"Không phải trường “điểm” là trường có chất lượng..."
(Dân trí) - Lần đầu tiên, các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội sẽ có cơ hội hướng tới giáo dục toàn diện một cách chuẩn mực, thông qua quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường phổ thông ở Hà Nội.
PV Báo Dân trí cũng đã cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Hưng, Phó trưởng phòng quản lý thi và kiểm định chất lượng, sở GD - ĐT Hà Nội xung quanh vấn đề này:
Xin ông cho biết, ý tưởng xuất phát cho việc ban hành quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường phổ thông Hà Nội?
Thực tế trong thời gian qua, các trường phổ thông ở Hà Nội thường hoạt động đa chiều, chưa theo một quy chuẩn nào cả. Điều này sẽ ảnh hưởng tới giáo dục toàn diện cho học sinh. Chính vì vậy, việc Sở GD - ĐT Hà Nội ban hành quy định này là nhằm tháo gỡ, khắc phục những hạn chế trên. Quy định này sẽ được coi là công cụ giúp các nhà quản lý của các trường trong việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới giáo dục toàn diện.
Vậy trường “chuẩn” có gì khác so với trường “điểm” hiện nay?
Trường “điểm” là theo cách nhận định của các bậc phụ huynh, học sinh. Còn những trường đạt tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng phải là những trường có chất lượng giáo dục toàn diện. Căn cứ vào những tiêu chí trong kiểm định, không phải những trường “điểm” là trường có chất lượng giáo dục toàn diện và đạt chuẩn về kiểm định chất lượng. Điều này sẽ giúp cho các bậc phụ huynh, học sinh nhìn nhận chính xác hơn về chất lượng giáo dục của từng trường.
Đối tượng được kiểm định sẽ là những trường phổ thông nào, thưa ông?
Để có cơ sở trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, chúng tôi muốn đánh giá đúng chất lượng giáo dục hiện nay của các trường phổ thông trên toàn thành phố. Như vậy, tất cả các trường phổ thông từ tiểu học đến THCS, THPT đều được kiểm định chất lượng, ước tính khoảng gần 1000 trường.
Xin ông cho biết, cách thức kiểm định chất lượng sẽ như thế nào?
Có 5 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí và 85 chỉ số giáo dục thành phần làm căn cứ để đánh giá chất lượng giáo dục hiện tại của nhà trường. Để thuận tiện cho việc đánh giá, các nhận xét đều được lượng hoá bằng điểm. Theo quy định, tổng số điểm để đạt chuẩn là 1000 điểm. Trong đó, phần điều kiện để đảm bảo chất lượng là 600 điểm, phần kết quả sản phẩm (chính là học sinh – PV) là 400 điểm. Dựa vào ngưỡng cần đạt cho từng chỉ số và tổng số điểm mà nhà trường đã đạt được, Hội đồng kiểm định đưa ra kết luận chất lượng giáo dục của nhà trường đã đạt hoặc chưa đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp thành phố.
Vậy bao giờ chúng ta sẽ tiến hành kiểm định chất lượng các trường, thưa ông?
Dự kiến đến tháng 1/2006, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm định tại một số trường tiêu biểu cho các khu vực nội, ngoại thành dựa trên quy định tạm thời này. Đây là cơ sở để hoàn thiện và ban hành quy định chính thức về kiểm định chất lượng. Khi có quy định chính thức thì Sở GD – ĐT Hà Nội mới yêu cầu tất cả các trường phổ thông trên địa bàn tham gia vào việc kiểm định chất lượng giáo dục.
Xin cảm ơn ông!
Lan Hương