Không robot nào có thể thay thế được ngành “Công nghệ giáo dục”

(Dân trí) - Thời gian gần đây, đứng trước ngưỡng cửa kỳ thi Đại học, nhiều học sinh và các bậc phụ huynh muốn tìm hiểu ngành nào trong tương lai không bị “cơn bão” Robot trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) thay thế. Trong bài viết này, sẽ giúp học sinh và các phụ huynh rõ hơn một ngành mới có liên quan đến Công nghệ thông tin (CNTT) phù hợp với CMCN 4.0

Không robot nào có thể thay thế được ngành “Công nghệ giáo dục” - 1

 

Bản chất của giáo dục đại học 4.0

Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã trải qua 4 cấp độ công nghệ (CN). Mỗi cấp độ CN lại hình thành nên cuộc cách mạng công nghiệp (CN) và cách giao tiếp tương ứng, cụ thể:

Các cấp độ công nghệ và chức năng

Các cấp độ Công nghệ

Cách mạng Công nghiệp tương ứng

chức năng giao tiếp

Cấp độ CN 1 : Động cơ hơi nước, xuất hiện giấy, bút, bút chì, sách báo

Cách mạng CN 1.0.

Giao tiếp nhờ sử dụng chữ tượng hình

Cấp độ CN 2 : Động cơ đốt trong, máy móc sử dụng điện, điện thoại cố định, ti vi, truyền thanh

Cách mạng CN 2.0.

Giao tiếp thông qua truyền thanh, liên lạc hữu tuyến

Cấp độ CN 3: Hạ tầng điện tử, máy tính và công nghệ kĩ thuật số, các cơ sở dữ liệu, mạng Internet, điện thoại di động

Cách mạng CN 3.0.

Giao tiếp sử dụng kết nối không dây

Cấp độ CN 4: Điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh, mạng cảm biến vô tuyến, IOT (kết nối vạn vật)

Cách mạng CN 4.0.

Giao tiếp thông minh

 

Giáo dục là một hình thức truyền thông dựa trên cách thức giao tiếp và chính sự thay đổi về cách thức cùng phương tiện giao tiếp đã tạo nền móng ra đời các mô hình giáo dục Đại học (giáo dục ĐH) mới tương ứng.

Theo [1], Ong J.C.B đã thiết lập mối quan hệ giữa bốn thành tố : thời gian, cấp độ CN, cách mạng CN và giáo dục ĐH. Trước năm 1900 là thời kỳ cấp độ CN 1 tạo nên Cách mạng CN 1.0 và tương ứng giáo dục ĐH 1.0 … Sau năm 2000 là cấp độ CN 4 tạo nên Cách mạng CN 4.0 và tương ứng giáo dục ĐH 4.0 như bảng 2

Các giai đoạn phát triển giáo dục:

ĐẶC TÍNH

TRƯỚC NĂM 1900

CẤP ĐỘ CN 1

CMCN 1.0

GIÁO DỤC ĐH 1.0

NHỮNG NĂM 1900 ĐẾN 1980

CẤP ĐỘ CN 2

CMCN 2.0

GIÁO DỤC ĐH 2.0

NHỮNG NĂM 1980 ĐẾN 2000

CẤP ĐỘ CN 3

CMCN 3.0

GIÁO DỤC ĐH 3.0

NHỮNG NĂM 2000

CẤP ĐỘ CN 4

CMCN 4.0

GIÁO DỤC ĐH 4.0

Công nghệ

Giấy và bút chì

Máy tính để bàn và xách tay

Internet và điện thoại di động

Vạn vật kết nối Internet IOT

Phương pháp giảng dạy

Một chiều

Hai chiều

Đa chiều

Mọi nơi

Trường học

Gạch và vữa

Gạch và nhấp chột

Mạng lưới

Hệ sinh thái

Chương trình đào tạo

Đơn ngành

Đa ngành

Liên ngành

Xuyên ngành

 

Một số trường Đại học danh tiếng của Mỹ, Anh.. đã tiếp cận với Giáo dục ĐH 4.0, trong khi đó giáo dục ĐH Việt Nam đang chủ yếu sử dụng cập độ CN 1 & CN 2 là giấy, bút chì, máy tính bàn, máy tính xách tay, phương pháp dạy là một chiều, hai chiều, và chương trình giáo dục tiếp cận đơn ngành với đa ngành.

Như vậy nếu đối chiếu với thông tin trên thì giáo dục ĐH Việt Nam đang ở giai đoạn Giáo dục ĐH 2.0.

Nếu chúng ta vẫn quanh quẩn các bước tuần tự, qua Giáo dục ĐH 3.0 rồi mới đến Giáo dục ĐH 4.0 thì mãi mãi giáo dục ĐH Việt Nam vẫn chậm so với giáo dục ĐH thế giới.

