Gia nhập WTO và Đổi mới giáo dục đại học:
Kịch bản nào cho giáo dục đại học Việt Nam?
(Dân trí) - Trong hai ngày 11 và 12/12, Diễn đàn quốc tế “Gia nhập WTO và Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam” do Hội đồng quốc gia về giáo dục phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức. Một diễn đàn được coi là sự chuẩn bị cho giáo dục đại học Việt Nam hội nhập.
“Kịch bản nào cho giáo dục Việt Nam thời hậu WTO” là một câu hỏi nóng mà hầu như tất cả các diễn giả đến từ các tổ chức Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu Á, UNESCO và các trường ĐH Thái Lan, Canada, Pháp, cùng lãnh đạo các trường ĐH Việt Nam... đều đang hướng tới.
Giáo dục Đại học Việt Nam chủ động chấp nhận hội nhập
Hiện, trong tổng số 150 nước thành viên của WTO, mới chỉ có 47 nước thực hiện Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) trong dịch vụ Giáo dục. Trong các nước đang phát triển ở Châu Á thì chỉ có Trung Quốc và Thái Lan có các cam kết với GATS trong lĩnh vực giáo dục.
Hai nước có nền giáo dục phát triển khá mạnh là Singapore và Malaysia thì đều chưa có cam kết nào với GATS trong lĩnh vực giáo dục mà đều chủ trương đẩy mạnh đàm phán và ký kết các hiệp định tự do thương mại song phương nhằm chủ động lựa chọn sự đầu tư của các trường ĐH danh tiếng nước ngoài nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn của hệ thống ĐH tư thục trong nước.
11 ngành dịch vụ Việt Nam cam kết, theo phân loại của GATS gồm:
1) Dịch vụ kinh doanh
2) Dịch vụ thông tin
3) Dịch vụ xây dựng
4) Dịch vụ phân phối
5) Dịch vụ giáo dục
6) Dịch vụ môi trường
7) Dịch vụ tài chính
8) Dịch vụ y tế
9) Dịch vụ du lịch
10) Dịch vụ văn hoá giải trí
11) Dịch vụ vận tải. |
Trước quyết định mạnh mẽ này từ phía Chính phủ Việt Nam, GS N.V Varghese, Giám đốc giáo dục ĐH và giáo dục chuyên ngành, IIEP (UNESCO) nhận xét: “Quyết định này sẽ dẫn tới sự giảm sút bình đẳng trong giáo dục.
Thương mại giáo dục vẫn tồn tại và sẽ xảy ra tình trạng thương mại không bình đẳng giữa các đối thủ cạnh tranh, giữa các cơ sở giáo dục từ các nước phát triển và từ các nước đang phát triển.”
Theo TS Phạm Đỗ Nhật Tiến (Bộ GD-ĐT) thì, với tư cách là nước đi sau trong việc gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải chịu sức ép lớn hơn về cam kết trong lĩnh vực giáo dục. Trong khi đó, từ hiệu lực bộ máy đến năng lực quản lý và tiềm lực hệ thống chưa thực sự đảm bảo để giáo dục ĐH Việt Nam mở cửa thành công trong khuôn khổ của GATS.
Vì vậy, Việt Nam cần lựa chọn một kịch bản trung gian là chủ động chuẩn bị từ nay đến năm 2010, sau đó sẽ là tích cực thực thi những cam kết về GATS.
Với việc cam kết thực hiện GATS thì Việt Nam cần chính thức khẳng định giáo dục công lập không thuộc phạm vi điều chỉnh của GATS. Việc mở cửa sẽ chỉ thực hiện trong khu vực giáo dục đại học tư thục. Ngoài các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài tại Mỹ, Anh, Úc, New Zealand, Nhật, Pháp, Hà Lan... các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan... chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào giáo dục ĐH Việt Nam.
TS Phạm Đỗ Nhật Tiến khẳng định, bức tranh giáo dục sẽ có biến động mạnh mẽ ở khu vực tư thục với sự ra đời của khá nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài, chủ yếu là cơ sở giáo dục liên kết. Trong khi khu vực tư thục qua hơn 10 năm hình thành và phát triển vẫn là một hệ thống non trẻ với nhiều yếu kém và về cơ bản vẫn chỉ là nơi lựa chọn cuối cùng trong việc học lên ĐH của thanh niên.
Những thách thức tiềm ẩn
“Các trường ĐH Tư thục nếu không có chương trình hành động để nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ lần lượt bị đóng cửa hoặc phá sản, nhường thị phần giáo dục ĐH Việt Nam cho các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài”- Đó là nhận xét của rất nhiều lãnh đạo các trường ĐH khi tham dự Diễn đàn.
Bên cạnh những thách thức cho các trường tư thục như vậy, GS Võ Tòng Xuân đã nêu ra nguy cơ ở thời kỳ hậu WTO, trong giáo dục người nghèo sẽ dễ thiệt thòi vì khi các nước xuất khẩu giáo dục đầu tư vào thị trường Việt Nam, tất nhiên họ chỉ hướng tới đối tượng có tiền vì có khả năng sinh lời từ đối tượng này. Ranh giới giàu nghèo trong giáo dục sẽ càng tăng khoảng cách.
“GATS có thể buộc mở cửa thị trường giáo dục ĐH để các trường ĐH, công ty nước ngoài vào hoạt động tự do, lập chi nhánh,cấp bằng...và các nhà chức trách bản xứ sẽ không kiểm soát được”- GS Lâm Quang Thiệp cảnh báo.
“Việt Nam phải cẩn thận với hàng rởm!” TS Mark A.Ashwill, Giám đốc Viện Giáo dục Quốc tế tại Việt Nam đã lên tiếng như vậy.
Theo TS Mark A.Ashwill, một số trường ĐH Mỹ không được thẩm định đã tiến hành kinh doanh hoặc đang tìm cách vào Việt Nam và rất nhiều quốc gia khác. Họ đang ra sức tìm kiếm thị trường trên thế giới ở những nơi mà khách hàng kém hiểu biết, không nhậy bén, thích có bằng cấp nước ngoài, nói cách khác đó là những khách hàng dễ bị hại và Việt Nam là một trong những mảnh đất mầu mỡ đó!
Còn theo TS Nguyễn Kim Dung, Viện nghiên cứu giáo dục - Trường ĐHSP TPHCM, thực tế hiện nay sinh viên đều phải loay hoay tự tìm kiếm thông tin về các cơ sở đào tạo nước ngoài ngay khi họ đang hoạt động trên đất nước của chúng ta.
Trong khi đó hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng của Việt Nam mới bắt đầu hoạt động, chưa chú trọng đến việc kiểm định các cơ sở và chương trình đạo tạo liên kết. Chưa kể, sự thiếu minh bạch về chất lượng và quy định hợp lý của các chương trình đào tạo nước ngoài đã tạo điều kiện cho một số cơ sở giáo dục của nước ngoài cung cấp chương trình giáo dục kém chất lượng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến người học.
TS Dung đã đặt các câu hỏi: Sinh viên của chúng ta là ai? Họ sẽ đi đâu sau khi tốt nghiệp? Liệu chúng ta, thông qua các chương trình nhập khẩu này có đạt được các chuẩn mực quốc gia như mong muốn?
Kịch bản nào cho giáo dục Việt Nam thời kỳ hậu WTO hiện vẫn còn là một bài toán khó.
Nhóm PV Giáo dục
(Thực hiện)