Khung trình độ quốc gia: Khắc phục tình trạng “lộn xộn” trong đào tạo đại học
(Dân trí) - Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho các trình độ của giáo dục đại học sẽ tạo cơ sở vững chắc để thực hiện công nhận giữa các nước về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam và khắc phục được tình trạng “lộn xộn” trong đào tạo đại học.
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi Tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho các trình độ của giáo dục đại học vừa qua.
Năm 2023 ban hành chuẩn chương trình đào tạo
Hiện nay Bộ GD&ĐT đã dự thảo kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu chung đổi mới hoạt động đào tạo gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học, phù hợp với quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học; mở rộng cơ hội hội nhập với cộng đồng đại học khu vực và thế giới, tạo ra cơ chế liên thông và hình thành hệ thống giáo dục mở.
Cụ thể, đến năm 2021 hoàn thành xây dựng chuẩn đẩu ra và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực: Sức khỏe, Kỹ thuật, Kế toán-Tài chính, Du lịch, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên;
Đến năm 2022 hoàn thành báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN; đến năm 2023 hoàn thành xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo đối với các ngành thuộc các lĩnh vực còn lại;
Đến năm 2025 các cơ sở giáo dục đại học hoàn thành rà soát, cập nhật chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn chương trình đào tạo đối với các ngành thuộc các lĩnh vực đào tạo của giáo dục đại học.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi lâu nay, các cơ sở giáo dục đại học vẫn tuyên bố sứ mạng, công bố chuẩn đầu ra nhưng sinh viên hay người học ra trường có đạt chuẩn hay không lại là câu hỏi lớn.
Nguyên nhân là do không có thước đo chung nào về chuẩn ngành, năng lực cần phải đạt tối thiểu của sinh viên hay người học sau khi tốt nghiệp một bậc học.
Nâng cao năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực
Theo Bộ trưởng Nhạ, việc triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho các trình độ của giáo dục đại học là cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo, gia tăng mối quan hệ tương đồng với khung trình độ quốc gia của các nước khác (thông qua tham chiếu với khung trình độ khu vực và quốc tế).
Đây là cơ sở vững chắc để thực hiện công nhận giữa các nước về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam và khắc phục được tình trạng “lộn xộn” trong đào tạo đại học hiện nay.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, chuẩn đầu ra của mỗi chương trình đào tạo được thực hiện ở các trình độ khác nhau phụ thuộc vào các chuẩn mực chung tối thiểu đối với từng ngành đào tạo.
Theo đó, việc đánh giá, xây dựng chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình đào tạo theo từng ngành cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp, với các bộ ngành, các chuyên gia, và với cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục đại học.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, không nên thực hiện thí điểm mà nên triển khai đồng thời ở tất cả các ngành thuộc các lĩnh vực khác nhau, bởi mỗi lĩnh vực sẽ làm việc độc lập.
GS Tú nhấn mạnh, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho các trình độ của giáo dục đại học là việc phải làm, đây sẽ là công cụ để kiểm soát các “trường yếu”.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, không một trường đại học nào trên thế giới đào tạo một người ra trường lại không có chuẩn đầu ra, do đó, đây là việc các trường đại học của Việt Nam phải làm, “là cuộc chơi, cuộc cạnh tranh đàng hoàng”.
Về cách thức triển khai, theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, các trường có chung lĩnh vực đào tạo nên ngồi lại với nhau để đưa ra mặt bằng chuẩn chung, đây là chuẩn tối thiểu.
Đặc biệt, không dùng hành chính trói buộc sáng tạo, có nghĩa là sau khi có được khung chuẩn chung mới điều chỉnh các văn bản hiện hành chứ không điều chỉnh văn bản trước, xây dựng chuẩn sau.
Hồng Hạnh