Một câu hỏi đặt ra, làm thế nào để giáo dục ĐH Việt Nam tiếp cận thẳng với Giáo dục ĐH 4.0 mà không qua giai đoạn phát triển giáo dục ĐH 3.0.? Đây là đề tài thuộc tầm vĩ mô liên quan đến cả hệ thống chính trị và các Bộ ngành liên quan.

Trong khôn khổ bài báo này, tác giả chỉ giới hạn phác thảo một giải pháp ở Đại học Bách khoa Hà Nội là xây dựng ngành “Công nghệ thông tin giáo dục” (CNTT giáo dục) bậc Đại học đáp ứng ba đặc tính của Giáo dục Đại học 4.0 : Phương pháp giảng dạy: Mọi nơi, trường học: Hệ sinh thái, và chương trình giáo dục: xuyên ngành

Những nhận định sai lầm

Thực tế, từ năm 2000 đến nay, cùng với CMCN 4.0, hai ngành giáo dục và công nghệ thông tin (CNTT) đã giao thoa với nhau tạo thành liên ngành “CNTT giáo dục”, nhưng đáng tiếc, ở Việt Nam chưa có một cơ sở giáo dục ĐH nào đứng ra công khai tuyên bố sự tồn tại của ngành học này.

Nguồn nhân lực ngành “CNTT giáo dục” chủ yếu lấy từ các sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT rồi tự học trong thực tế để hành nghề nên các nhà khoa học chuyên về CNTT cho rằng ngành “CNTT giáo dục” là ngành hẹp của ngành CNTT, còn các nhà khoa học giáo dục lại cho rằng ngành “CNTT giáo dục” là thuộc ngành khoa học giáo dục và CNTT chỉ là công cụ của giáo dục…

Cả hai nhận định trên là hoàn toàn sai lầm, vì họ chưa đứng trên quan điểm của CMCN 4.0, chưa hình dung Giáo dục ĐH 4.0 mà ở đó Trường ĐH không chỉ là tòa nhà được xây dựng từ gạch và vữa, trường ĐH còn là một Hệ sinh thái học tập, chương trình đào tạo không phải đơn ngành mà là Liên ngành & xuyên ngành...

Do đó hình hài, mô hình, thành phần, nguyên lý hoạt động của ngành “CNTT Giáo dục” không phải như ngành CNTT, cũng không phải như các ngành giáo dục truyền thống.

Chính vì những ngộ nhận như trên mà từ năm 2000 đến nay, “trăm hoa đua nở”, ngành CNTT cũng nghiên cứu “CNTT giáo dục” và các nhà khoa học giáo dục cũng triển khai nghiên cứu “CNTT giáo dục”. Do nghiên cứu thuần túy “đơn ngành” và “khập khiễng” nên cho đến nay ngành “CNTT giáo dục” Việt Nam chưa có một sản phẩm nào có đẳng cấp mang tầm khu vực Asia.

Hệ sinh thái học tập trong mô hình “CNTT giáo dục”

Nếu mô hình giáo dục ĐH truyền thống là trường - lớp, thầy-trò, sách-vở, học hành-thi cử, bằng cấp-việc làm... thì ngành “CNTT giáo dục” bậc ĐH được xây dựng từ nền tảng công nghệ IOT (Internet of things) và Web 2.0.

Chương trình & nội dung đào tạo của ngành “CNTT giáo dục” phải bao hàm các học phần liên quan đến IOT, internet, Web 2.0 ... nên học tập không “đóng khung” trong không gian học tập trường-lớp mà là sự kết nối của nhiều yếu tố, theo dạng một HỆ SINH THÁI HỌC TẬP.

Web 2.0 đưa ra không gian hệ sinh thái học tập mới: tri thức kết nối mạng và vận hành các mạng lưới học tập. Đây là điểm nhấn chính trong xu hướng phát triển giáo dục ĐH 4.0. Nguồn tri thức ngày nay là phức hợp, xuyên ngành, từ các tri thức hàn lâm, chính thống phục vụ học tập chính thức do các chuyên gia đưa ra, tới các tri thức kết nối như là kết quả sáng tạo từ quá trình suy nghĩ, kết nối các nguồn tri thức do người học tạo ra.

Và lúc này CNTT không chỉ là công cụ, mà là môi trường sinh thái cho học tập & quản lý giáo dục. Cũng giống như cá sống được là nhờ môi trường nước, ngành “CNTT giáo dục” tồn tại và phát triển là nhờ hệ sinh thái kết nối mạng – không thể tách rời mạng kết nối.

“CNTT giáo dục” còn là sự kết hợp giữa công nghệ thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật cho phép thông tin, kiến thức, tri thức của nhân loại thường xuyên đưa lên “mây” (internet) cho bất cứ mọi người tra cứu.

