Nói không với “ngồi nhầm lớp”:

Không thể thoả hiệp cùng phụ huynh!

(Dân trí) - “Nhân tiện có chuyện không được lên lớp thì bỏ học luôn, chứ học lên nữa thì cũng chẳng làm gì, tốn tiền, tốn cơm. Nếu cho nó không lưu ban nữa thì gia đình còn có thể cho đi học tiếp!” - Phụ huynh của một học sinh có con vừa bị lưu ban tại kỳ thi bất thường ở Thạch Thành (Thanh Hoá) nói.

Cũng theo phụ huynh này, ở những vùng nông thôn nghèo khó như Thạch Thành thì người ta thường nghĩ đến chuyện bỏ học hơn là chuyện đi học và nhiều khi người ta sẵn sàng cho con bỏ học mà không cần phải có lý do gì, huống hồ là bắt con cái họ phải lưu ban!

 

Quả thật, theo số liệu của Sở GD-ĐT Thanh Hoá thì trong năm học trước, Thạch Thành không xảy ra bão lũ hay thi “sát hạch” gì nhưng vẫn có tới 418 học sinh bỏ học để đi làm ăn kiếm sống.

 

Nhà trường và chính quyền bó tay?

 

Anh Lê Đình Tú, cán bộ huyện Yên Định (Thanh Hoá) cho biết trong huyện của anh, học sinh đang độ tuổi THCS bỏ học để theo anh chị vào Nam kiếm sống là chuyện như cơm bữa.

 

Nhiều hộ gia đình không có trẻ con và thanh niên mà chỉ có hai ông bà già vì các con cháu đều bỏ đi nơi xa làm ăn kiếm sống hết. Việc họ tự nguyện bỏ học là việc mà chính quyền không thể can thiệp. Nếu cố ép họ đến trường thì học thế cũng chỉ mua lấy kết cục là ngồi nhầm lớp.

 

Còn tại ngôi trường có tỷ lệ tốt nghiệp năm 2007 là 0% - trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) khi quyết tâm thực hiện chống ngồi nhầm lớp cho học sinh, kết thúc năm học 2006-2007, đã cho lưu ban một nửa trong tổng số 120 học sinh của trường.

 

Kết cục là trong ngày khai giảng năm học 2007-2008 chỉ có 30 em trong tổng số 60 học sinh lưu ban đi học lại. Lý do để các em không thèm đi học, theo thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Thịnh là vì các em và cha mẹ của các em đều cho rằng đi học làm gì, học lại một năm nữa tốn cơm lắm. Ở nhà làm cái rẫy, rồi con gái lớn thì còn phải đi lấy chồng!

 

Việc tự nguyện bỏ học ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) còn nở rộ gấp bội lần. Chỉ khoảng hai tháng sau ngày khai giảng năm học 2007-2008, toàn trường THCS Nghĩa An có 1.317 học sinh thì có đến 128 học sinh bỏ học.

 

Số lượng học sinh đầu vào lớp 6 hàng năm của Trường THCS Nghĩa An khoảng 400 em. Nhưng, đầu ra lớp 9 chỉ còn không tới 200 em. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi từ 15-18 có bằng tốt nghiệp THCS của xã chỉ chiếm khoảng 40%.

 

Trước sự bỏ học rầm rộ của học sinh như vậy, nhà trường và chính quyền đều... phát hoảng. UBND xã Nghĩa An đã ra quyết định không chứng giấy tạm vắng hoặc đơn xin việc làm cho số học sinh bỏ học giữa chừng hoặc chưa học hết chương trình lớp 9. Nhưng, quyết định gì thì cứ quyết định, học sinh bỏ học vẫn hoàn... bỏ học.

 

Về phía nhà trường thì giáo viên phải vừa dạy, vừa phải dỗ. Học sinh sai, giáo viên cũng không dám nặng lời. Theo thầy Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa An Phạm Văn Nghiệp thì: “Giáo viên đến từng nhà vận động các em ra lớp. Chính quyền địa phương cũng thành lập tổ đi vận động, nhưng không đạt hiệu quả. Hiếm có em ra lớp học lại, nếu có thì học vài bữa rồi cũng bỏ. Nhà trường đã hết cách!”.

 

Còn phó hiệu trưởng, thầy Lê Văn Tạo cười buồn: “Có phụ huynh của học sinh bị lưu ban bỏ học còn ra điều kiện là cho học sinh lên lớp mới đi học tiếp, không thì thôi”.

 

Giải pháp mạnh nhất: Tiền và... Tình

 

Ngành giáo dục đang thực hiện cuộc “Nói không với ngồi nhầm lớp” và cuộc vận động này đang vấp phải một rào cản rất lớn là nếu để học sinh không được ngồi nhầm lớp thì học sinh sẽ bỏ học. Mà để học sinh bỏ học thì đó cũng chính là thất bại của ngành.

 

Giải pháp nào cho tình huống trớ trêu này? Tất nhiên, ngành giáo dục không thể thoả hiệp với yêu cầu không cho lưu ban thì đi học của phụ huynh vì như thế, cuộc vận động “Nói không” sẽ biến dạng thành... “Nói có”!

 

Có lẽ, chưa bao giờ, ngành giáo dục cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội như bây giờ. Lý do chính của việc không được ngồi lớp thì bỏ học, đối với phần đông phụ huynh hiện nay là vì họ quá nghèo, không thể đủ tiền để nuôi con ăn học lại một năm.

 

Trong tình trạng như vậy thì giải pháp tài chính sẽ được coi là một giải pháp mạnh nhất. Nhưng, giải pháp này có thực thi được một cách hiệu quả nhất hay không thì còn phải phụ thuộc vào rất nhiều cái “tình” của người dùng tiền để “nịnh” học sinh trở lại trường và gắn bó hơn với việc học, kể cả khi các em đã bị lưu ban.

 

Vì thế, tại một trường nghèo như trường THPT Đinh Tiên Hoàng của Quãng Ngãi, mặc dù cuộc sống vốn rất thanh đạm của một nhà giáo, lại là một nhà giáo ở chốn thâm sơn cùng cốc nhưng thầy giáo Đinh Thế Thảo vẫn tự bỏ tiền túi ra để khuyến khích học sinh học giỏi.

 

Trong số 20 học sinh của lớp 12 năm học 2007-2008 của trường, cứ học sinh người Kinh nào thi đỗ tốt nghiệp thì thầy bỏ tiền túi thưởng 200.000 đồng, và học sinh người dân tộc thiểu số thì thưởng 300.000 đồng.

 

Còn tại TPHCM, Ban vận động người nghèo của TP đã giúp 6.000 học sinh của 20 xã phường nghèo nhất số tiền hỗ trợ lên đến gần 5 tỷ đồng...

 

Nhưng, một trong những người thực hiện tốt nhất công việc tác động để các em “thèm” đi học một cách có tình nhất chính là Hội Khuyến học Việt Nam.

 

Như ở Sín Chéng, Lào Cai, nhờ có tác động của khuyến học nên dù trong cặp lồng của hầu hết trẻ đi học 2 buổi/ngày ở đây đa số là cặp lồng chỉ có cơm với muối nhưng các em vẫn đi học đều. Học sinh hoàn thành Tiểu học vào lớp 6 và hoàn thành chương trình THCS đều đạt tới 98%.

 

Ở khắp các địa phương, Hội Khuyến học Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An... đã giúp cho các em học sinh nghèo có thêm cơ hội được đến trường với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

 

Mai Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm