợ cấp trị giá 500.000 USD từ Bộ Ngoại giao Mỹ, 44 nghiên cứu sinh là những sinh viên đạt thành tích cao từ Đông Nam Á sẽ được tới Tempe, Arizona theo học tại 2 trường thành viên của ASU theo một chương trình đặc biệt của Tổng thống Mỹ Barack Obama mang tên: Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI).
Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Nhiều cải cách trong trường bắt nguồn từ ASU. Việc thành lập khoa Sáng tạo và Khởi nghiệp có thể xem là một ví dụ cụ thể. Bên cạnh đó, việc ứng dụng phương pháp học trực tuyến, học qua thiết bị di động và mô hình học kết hợp đã tạo ra một cuộc cách mạng trong văn hóa dạy và học tại trường”.
Thu Hiền