Trường học không cố định là những tòa nhà đắt tiền, trường học là một hệ sinh thái “trên mây”(mạng internet). Nhờ công nghệ IOT, nên mỗi đồ vật, mỗi con người được cung cấp một định danh của riêng mình và tất cả đều có khả năng truyền tải trao đổi thông tin dữ liệu qua mạng. Lúc đó giờ học không cố định trên lớp, người học không cần đến lớp mà chỉ cần có điện thoại kết nối internet là có thể theo dõi được bài giảng.

Dạy và học tiếp cận chương trình đào tạo xuyên ngành trong “CNTT giáo dục”

Trong nghiên cứu khoa học, nếu tiếp cận đơn ngành là tìm kiếm giải pháp thông qua “ống kính” của một ngành học duy nhất thì tiếp cận xuyên ngành là tìm kiếm giải pháp một cách sáng tạo từ các ngành khác nhau và những khả năng kết hợp các ngành đó để cho ra những sản phẩm nghiên cứu mới, sản phẩm mới đó có thể không phải là một trong những ngành ban đầu.

Trong chương trình đào tạo, xuyên ngành còn là sự phối hợp mọi ngành trong một hệ thống đào tạo. Chương trình đào tạo “CNTT giáo dục” theo hướng nghiên cứu sử dụng các phương tiện Kỹ thuật số, phương tiện truyền thông internet, công nghệ phần mềm, trang web, các trò chơi, video và các ứng dụng di động để trung chuyển tri thức kỹ thuật đến người học.

Đối với các đơn ngành truyền thống như ngành CNTT, ngành giáo dục, người giáo viên sẽ truyền tải nội dung học tập trực tiếp đến người học, thì ngành “CNTT giáo dục” vừa số hóa nội dung bài giảng vừa có thể góp phần thay thế chức năng truyền tải của giáo viên truyền thống.

Sinh viên tốt nghiệp ngành “CNTT giáo dục” trở thành người Thầy tổ chức lớp học trực tuyến, tổ chức lớp học ảo, lớp học B-learning… Bài giảng của Thầy sẽ được số hóa để bổ sung vào tài nguyên học tập trên mạng và để kết nối với không gian học tập mới giúp người học có thể tự học với những thao tác đơn giản nhất.

Tính chất xuyên ngành còn thể hiện ở kết quả đầu ra của sinh viên tốt nghiệp. Ngoài kiến thức xuyên ngành về CNTT và khoa học giáo dục, chương trình đào tạo ngành “CNTT giáo dục” còn trang bị cho người học những kỹ năng mềm, học cách số hóa bài giảng và cách trung chuyển kiến thức trên mạng… để khi ra trường họ có thể vừa là Thầy, vừa là kỹ sư, vừa làm phóng viên hay đạo diễn truyền hình.

Do mới hình thành ngành “CNTT giáo dục” nên chương trình đào tạo ngành này tập trung vào 4 hướng chuyên sâu : “CNTT giáo dục” Điện tử, “CNTT giáo dục” Tin học, “CNTT giáo dục” Viễn thông, “CNTT giáo dục” Cơ khí.

Ví dụ sinh viên tốt nghiệp ngành “CNTT giáo dục” Viễn thông vừa có trình độ tương đương kỹ sư Viễn thông vừa có đủ năng lực làm Thầy để đảm nhiệm các khóa học mở trên mạng về Viễn thông. Thầy giáo “CNTT giáo dục” Viễn thông có thể không nghiên cứu chuyên sâu các công nghệ mới về Viễn thông, nhưng có đủ năng lực tiếp thu công nghệ mới để khi cần dạy chuyên đề mới này họ biết và mời được chuyên gia giỏi nhất về Viễn thông thực hiện dưới sự đạo diễn của Thầy “CNTT giáo dục” Viễn thông.

Đối chiếu với thông tin trên, ngành “CNTT giáo dục” đã phân tích trên hoàn toàn đáp ứng Giáo dục ĐH 4.0. Để ngành mới này không bị trùng lặp từ khóa với các ngành “Công nghệ thông tin” truyền thống đã có, trong khi đăng ký mở ngành mới “CNTT giáo dục”, trường Đại học Bách khoa Hà Nội thống nhất ngành mới “CNTT giáo dục” được viết gọn là “Công nghệ giáo dục”. Vì tính chất xuyên ngành nên từ khóa “Công nghệ” trong ngành mới “Công nghệ giáo dục” không chỉ có nội hàm “Công nghệ thông tin” mà còn tích hợp của nhiều ngành khác như: Công nghệ Thực tế ảo, Công nghệ Đa phương tiện, Công nghệ truyền thông, Công nghệ nhận dạng, Công nghệ xử lý ảnh…. Với ngành mới “Công nghệ giáo dục” như đã trình bày ở trên, trong tương lai không một robot nào có thể thay thế công việc của ngành này.

Tài liệu tham khảo

[1]. Ong. J.C.B (2017), Overview of Education 4.0 and AUN-QA Framework. Unpublished presentation hand-outs. Ho Chi Minh City, Viet Nam.

PGS.TS Ngô Tứ Thành – Đại học Bách khoa Hà Nội