Không nên cầu dễ trong học tập

Cũng như nhiều bạn đọc khác, trước hết tôi xin hoàn toàn chia sẻ với những lời than phiền về tình hình giáo dục hiện nay. Trong gia đình, bọn tôi cũng thường được nghe các cháu kể khổ như vậy. Và nói gì thì nói, phải nhận đó là lỗi của ngành “đào tạo con người” ở ta, bao gồm từ quan niệm tổng quát về giáo dục, cho tới sự phân bố chương trình, việc viết sách giáo khoa, cách cho điểm v.v..

Nhìn qua đã thấy đấy là những kém cỏi trong công việc. Mà quy đến cùng thì  phải  gọi cách làm ăn đó là làm khổ con người, thậm chí là thiếu tinh thần nhân văn nhân đạo

 

Thế nhưng, cũng như những bất cập khác trong đời sống, những bất cập trong ngành giáo dục không phải ngày một ngày hai giải quyết được ngay .

 

Nhân gần đây có tìm  hiểu  lại lịch sử giáo dục, tôi  thấy  trên phương diện này, truyền thống mà chúng ta đang có không dày dặn như chúng ta tưởng, ông cha ta xưa cũng chỉ nói nhiều tới khoa cử chứ chưa hình thành được một quan niệm cũng như một nền nếp tốt trong giáo dục, chính đó cũng là lý do hiện nay chúng ta loay hoay nhiều  với chuyện học hành của con em mà chưa biết giải quyết ra sao.

 

Bởi vậy tôi cho rằng sau khi  đã “ kể khổ” như vậy, đúng hơn là đồng thời với việc đó,   mỗi người không nên quên hướng sự suy nghĩ của mình và con em mình  theo một quỹ đạo khác: đầu tư thời gian và sức lực hơn nữa cho cái việc ta đang làm quá kém này.

 

Chỉ cần nghĩ tới  tình hình sự phát triển của kiến  thức của nhân loại đã phát triển  mức kinh khủng như hiện nay, thì đã thấy việc học không nhẹ nhàng chút nào.

 

Đối với một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh như nước mình, để khắc phục một tình trạng lạc hậu đến đau xót, mà hàng ngày ai cũng cảm thấy – làm gì có con đường nào khác là phải bảo nhau khổ học, học cho nhanh chóng bằng người?!

 

Cố nhiên để học tốt, một yếu tố quan trọng là chương trình, sách giáo khoa, việc giảng dạy của các thày các cô… Nhưng yếu tố trước tiên vẫn là sự ham học, là tinh thần khổ học của từng người. Ta phải giúp  nhau chủ động hơn có sáng kiến hơn trong tự học .

 

Việc học không bao giờ là dễ dàng cả. Những người giỏi giang  thường cũng thú nhận là lúc đầu  “vào cuộc” cũng chối lắm. Chỉ có điều họ có quyết tâm hơn người .

 

Tôi nhớ lại những tấm gương hiếu học mà mình nghe được từ lúc trẻ. Tôi nhớ hồi 1975 , vào Sài Gòn nghe kể có những gia đình các bà mẹ phải theo con qua Pháp để thổi nấu cho con ăn uống được tử tế, nhờ thế con học thành tài .

 

Trong chúng ta còn những tiềm năng mà chưa bao giờ ta khai thác hết . Không nên để cho nó mai một đi .

 

Có phải rằng trẻ ở nước ngoài được chơi nhiều hơn phải học? Theo tôi biết điều  đó cũng đúng nhưng nên nói thêm là ở nước ngoài  việc chơi đùa cũng được xem như một bộ phận văn hóa và người ta biết từ cái chơi đó tác động vào tư duy, rút cục chơi đấy mà học đấy. Còn ở ta, phần lớn các gia đình ăn ở  chật chội, trò chơi nghèo nàn, điểm vui chơi công cộng không có, sự chơi đùa được thả lỏng, nên dễ làm hư người. Trong hoàn cảnh đó, tôi thành thực  nói với  các cháu trong nhà: có khi trong việc học, người ta lại tìm ra cảm giác vui sướng hơn.

 

Trong bản thảo cuốn sách do dịch giả Trịnh Lữ dịch mà tôi đang biên tập, có đoạn nói về sự khoái lạc bao gồm cả khoái lạc vật chất lẫn khoái lạc tinh thần. Và  tôi ghi được một câu cho mình: “Khoái lạc tinh thần  bao gồm cảm giác mãn nguyện nhờ thấu hiểu một điều gì đó, hoặc nhờ những suy ngẫm về chân lý”.

 

Có thể các bạn trẻ lúc đầu không tin, nhưng nên nhớ là nhiều thế hệ đi trước, khi về già, đều thấy như vậy . 

 

Ngoài lời  kêu khổ của học sinh, một số phụ huynh  và cả các thày giáo gần  đây cũng  hay nói hùa theo, tức bảo con em mình đang quá khổ sở trong học tập và tỏ ý thương xót các em. Tôi cho rằng lẽ ra chỉ nên nói đáng thương là ở chỗ các em phải học  những thứ kiến thức tầm thường, chẳng hạn những bài văn bài thơ nhạt nhẽo vô vị. Chứ còn so với  cái sâu sắc của kiến thức nói chung, vẻ cao đẹp của văn chương nói riêng, thì các em còn phải làm việc nhiều.

 

Nếu chỉ nói đến sự đáng thương, tức là chúng ta - cho phép tôi nói quá lên một chút – đang  rơi vào cái mà người ta gọi là mị dân. Đang để cho tình cảm lấn át lý trí. Đang quá dễ dãi với nhau, hoặc ít ra là không có yêu cầu cao về nhau. Việc này có liên quan tới những lời  vuốt ve khen ngợi nhau tràn ngập trong đời sống hàng ngày, trên mặt báo (tuyệt vời, xuất sắc, đỉnh cao chói lọi …), cũng là lối  cho điểm cao đang lạm phát trong các trường  từ phổ thông tới đại học và cả trên đại học. Chừng nào chính người lớn còn dừng lại ở cách làm cách nghĩ như thế này thì con em ta không thể nên người được.     

 

Vương Trí Nhàn – Nxb Hội nhà văn, Hà Nội

(Tuổi trẻ)