Quảng Trị:
“Khuyến học, khuyến tài phải trở thành niềm tin, khát vọng của người dân”
(Dân trí) - Phong trào khuyến học, khuyến tài tại tỉnh Quảng Trị thời gian qua đã phát huy được hiệu quả thiết thực, góp phần chăm lo tốt cho sự học của học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn. Hiện Quỹ khuyến học các cấp đã vận động được số tiền gần 350 tỷ đồng, đã tổ chức trao học bổng, hỗ trợ, khen thưởng cho hơn 470.000 đối tượng.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm lập lại tỉnh Quảng Trị (1/7/1989 - 1/7/2019), Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức buổi gặp mặt cán bộ khuyến học qua các thời kì và báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”.
Tỉnh Quảng Trị là vùng đất có truyền thống hiếu học. Nhằm chăm lo cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài ở địa phương, vào năm 2001, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị ra đời. Sau 18 năm hình thành và phát triển, đến nay tổ chức Hội đã phủ kín toàn tỉnh.
Khi mới thành lập, cuối tháng 12/2002 có 9/9 huyện, thị xã đã thành lập Hội. Đến cuối nhiệm kỳ của Đại hội lần thứ I (2008) toàn tỉnh có 119/136 phường, xã, thị trấn đã xây dựng Hội Khuyến học.
Toàn tỉnh có 347 chi hội khuyến học ở làng bản, khu phố và ở 244 trường học, 187 dòng họ có ban khuyến học với hơn 58.000 hội viên. Đến nay, 10/10 huyện, thị xã, thành phố, 141 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội; tổng số 3.582 tổ chức hội với 192.337 hội viên, chiếm tỷ lệ 30,97% so với dân số toàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị cho biết: Thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” và quyết định số 448/QĐ-KHVN ngày 1/12/2015 của Hội Khuyến học Việt Nam phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập ở Quảng Trị đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Theo lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh, nhằm đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời - xây dựng xã hội học tập; các mô hình khuyến học được các cấp Hội vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương. Sau những năm triển khai đánh giá, xếp loại, công nhận 4 mô hình học tập “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” phong trào khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời - xây dựng xã hội học tập đã có sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục người lớn và lợi ích thiết thực của việc học tập, học tập suốt đời.
Lãnh đạo Hội Khuyến học trao học bổng cho các em học sinh.
Xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” là một cách làm sáng tạo để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã phối hợp với ngành giáo dục triển khai mô hình “Cộng đồng học tập cấp xã” theo Thông tư 44/TT-BGDĐT (12/12/2014 có hiệu lực từ 25/1/2015).
Từ phong trào xây dựng các mô hình học tập với nội dung, tiêu chí cụ thể đã có tác động mạnh mẽ đến việc học tập thường xuyên trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào xây dựng gia đình, làng bản, đơn vị văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Sau 3 năm triển khai việc thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có hơn 120.800 gia đình đăng ký mô hình “Gia đình học tập”; hơn 1.500 “Dòng họ học tập”; hơn 1.000 “cộng đồng học tập” và hơn 700 “Đơn vị học tập” cấp cơ sở do chính quyền xã quản lý.
Hiện nay, Quỹ Khuyến học tỉnh đã duy trì hàng chục loại học bổng ổn định để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng hành, gắn bó với Hội Khuyến học tỉnh, đến nay Quỹ khuyến học các cấp đã vận động được số tiền lên đến gần 350 tỷ đồng, riêng cấp tỉnh là trên 60 tỷ đồng. Đã tổ chức trao học bổng, hỗ trợ, khen thưởng cho 470.920 đối tượng. Hội Khuyến học tỉnh trao cho 28.634 đối tượng. Đặc biệt ở tỉnh hội đã hình thành nhiều loại học bổng ổn định để trao hàng năm cho học sinh, sinh viên.
Ông Trương Sỹ Tiến cho rằng phải có sự đổi mới trong hoạt động khuyến học.
Tại buổi gặp mặt, ông Trương Sỹ Tiến - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị đánh giá, các phong trào khuyến học thời gian qua đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, xã hội, đến các vùng miền xa xôi. Nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh đã được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời để tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập. Hoạt động khuyến học ở các cấp đã mang đến những lợi ích, hiệu quả thiết thực. Chính quyền địa phương và người dân đã thay đổi nhận thức để chung tay vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, nâng cao dân trí.
Ông Tiến cho rằng, hoạt động khuyến học, khuyến tài cần có sự đổi mới, phát triển hơn. Cần xây dựng và phát huy các phong trào khuyến học, khuyến tài trở thành niềm tin, khát vọng của mỗi gia đình, mỗi người dân.
Đăng Đức