Dự thảo tiêu chí thay thế điểm sàn ĐH,CĐ:
Không nên có nhiều mức điểm sàn!
(Dân trí) -Bộ GD-ĐT vừa có dự kiến ban hành quy định về công tác xét tuyển trong tuyển sinh ĐH-CĐ. Theo đó, thi “3 chung” sẽ có 3 hoặc 4 mức điểm xét tuyển cơ bản cho từng khối thi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều mức điểm sàn như vậy cũng không hợp lý.
Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, về công tác xét tuyển trong tuyển sinh 2014, các trường có Đề án tự chủ tuyển sinh đã được Bộ GD-ĐT xác nhận đáp ứng các yêu cầu theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy thì tổ chức xét tuyển theo các quy định tại Đề án.
Với xét tuyển theo kỳ thi chung của Bộ GD-ĐT, Hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào căn cứ kết quả thi của thí sinh trong cả nước đề xuất Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét công bố một số mức (3 hoặc 4 mức) điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào đại học và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào cao đẳng.
Bên cạnh đó, Bộ cũng giao cho các trường tự quyết định và công bố công khai một môn thi chính theo khối thi được nhân hệ số 2 đối với từng ngành của trường.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: “Mục đích của quy định xét tuyển này: để đảm bảo chất lượng đầu vào, tạo sự công bằng, minh bạch trong tuyển sinh; từng bước thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học; giúp cho thí sinh biết về chất lượng đầu vào của từng trường, từng ngành để chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực”.
Tuyển sinh 2014, thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn.
PGS. TS. Lê Hữu Lập - PGĐ Học viện Công nghệ BCVT: Đưa ra nhiều mức điểm xét tuyển, không giải quyết được vấn đề gì!
Tôi thấy, quy định xét tuyển của Bộ GD-ĐT không hề ảnh hưởng gì đến các trường có điểm xét trúng tuyển hàng năm cao hơn sàn, hoặc cao hơn sàn nhiều. Vậy nó chỉ điều chỉnh cho các trường top dưới.
Việc đưa ra nhiều mức điểm cơ bản cho công tác xét tuyển không giải quyết vấn đề gì. Quan trọng là mức điểm cơ bản thấp nhất được xây dựng trên quan điểm nào, khác với việc xây dựng sàn các năm trước ra sao? Nếu cùng các tiêu chí xây dựng điểm sàn như các năm trước mà năm nay hạ thấp điểm sàn (mức cơ bản thấp nhất) hơn nữa thì thực chất để tháo gỡ khó khăn của một số trường top dưới trong tuyển sinh, kéo theo chất lượng đầu vào thấp xuống.Đưa ra nhiều mức điểm cơ bản, không giải quyết vấn đề phân tầng các trường vì đa số các trường top dưới đều phải tuyển nhiều đợt, hồ sơ ảo là khá nhiều (do thí sinh có nhiều phiếu xét tuyển). Nên các trường này phải nhận hồ sơ thí sinh với điểm cơ bản thấp nhất. Quan trọng điểm trúng tuyển nhà trường công bố là bao nhiêu, lúc ấy mới phân tầng được đầu vào của trường đó, hoặc ngành học đó trong trường. Như vậy không thể dựa vào tiêu chí điểm công bố nhận hồ sơ để phân tầng được. Vài năm nữa bỏ thi “3 chung”, cũng như hiện nay nhiều trường đã tuyển sinh riêng, nên lấy tiêu chí điểm đầu vào để phân tầng cũng sẽ nhanh lạc hậu. Phân tầng trường đại học phải dựa trên các tiêu chí kiểm định chất lượng trường ĐH mà Bộ đã công bố.
Về vấn đề nhân hệ số 2 với môn chính có ưu điểm nhất định, một số trường cũng đã áp dụng tuyển sinh trong những năm qua. Tuy nhiên, một khối thi xét cho nhiều ngành, một ngành tuyển ở nhiều khối và vấn đề cộng điểm ưu tiên nữa sẽ làm phức tạp thêm khâu quản lý tuyển sinh. Chắc các trường cũng phải cân nhắc kỹ.
Theo tôi, chỉ cần 1 mức điểm cơ bản tối thiểu để đảm bảo chất lượng đầu vào, có thể nhân hệ số 2 với môn chính, tùy từng trường. Sau kỳ thi tuyển sinh 3 chung xong, Bộ nên công bố công khai thông tin điểm xét tuyển đầu vào của từng ngành, từng trường, theo một số mức điểm và kèm theo số lượng tuyển được theo mức điểm đó. Lúc ấy, xã hội sẽ biết đầu vào của từng ngành, từng khối, từng trường ra sao.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi: Chỉ quy định 1 mức điểm tối thiểu!
Hoan nghênh Bộ GD-ĐT đã có những thay đổi kịp thời trong việc bỏ điểm sàn của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, mặc dù chưa phải đã là thay đổi cơ bản và toàn diện như NQ
29-NQTW.Theo tôi, việc cho một số trường được xét truyển sinh riêng (nhất là khối Nghệ thuật là phù hợp với Điều 43 Luật Giáo dục Đại học. Tuy nhiên, thông tin để các trường làm Đề án xét tuyển riêng không rõ ràng cụ thể nên nhiều trường khác đã có Đề án kính trình Bộ nhưng lại chưa được xem xét (có thể cơ chế xin cho còn hạn chế khâu nào đó) nên Bộ cần có thông báo cụ thể: Các trường ĐH, CĐ nào cam kết là có phương án tuyển sinh giống với 62 trường đã được Bộ chấp thuận thì cũng cho phép được xét tuyển như vậy.
Mức điểm xét tuyển theo kỳ thi chung của Bộ GD-ĐT dự kiến 3-4 mức, lại phân chia loại trường, ngành không có (hoặc có) môn thi chính, có hệ số… là khá phức tạp; khó hiểu đối với cả phụ huynh và thí sinh. Thực chất các mức này cũng là các sàn cao thấp khác nhau mà thôi.
Tôi xin kiến nghị với Bộ GD-ĐT là nên chỉ quy định 1 mức điểm tối thiểu phải đạt qua ngưỡng kỳ thu năm 2014. Căn cứ mức điểm đó cho phép Hiệu trưởng các ĐH, CĐ tự xác định điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành học, trường mình. Phổ điểm chuẩn của các trường đã nói lên chất lượng đầu vào của mỗi trường (cũng là 1 dấu hiệu cho phân tầng các ĐH, CĐ chứ không phải là 1 tiêu chí duy nhất).
Những trường nào kiến nghị với Bộ điểm chuẩn dưới mức ngưỡng đó thì Bộ cần thanh tra, xem xét cụ thể; nếu đúng là có các tính chất đặc thù thì chấp thuận đề xuất của Hiệu trưởng, nếu không đảm bảo chất lượng thì cho dừng đào tạo ngành đó. Điều này phù hợp với chức năng quản lý của Bộ.
Hồng Hạnh (ghi)