Không phải cứ học nhiều là tốt
(Dân trí) - Những nhận định tưởng như trái ngược nhưng được đúc rút từ kinh nghiệm sống và quá trình học hỏi tìm tòi của anh Giản Tư Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty PACE Việt Nam đã làm nóng không khí buổi nói chuyện với “sinh viên 3 tốt” ĐHQG TPHCM hôm 15/12.
Sinh năm 1974, Giản Tư Trung được xem là một trong những doanh nhân trẻ dám nghĩ dám làm khi anh quyết định mở một công ty chuyên về đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp với mục tiêu là nâng cao doanh trí bằng tri thức thế giới và giá trị thực học. PACE đào tạo ra nguồn nhân lực cao cấp như giám đốc điều hành, tài chính, tiếp thị, nhân sự, sản xuất… Mong ước của người giám đốc trẻ này là sau 10-15 năm nữa, Việt Nam không chỉ đủ giám đốc cho nhu cầu trong nước mà có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Đến với sinh viên 3 tốt, anh Giản Tư Trung hỏi: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh viên là gì”. Với câu trả lời là việc học, buổi nói chuyện xoay quanh vấn đề này.
Theo quan điểm của Giản Tư Trung, nên phân biệt việc học ở phổ thông và học ở đại học. Với anh, học ở phổ thông là để làm người còn học ở đại học là để làm nghề. “Vậy làm người là như thế nào. Gia đình hay bảo chúng ta nên cố gắng học thành người. Nhưng chưa ai chỉ cho chúng ta thấy làm người cụ thể là phải làm gì”. Dẫn câu chuyện về một em bé bị hành hạ suốt 13 năm trời ở Hà Nội, anh Giản Tư Trung nói: “Con người phải có nhân tính: người không thể đánh người và nhất quyết cũng không thể xem cảnh người đánh người”.
Tuy nhiên, dù ở bậc học nào thì người học cũng phải tự mình trả lời 3 câu hỏi: Lý do học, học cái gì và học như thế nào. Nếu không trả lời được thì việc học coi như bị phá sản. Giản Tư Trung dùng câu: “Nếu không trả lời được thì bỏ học ngay”. Câu nói này làm nhiều “sinh viên 3 tốt” ĐHQG TPHCM ồ lên thích thú.
Nhận định về tình trạng khủng hoảng thiếu nhân lực trong các công ty tại Việt Nam, anh cho rằng nguyên nhân một phần từ sự học của sinh viên. “Vấn đề không phải là học nhiều hay học ít mà là kiến thức có được dùng vào cuộc sống hay không, kiến thức có chuẩn không, có được xã hội đang sử dụng không. Không phải cứ học nhiều là tốt. Học đại học là học khoa học của vấn đề chứ không phải là học vấn đề. Một nhà trường tốt là dạy cho người học cách tư duy sự việc”.
Hỏi có bao nhiêu sinh viên muốn làm ông chủ, nhiều cánh tay sinh viên giơ lên. Anh Giản Tư Trung chia sẻ: Làm công hay làm chủ không quan trọng, vấn đề là tạo ra nhiều giá trị nhất cho mình và xã hội. Một trong những triết lý sống của anh là: Con người không phải được đánh giá bằng danh vị mà bằng chính những gì mà người đó đã làm được trong cuộc đời. Tiền là hệ quả chứ không phải mục đích của kinh doanh.
Giản Tư Trung kể rằng, khác với Việt Nam xem những bạn trẻ đoạt các huy chương Olympic như những người hùng, các nước phương Tây vẫn xem đó là chuyện bình thường. Vì phương Tây quan niệm rằng: Chỉ ngó những ai mang lại giá trị cho xã hội chứ khôn ngó những ai chỉ mang lại giá trị cho chính họ.
Giản Tư Trung sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, học cấp III tại Nha Trang, học ĐH Kinh tế và ĐH Luật tại TPHCM. Thời sinh viên, anh vừa là Phó bí thư đoàn trường vừa làm đủ nghề kiếm sống như thợ sơn bảng, thợ chụp ảnh và lập cơ sở nhựa tại Chợ Lớn. Anh từng làm việc cho 3 trong số 4 tập đoàn tư vấn lớn nhất thế giới là KPMG, PwC và DTT. Sau đó anh rời các tập đoàn lớn để làm việc tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Hà Nội, rồi đứng đầu một công ty kiểm toán. Năm 2001, anh thành lập Tổ hợp Giáo dục PACE, hiện có 5 đơn vị thành viên, trong đó thành viên đầu tiên là Trường Doanh Nhân & Giám Đốc PACE. |
Hiếu Hiền